Bài (Pháp Luật TP.HCM ngày 12-9) nêu phát biểu của giáo sư về mã số định danh. Tôi xin phép đưa ra lời giải về cấu trúc mã định danh công dân có độ dài dưới 12 con số.

Theo kinh nghiệm nhiều nước, những thông tin được đưa vào mã số định danh công dân thường gặp nhất là ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cấp mã số, số hiệu cá nhân. Theo tình hình ở Việt Nam (so sánh với số CMND cũ hiện hành và số mới đang chuẩn bị triển khai đại trà) cũng như theo yêu cầu tối giản về độ dài mã số, có lẽ chúng ta nên giới hạn ở các thông tin: Năm sinh, nơi cấp mã số và số hiệu cá nhân.

Thứ nhất, về năm sinh, nếu ghi đầy đủ năm sinh với bốn con số thì sẽ không lo sợ gì về việc trùng lắp sau một chu kỳ thời gian (như sự kiện Y2K vào năm 2000) nhưng như thế sẽ khó đạt yêu cầu về độ dài. Ghi năm sinh với hai con số cuối sẽ ngắn gọn nhưng kho số sẽ bị lặp lại sau 100 năm. Vì vậy, có thể thêm một con số để đánh dấu thế kỷ, ví dụ 19xx = 9xx, 20xx = 0xx... để kéo dài chu kỳ lặp lại đến 1.000 năm.

Thứ hai, về nơi cấp mã số. Trước tiên là đơn vị hành chính cấp tỉnh thì chúng ta có thể ưu tiên nhất là mã bưu chính. Mã bưu chính cấp tỉnh gồm hai số, nếu đưa vào mã định danh công dân sẽ có lợi ích kèm theo là khuyến khích người dân quen dần với việc sử dụng mã bưu chính trong các giao dịch của mình.

Ở cấp độ thấp hơn là huyện thì mã bưu chính cũng đã có danh mục ổn định, gồm hai con số tiếp theo mã tỉnh thành. Tuy nhiên, đại đa số các tỉnh, thành chỉ có số quận, huyện trong khoảng 10-20 nên áp dụng vào mã định danh công dân đồng nghĩa với việc bỏ phí hoàn toàn 80% dung lượng kho số. Vì vậy, nếu muốn tiết kiệm hơn để giảm độ dài chuỗi số thì có thể chỉ dùng một chữ cái A-Z để xác định các quận, huyện (có thể đến 26) trong mỗi tỉnh, thành.

Xuống sâu hơn, mã bưu chính cũng không thực sự ổn định vì chỉ dành một số tiếp theo cho cấp xã, phường và số cuối cùng cho cụm địa chỉ nhận. Vì vậy, như ở trên đã thay thế mã huyện bằng một chữ cái thì ở cấp xã cũng dùng một chữ cái để mã hóa (tối đa 26 xã, phường cho mỗi quận, huyện). Nếu quận, huyện nào có trên 26 xã, phường thì kết hợp cả số (0-1) lẫn chữ cái để tạo thành tối đa 36 mã.

Thứ ba, về số hiệu cá nhân. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 31-12-2011 trong cả nước có 11.121 xã, phường và thị trấn. Với tổng dân số khoảng 90 triệu người và tổng tỉ suất sinh bình quân trong vài chục năm trở lại đây khoảng 2, số trẻ em sinh ra trong cả nước mỗi năm sẽ vào khoảng 180.000. Nếu chia đều ra thì mỗi đơn vị hành chính cấp xã sẽ cấp khoảng 16 giấy khai sinh mới mỗi năm. Nếu cấp mã định danh cho toàn dân, với tuổi thọ trung bình là 73 thì bình quân mỗi xã/phường/thị trấn sẽ có trên 110 người cùng mỗi độ tuổi. Dĩ nhiên, số người trẻ trong thực tế sẽ cao hơn con số này và số người già sẽ ít hơn. Như vậy, để đạt ngưỡng an toàn, phần số thứ tự để cấp mã công dân ứng với mỗi năm tại đơn vị hành chính cấp xã nên là ba con số (tối đa 999 số cấp mỗi năm hay cho mỗi độ tuổi).

NGUYỄN TẤN ĐẠI, nghiên cứu sinh khoa học giáo dụcĐH Strasbourg (Pháp)

Cấu trúc mã định danh công dân

Từ các thông tin nêu trong bài có thể được sắp xếp theo hai trật tự khác nhau: Theo năm sinh trước hay theo nơi cấp mã số trước. Thông lệ ở Việt Nam có lẽ quen với việc sắp xếp theo nơi cấp mã số trước.

Quy ước T là cấp tỉnh, H là cấp huyện, X là cấp xã, K là thế kỷ, N là năm sinh, S là số thứ tự cấp giấy khai sinh, ta sẽ có cấu trúc: TT-H-X-K-NN-SSS. Trong đó, H và X có thể là các chữ cái A-Z hoặc số 0-9 và phần còn lại hoàn toàn là số 0-9. Với cấu trúc mã định danh 10 chữ số này, trên lý thuyết có thể cấp cho mọi công dân Việt Nam trong vòng 1.000 năm. Nhìn vào mỗi mã định danh của một người, ta có thể nhanh chóng biết ngay người đó bao nhiêu tuổi và đăng ký thường trú ở đâu khi mới sinh ra.


Video đang được xem nhiều