10 cách trị trẻ hư

Khi trẻ hư, bạn bực mình có thể dẫn đến sai lầm trong giáo dục con cái. Nên lắng nghe tâm sự, tìm hiểu nguyên nhân và mong muốn của trẻ để có phương pháp dạy con tốt hơn. Áp dụng 10 cách sau giúp bạn cải thiện tính tình của trẻ.

15.614

1. Không coi con là trung tâm của thế giới

 

Nếu cho trẻ muốn gì được đấy trong mọi hoàn cảnh, bạn đang dạy trẻ tính đòi hỏi. Điều đó có thể ngăn cản trẻ học cách biết mong ước và biết cái gì là cần thiết. Hãy để con hiểu được thế nào là cho và nhận.

 

2. Không bỏ qua hành vi tích cực của trẻ

 

Do công việc quá bận rộn, bạn không còn thời gian chú ý đến những động thái tích cực của con. Nhưng khi hài lòng về con mà không có lời khen ngợi, bạn đã làm mất đi cơ hội động viên để con tiếp tục phát huy cách cư xử đúng đắn của mình.

 

3. Không nên thưởng tai hại

 

Nhiều bậc phụ huynh quên động viên khi trẻ làm tốt việc gì đó nhưng lại khen thưởng khi trẻ có hành vi tiêu cực. Đừng nghĩ chuyện này vô lý. Có phải bạn chỉ chú tâm đến con bạn khi bé khóc hoặc than vãn, rên rỉ không? Như vậy là bạn gián tiếp ủng hộ con quấy nhiễu, thu hút sự chú ý của bố mẹ bằng những cơn giận dữ và kế mè nheo.

 

4. Giới hạn cách cư xử của trẻ

 

Nếu bạn không định hướng và ép con tuân theo các quy định đạo đức, cứ để con phát triển tự do thì trẻ sớm hình thành thói cục cằn, thô lỗ, bất hợp tác và thiếu tôn trọng người khác.

 

Dù bận rộn cách mấy cũng nên có thời gian dạy con tư cách đạo đức xã hội, tính kiên nhẫn, lễ phép. Đừng để con phát triển theo bản năng tự nhiên, tiếp thu sự thiếu văn hoá bên ngoài xã hội và bị bạn bè xấu lôi kéo rủ rê.

 

5. Đưa con vào kỷ luật

 

Trong khi một số cha mẹ quên đi những kỷ luật khắt khe để giáo dục con cái thì cũng có những người áp dụng biện pháp quá ư nhẹ nhàng.

 

Ví dụ bạn chỉ nói với con rằng “đừng có làm như thế” nhưng lại không làm gì để ngăn chặn hành vi tiêu cực của con. Hoặc con chỉ mới tập đi mà bạn đã cho bé nghịch ngợm thức ăn, con lớn hơn bạn cho phép vi phạm các quy tắc gia đình.

 

Đừng nghĩ trẻ con không biết gì, lớn rồi thì khắc biết. Nếu không thực sự nghiêm khắc, bạn đã “dạy” con rằng các quy định gia đình nói chung không quan trọng.

 

6. Không nên đánh con

 

Roi vọt không giúp bạn bắt con tuân theo ý muốn của mình được. Con bạn có thể phản kháng bằng cái nhìn nửa sợ hãi, nửa ghét bỏ và dần hình thành thói chống đối ngầm.

 

Kỷ luật nghiêm khắc khác xa với trừng phạt bằng roi vọt và hăm dọa. Hãy nhẹ nhàng giải thích nhưng kiên quyết đối với quy định dành cho con.

 

7. Dạy trẻ có trách nhiệm

 

Nếu bỏ qua những lỗi lầm và không dạy trẻ có trách nhiệm với hậu quả chúng gây ra, bạn đang giúp con hiểu rằng chúng chưa bao giờ phạm lỗi cả, cũng có nghĩa gián tiếp giúp con đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh.

 

Tùy mức độ sai phạm của con, nên có biện pháp khác nhau và luôn quan tâm giúp đỡ con hiểu được việc bé đang làm.

 

8. Không nên tặng quà dễ dãi

 

Tặng quà không quan trọng bằng lý do tặng. Đừng nên tặng xe đạp mới cho con chỉ vì chúng đã chán cãi cũ mua trước đó vài tháng, đừng tặng quà chỉ vì con đem bộ mặt nũng nịu đáng thương ra nói với bạn rằng “mẹ không yêu con nên không mua quà cho con”, bởi như thế là nuông chiều thái quá.

 

Những món quà dễ dàng có được sẽ biến con bạn thành người không biết nâng niu giá trị đích thực của cuộc sống.

 

9. Nhượng bộ

 

Khi con có biểu hiện giận dữ cực độ, bạn nên mềm mỏng, đừng quá nghiêm khắc. Bởi lúc này trẻ dễ thiếu suy nghĩ và hành động để lại hậu quả có thể rất tai hại. Nên quan sát con, tâm sự để tìm hiểu và biết cách giải quyết, đừng lúc nào cũng chỉ trích những sai lầm.

 

10. Làm gương

 

Cách cư xử của bạn với gia đình sẽ là kiểu mẫu để con noi theo. Nếu bạn thường xuyên rên rỉ hoặc phàn nàn, con sẽ rập khuôn theo bạn.

 

Theo Dân Trí

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]