10 lời khuyên kỳ quặc nhưng hữu ích cho cuộc sống

Đây là “những lời khuyên kì quặc để bạn có một cuộc sống bình thường”.

15.6028

1. Đừng … dư hơi, cũng đừng… thiếu năng lượng!

Nhiều bạn trẻ ngày nay… dư năng lượng khủng khiếp, cứ “nướng” vào những trò không mang lại lợi ích cho mình và cho xã hội (game, chat, rong ruổi ngoài đường phố, hò hét, cà phê quán xá…) Lâu dần, các bạn cảm thấy chán ngán cuộc sống, mất phương hướng, mất niềm tin, động lực phấn đấu.

Ngược lại, có những bạn trẻ quá trời mà sống không… trẻ, thiếu năng lượng. Đi đứng lệt bệt, tướng mạo không ngay ngắn, nói năng không rõ ràng, hỏi gì cũng không biết, không có chính kiến, không biết mình muốn gì, cần làm gì…

Hãy tận dụng thời gian, tuổi trẻ để suy nghĩ nghiêm túc về bản thân, định hướng cho tương lai, làm những việc to lớn. Đây là một việc không dễ dàng, nhưng hãy can đảm thực hiện. Một người có khát khao lớn, nguồn năng lượng dồi dào nhất thiết phải có cái đầu khôn ngoan, tỉnh táo, tự chủ để không bị hoang mang rối loạn hay dụ dỗ, kích động.

2. Đứng trước biến động, đừng rên rỉ theo quán tính!

Học trò Việt Nam có cái tật rất… kì! Đang ở tư thế ngồi, chỉ cần kêu đứng lên thôi là rề rề xô bàn ghế, đứng lên vặn qua vặn lại: “Ôi xời mệt!” Sức trẻ của các bạn nên sử dụng vào chỗ này, sẵn sàng đón nhận, xử lý một cách linh hoạt những thay đổi, chuyển dịch trong đời sống. Trẻ thì hãy suy nghĩ nhanh nhạy, hành động lẹ làng, tác phong gọn gàng.

3. Trước mặt bố mẹ, đừng là… nạn nhân bé nhỏ tội nghiệp!

Teen thời nay thường “ chống đối” cha mẹ, không thèm nghĩ giùm cho cái khó của người lớn. Đã vậy, còn hay làm mình làm mẩy để yêu sách, làm như cha mẹ ngược đãi mình, không có tình thương với con cái. Sao bạn lại cho phép mình… thảm và nhảm thế?

4. Đừng có chơi lung tung!

Chơi thì tốt thôi, nhưng các bạn phải biết mình chơi để được gì chứ? Đập phá cũng là chơi, rảnh quá ra đường đứng cũng là chơi, đi bão sau mỗi trận banh cũng là chơi… Có hàng ngàn cách chơi, làm sao chơi hết và chơi có hiệu quả được? Hãy khoanh vùng phạm vi chơi lại! Chẳng hạn, muốn trở thành nhà báo thì khi còn nhỏ, hãy “chơi” trò viết lách, làm văn làm thơ, đi du lịch đó đây để thấm đẫm hương vị cuộc sống.

5. Bốn thứ cần học:

- Học để có tri thức

- Học để làm

- Học để biết cách chung sống với người khác

- Học để được sống là chính mình.

Hai cái sau vô cùng quan trọng trong thời buổi hiện đại. Để trưởng thành, đĩnh đạc, chín chắn, bạn trẻ phải học trong trường đời rất nhiều. Nhớ, đỉnh cao của hạnh phúc là được là chính mình. Hãy học những gì cần cho mình, đừng chỉ học những gì người ta dạy.

6. Đừng nói: “Tui xui!”

Hãy chấp nhận logic công bằng trong cuộc sống! Cuộc sống đo lường mọi thứ bằng kết quả chứ không phải bằng thời gian làm việc. Làm nhiều mà kém trí tuệ thì hiệu quả cũng sẽ thấp.

7. Hãy biết yêu từ sớm!

Ai cấm yêu là người đó… sai! Các bạn có quyền nói yêu khi đã hiểu bản chất của tình yêu. Yêu không có nghĩa là suốt ngày phải kè kè, chở nhau đi tới đi lui hay mượn tiền gia đình để giựt le với người ấy. Những người yêu chân chính thường sống đàng hoàng, tử tế và giúp nhau thành công trong cuộc sống.

8. Định hướng nghề nghiệp cho… giới tính

Nam hay nữ cũng là một… nghề. Các bạn đừng bị cái bên ngoài xã hội khiến mình mất khả năng định hướng trong lĩnh vực “nghề nghiệp” này. Hãy sống đúng và trọn vẹn với giới tính của mình! Điều đó có lợi cho bạn.

9. Nếu không điên, đừng tỏ ra… bất bình thường!

Có những người vì sống trung thành với cá tính của mình nên … ngộ. Nhưng nhiều teen ngây thơ trong sáng lại cứ muốn áp đặt cái “ngộ” từ bên ngoài vào (ăn mặc lập dị, nói tiếng lạ, …). Đúng là … điên thiệt, nhưng không đáng nể. Để đo lường cá tính, khả năng sáng tạo, phải nhìn vào những thành quả bạn làm ra. Chẳng hạn, bạn có biết cách tạo ra những điều bất ngờ nho nhỏ khiến cho cuộc sống của người khác vui vẻ không?

10. Ba phương cách xả stress tận gốc:

- Kết bạn tâm giao (không phải bạn để chơi bời)

- Xài bộ não thật hiệu quả

- Giải phóng năng lượng và cảm xúc qua hoạt động thể thao và nghệ thuật.

 

 

Bài viết cộng tác cho chuyên mục Giải trí vui lòng gửi về địa chỉ: [email protected]

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]