1.001 cách làm ăn: Trồng cây sưa

(Dân Việt) (Dân Việt) - Những năm gần đây, cây sưa gây xôn xao dư luận, đi đâu người ta cũng bàn bạc về cây sưa. Nguyên do cũng chỉ vì người Trung Quốc sang ta lùng sục và tìm mua cây sưa với giá… trên trời!

15.607

Nó đắt tới mức ta không thể tưởng tượng nổi. Họ còn mua cả gỗ sưa bằng… cân! Rễ sưa, bột gỗ sưa cũng đều được họ mua tất. Không ai biết họ dùng gỗ sưa làm gì. Chỉ biết rằng, ở đâu có cây gỗ sưa là họ tìm tới. Kẻ gian nhân thể đi chặt trộm gỗ sưa ở khắp nơi. Nhiều nhà phải làm lồng sắt để giữ cây sưa…

Bà con có thắc mắc hay mong muốn được chia sẻ, tư vấn về các vấn đề liên quan đến hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, học tập kinh nghiệm từ các mô hình, điển hình làm giàu từ nghề nông... có thể gửi câu hỏi về email: [email protected] để được chuyên gia tư vấn, giải đáp.

Mãi tới ngày 14.5.2007, Bộ NNPTNT mới có công văn về công tác bảo vệ và gây trồng phát triển cây sưa. Theo đó, nếu cây sưa do bà con mình tự trồng thì quyền bán nó sẽ thuộc về bà con ta.

Sưa là một loại cây gỗ có thân cao và được nhiều nơi trồng làm cây bóng mát. Ở Hà Nội trước đây, có rất nhiều cây sưa được trồng trong các công viên và các đường phố. Nó là loại gỗ quý được xếp vào nhóm 1A do Nhà nước quản lý.

Gỗ của nó có mùi thơm thoang thoảng như trầm hương. Sưa còn có tên là huỳnh đàn, huê mộc vàng, cẩm lai Bắc Bộ và có nơi còn gọi nó là cây trắc thối (vì rằng, hạt của nó nếu bị đốt cháy sẽ tỏa ra một mùi rất khó chịu).

Ngày xưa, vua chúa và quan lại thường dùng gỗ sưa để đóng các đồ nội thất cao cấp. Gỗ sưa vừa cứng, vừa dẻo và lại có hoa văn đẹp. Có người cho biết, người Trung Quốc thích lấy gỗ sưa để tạc tượng thần linh, tượng Phật và làm bàn thờ. Họ tin rằng, gỗ sưa sẽ đem lại niềm may mắn…

Cũng chính vì đòi hỏi quá lớn nên nhiều kẻ gian đã đánh tráo gỗ sưa đỏ với gỗ sưa trắng. Thực tế, cây sưa trắng chính là cây thàn mát. Thàn mát có ngoại hình rất giống với cây sưa đỏ (là loại cây mà người Trung Quốc rất muốn mua). Thàn mát có hoa màu trắng tuyền, trông rất đẹp (trong khi hoa của cây sưa đỏ có màu vàng nhạt hoặc vàng trắng). Đặc điểm dễ phân biệt nhất là ở lá chét: Cây sưa đỏ có lá chét mọc cách, còn cây sưa trắng (cây thàn mát) lá chét lại mọc đối. Bà con nên biết để phân biệt, tránh bị lừa.

Sưa được nhân giống bằng hạt. Người ta thường thu hạt vào tháng 1-2. Sau độ 30-50 ngày thì đưa hạt đi gieo. Ta thường gieo từ tháng 2 đến tháng 4 (vào dịp đầu xuân). Vào thời điểm này nếu gặp rét, ta nên phủ nylon trắng lên luống để chống rét cho cây con. Khi cây đạt độ cao 40-50cm là có thể xuất vườn để đưa đi trồng.

Ta nên trồng sưa vào mùa xuân hay mùa thu. Nên tìm chỗ đất có độ dốc thoai thoải, không bị sũng nước để trồng. Đất phải có tầng canh tác dày ít nhất là 1m và không được quá khô hạn. Ta chọn những cây có chiều cao từ 40-50cm trở lên đem trồng, không nên trồng cây quá nhỏ. Ta nên trồng xen kẽ cây sưa với các loại cây lâm nghiệp khác như lát hoa, sao đen, sấu, keo lai… với mật độ 2.000 cây/ha (trong đó 50% là cây sưa).

Kỹ thuật trồng sưa cũng giống như trồng các loại cây lâm nghiệp khác. Chỉ có điều, nhớ xén tỉa bớt các nhánh phụ để cây tập trung vươn thẳng. Hàng năm định kỳ làm cỏ, xới xáo và bỏ thêm phân cho cây…

Điều quan trọng nhất là bà con phải tìm các cơ sở uy tín, có địa chỉ rõ ràng và có cam kết thì mới nên mua giống sưa…

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]