10 nguyên tắc mẹ bầu cần biết khi tập thể dục

Thể dục khi mang thai giúp mẹ vượt qua đau đớn khi sinh và có đứa con khỏe mạnh nhưng bạn nên lưu ý để an toàn cho mẹ và bé.

15.5995

Được sự đồng ý của bác sĩ

 
Khi có bầu bạn có thể vẫn tiếp tục làm việc hoặc bạn đang có một chế độ tập luyện từ trước, bạn nên sắp xếp laị công việc và chế độ tập luyện mới theo chỉ dẫn của bác sĩ để không làm hại bé. Những phụ nữ nào đang có vấn đề về thể chất hay thai kỳ bị đe dọa thì chớ nên dính líu vào thể thao. Ðấy là những phụ nữ bị bệnh về van tim, bệnh thận, quá béo phì, quá suy dinh dưỡng, áp huyết cao đa thai, có nguy cơ sinh non.
 

Luôn có bước khởi động

 
Khởi động nhẹ nhàng, chuẩn bị cho cơ bắp và các khớp xương của mẹ bầu thích nghi với các bài tập là việc quan trọng không thể thiếu. Đồng thời, màn khởi động làm nhịp tim tăng lên từ từ, điều này sẽ tốt hơn cho sức khỏe chúng ta. Bỏ qua giai đoạn khởi động và bắt đầu luôn với các bài tập khi cơ thể chưa sẵn sàng sẽ khiến các cơ và dây chằng bị căng cứng và gây đau nhức cho mẹ.


Khởi động là bước quan trọng khi các bà bầu muốn tập thể dục
 

Uống nhiều nước

 
Mẹ bầu nên uống nước cả trước, trong và sau khi tập thể dục. Thiếu nước làm tăng nhiệt độ cơ thể có thể làm hại em bé. Nên uống một cốc trước lúc tập, sau 20 phút uống thêm một cốc, sau khi tập xong uống thêm một cốc trời nóng có thể uống thêm.
 

Bổ sung thêm calo

 
Tập thể dục đốt cháy lượng lớn calo, vì vậy mẹ cần đảm bảo ăn đủ lượng calo cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể. Khi mang thai, mẹ sẽ tăng cân song song với sự phát triển của bé. Các mẹ tăng cân khác nhau dựa trên trọng lượng của mẹ trước khi mang thai.
 

Sau khi tập thể dục hãy bổ sung thêm calo cho cơ thể
 

Không tập các môn thể thao nguy hiểm

 
Các mẹ bầu nên tuyệt đối tránh các môn đối kháng, hoạt động mạnh như cưỡi ngựa, đạp xe, thể dục thẩm mỹ, lặn, võ thuật, nâng tạ, leo núi... Chị em chỉ nên chọn những môn thể dục chậm rãi nhẹ nhàng như: bơi lội, đi bộ, yoga… để tốt cho cả mẹ và bé.
 

Mặc quần áo phù hợp

 
Quần áo phù hợp, thoáng mát, mặc nhiều lớp mỏng, rồi cởi dần sau khi khởi động, không được bó chặt cơ thể. Các mẹ bầu cũng cần đi giày vừa chân, có thể sẽ phải thay giày vì khi có bầu chân bạn thường bị sưng hoặc to hơn.
 

Hãy chọn trang phục phù hợp khi tập thể dục
 

Tránh một số động tác nhất định

 
Sau quý I của thai kì, bạn nên hạn chế nằm ngửa xuống nền nhà. Tư thế này làm cho áp lực lên các mạch máu càng cao có thể hạn chế máu chảy tới não và thai nhi khiến bạn choáng ngất, thở ngắn và có thể bị nôn mửa. Tuy nhiên, có một số thai phụ thích tư thế nằm này thì nên đặt một chiếc gối dưới hông hoặc dưới đầu gối.
 

Đừng tập quá sức

 
Các bà bầu tuyệt đối không nên tập thể dục đến mức kiệt sức. Một nguyên tắc bỏ túi bạn nên nhớ là: hãy giảm cường độ lại nếu bạn không thể nói chuyện bình thường (hoặc hụt hơi khi nói). Hãy lắng nghe cơ thể mình, vì đó chính là chỉ dẫn tốt nhất. Khi bạn cảm thấy đau, dù ở bất kỳ bộ phận nào, đó có nghĩa là bạn đã tập sai hoặc có gì đó không ổn, hãy dừng tập ngay.
 

Các mẹ bầu không nên tập luyện quá sức
 

Thả lỏng

 
Vào cuối bài tập, hãy dành khoảng 10 phút để đi bộ tại chỗ hoặc thực hành vài động tác kéo giãn người phù hợp với bà mẹ mang thai. Các động tác này giúp cho nhịp tim của bạn trở lại bình thường và phòng ngừa đau cơ.
 

Không để cơ thể quá nóng

 
Đừng để bạn trở nên quá nóng đặc biệt là trong quý I của thai kì khi các chức năng của thai nhi đang phát triển. Mặc dù chưa có nghiên cứu nào ở người nhưng một vài nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng, nếu quá nóng có thể dẫn tới những ảnh hưởng khi sinh.

Theo Kiến Thức


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]