10 kỹ năng của nhà báo để có cuộc phỏng vấn thành công

"Những kinh nghiệm này sẽ giúp việc phỏng vấn đáng sợ trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ và sống động hơn. Đồng thời, nó sẽ giúp bạn viết nhanh hơn và tốt hơn", Daphne Gray-Grant, chủ bút của trang Publicationcoach.com viết.

0

Bài viết "10 bí quyết để có một cuộc phỏng vấn thành công" của Gray-Grant được giới thiệu trên chuyên trang báo chí Journalism.co.uk của Anh. 

Infonet xin lược dịch và gửi đến bạn bài viết này.

Phỏng vấn là một trong những kỹ năng làm báo quan trọng (ảnh: uanews.org)

Khi còn là một phóng viên, tôi đã phỏng vấn rất nhiều người, đó là phần công việc mà tôi yêu thích nhất trong cuộc đời làm báo. 

Sau đó tôi chuyển sang làm cho một tập đoàn truyền thông. Các cuộc phỏng vấn trở nên khó khăn và nhiều thách thức hơn nhưng tôi đã nhanh chóng học được rằng kỹ năng phỏng vấn tốt sẽ giúp viết được những câu chuyện tuyệt vời một cách nhanh chóng.

Dưới đây là 10 bí quyết giúp bạn có được cuộc phỏng vấn thành công hơn.

1. Đảm bảo rằng bạn đang phỏng vấn đúng người

Cuộc phỏng vấn chỉ có thể thành công nếu bạn tìm đúng người để phỏng vấn. Đừng lúc nào cũng chỉ biết nghe theo những chỉ dẫn, giới thiệu của cấp trên mà hãy biết tìm ra những đối tượng phỏng vấn hay ho cho mình.

Trong nhiều trường hợp, các cuộc phỏng vấn những “người quan trọng” chưa chắc đem lại hiệu quả bằng việc phỏng vấn những cá nhân bình thường nhưng có liên quan trực tiếp và am hiểu thực tế về đề tại mà bạn đang thực hiện.

2. Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi dễ

Không nên bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng những câu hỏi khó trả lời hay những câu hỏi quan trọng nhất mà bạn định hỏi. Hãy bắt đầu bằng những câu hỏi nhẹ nhàng và thân thiện, có thể bằng việc kiểm tra lại những thông tin về tên, chức danh của người bạn đang phỏng vấn hoặc những vấn đề chung chung để “rút ngắn khoảng cách” khi phỏng vấn.

3. Tạo sự đồng cảm

Nên nhớ rằng bạn không phải là một con robot, vì vậy, đừng quá cứng nhắc và máy móc. Giả sử nếu người được phỏng vấn nói về một điều gì đó thú vị, bạn hoàn toàn có thể hưởng ứng bằng việc thốt ra “hay quá”. Nếu họ nói điều gì rất sốc, bạn cũng thể bày tỏ “thật bất ngờ”… vv và vv. Đó là những hành vi rất “người”, nó sẽ khuyến khích người ta chia sẻ nhiều thêm với bạn thay vì chỉ ừ hữ, à ờ.

4. Nhắc lại những gì họ đã nói

Hãy nhắc lại những gì họ đã nói mà bạn cho rằng là quan trọng. Ví dụ, bạn có thể hỏi lại rằng “Ông vừa nói rằng hành động này của công ty ABC là không thể chấp nhận được, đúng không ạ?”.

Việc làm này có hai tác dụng. Thứ nhất, nó chứng tỏ rằng bạn đang lắng nghe những gì họ đang trả lời. Thứ hai, nó giúp bạn nhấn mạnh nội dung bạn muốn nêu bật lên trong bài phỏng vấn. Trong một số trường hợp, nó giúp “cứu cánh” cho bạn nếu bạn lỡ có nghe nhầm một chi tiết quan trọng nào đó.

5.Thật sự lắng nghe

Một số người hỏi tôi rằng tôi có thường chuẩn bị đề cương câu hỏi trước mỗi cuộc phỏng vấn? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, không phải lúc nào tôi cũng chỉ chăm chăm theo sát đề cương ấy.

Hãy lắng nghe, hiểu và linh hoạt. Việc lên đề cương chỉ nên để đảm bảo bạn sẽ thu thập đủ thông tin theo dự định. Trong quá trình phỏng vấn có thể phát sinh những chi tiết mới thú vị, hãy bám vào các chi tiết đó để khai thác sâu hơn.

Khi phỏng vấn, hãy cố gắng đưa ra câu hỏi sau có liên quan đến những gì mà đối tượng vừa trả lời ở câu hỏi trước.

6. Hãy chú ý đến những câu chuyện bên lề, giai thoại hay ví dụ có liên quan

Những chi tiết này sẽ giúp cho bài viết của bạn đa chiều, sinh động và không bị khô cứng.

Việc trích dẫn một giai thoại, một câu chuyện, ví dụ nhỏ trước khi bắt đầu vào nội dung chính luôn là một trong những cách viết rất tuyệt vời. (Ở Việt Nam, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy phong cách viết này của nhà báo Đức Hoàng - FB “Hoàng Hối Hận”).

7. Hỏi về cảm nhận và ý kiến của người được phỏng vấn

Đừng lo lắng về việc liệu nó có làm ảnh hưởng đến tính khách quan và chân thực của nội dung mà bạn đang phản ánh hay không. Việc đưa những trích dẫn đánh giá, ý kiến hay cảm xúc các nhân với tiết chế vừa phải giúp câu chuyện của bạn thú vị và có hồn hơn đối với độc giả.

Những câu hỏi như “bạn nghĩ gì về ABC?” hay “bạn cảm thấy như thế nào sau khi biết về XYZ” là những mẫu câu hỏi thông dụng trong trường hợp này.

8. Khéo léo từ chối việc sử dụng các thuật ngữ

Rất nhiều người thường dùng các thuật ngữ đao to búa lớn hoặc khó hiểu để “đi vòng, đi tránh” trong việc trả lời các câu hỏi phỏng vấn. Cũng có thể đó chỉ là một thói quen.

Dù thế nào, bạn nên từ chối sử dụng thuật ngữ ngay trong lúc phỏng vấn. Bạn có thể nói nửa đùa nửa thật rằng “Tôi sợ rằng anh phải giải thích lại chỗ này giúp tôi vì tôi không am hiểu lĩnh vực này lắm và các độc giả cũng vậy” … vv.

Phóng viên nên ứng xử khéo léo và hài hước trong trường hợp này để tránh làm người được phỏng vấn cảm thấy khó chịu.

9. Ghi lại những ý chính tốt hơn là ghi âm cuộc phỏng vấn

Tôi thường không bao giờ ghi âm các cuộc phỏng vấn. “Bóc băng” là một công việc quá nặng nề đối với tôi.

Tôi thích nhất là phỏng vấn qua điện thoại, đeo tai nghe và gõ lại những gì “đáng giá” trên máy tính.

Đôi khi, kể cả đi phỏng vấn ở ngoài tôi cũng mang theo laptop và gõ trực tiếp nội dung phỏng vấn vào văn bản.

10. Biết rằng bạn sẽ có được câu bình luận hay nhất ở phút cuối cùng

Vào những phút cuối cùng sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn, đừng vội làm gì ngay lúc đó, hãy đợi một vài phút, bạn có thể nảy ra một câu bình luận hay và đáng giá nhất cho cuộc phỏng vấn mà mình vừa thực hiện.

Đây là kinh nghiệm cá nhân của tôi. Tôi cho rằng não của chúng ta có khả năng tổng quát và đưa ra đánh giá hay nhất ở thời điểm ngay khi chúng ta vừa kết thúc cuộc nói chuyện và có một chút thời gian để nhìn lại.

 

Daphne Gray-Grant từng có nhiều năm làm việc ở vị trí phóng viên và biên tập viên của nhiều nhật báo. Hiện nay, Daphne Gray-Grant đang là chủ bút của trang Publicationcoach.com, một trang viết về các kỹ năng viết dành cho các nhà báo và người làm truyền thông.

 

Lê Hương (lược dịch)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]