1.001 cách làm ăn: Trồng mướp

Bây giờ dân thành phố lại rất thích ăn mướp. Họ cho rằng, mướp ăn ngon, nấu được nhiều món. Nhưng điều quan trọng làm họ thích vì mướp ít bị tác động của thuốc trừ sâu. Nó được xếp vào loại rau sạch.

0
Mướp (Ảnh minh hoạ)
Trong Đông y, người ta cho rằng mướp có tác dụng lợi tiểu, tiêu đờm, mát máu, giải độc, an thai, kháng viêm, trị ho, trị chảy máu, viêm xoang...

Bà con mình thì có kinh nghiệm dùng lá mướp để rửa bát đĩa có dầu, mỡ rất tốt. Có nhà luôn luôn duy trì giàn mướp chỉ cốt để lấy lá rửa bát, đĩa, nồi soong.

Mướp rất dễ trồng. Nó là loại thân leo. Ta cứ có chỗ để nó bám là mướp leo lên ngay. Đa phần bà con ta cứ gieo hạt quanh hàng rào. Thế là mướp sẽ leo lên kín. Nếu biết giữ cho quả không bị ruồi châm thì tha hồ thu mướp, đủ ăn quanh năm.

Bà con có thắc mắc hay mong muốn được chia sẻ, tư vấn về các vấn đề liên quan đến hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, học tập kinh nghiệm từ các mô hình, điển hình làm giàu từ nghề nông... có thể gửi câu hỏi về email: [email protected] để được chuyên gia tư vấn, giải đáp.

Dân thành phố bây giờ cũng trồng mướp. Họ đổ đất trên sân thượng rồi quây lại một chỗ khoảng 1m2 và dùng gạch xếp chắn lại. Họ gieo hạt mướp và cho nó leo lên giàn giăng bằng dây thép. Hàng ngày, họ pha nước tiểu và tưới cho nó. Thế mà giàn mướp cũng lên rất tốt, quả ra liên tục. Mướp là cây mau cho quả. Từ lúc gieo hạt cho tới lúc được thu chỉ khoảng 80-100 ngày. Thậm chí có giống mướp cao sản chỉ 45-50 ngày đã cho quả. Ta có thể thu liền trong 2-3 tháng. Nếu trồng cả ruộng, nó có thể cho năng suất tới 40-50 tấn/ha.

Ở phía Nam, có thể trồng mướp quanh năm. Nó là cây ưa khí hậu nóng, ẩm và nhiều sáng. Ở phía Bắc thì nên trồng vào mùa hè.

Mướp có bộ rễ rất phát triển, nó lan rộng nhưng nông. Nó chịu hạn tốt nhưng không chịu được úng. Tuy nhiên, vì bộ lá rất phát triển nên nó cần nhiều nước và cũng cần nhiều phân, trong đó yêu cầu về đạm là cao nhất. Nếu thiếu đạm là cây còi cọc ngay, lá vàng vọt, quả ra ít và bé. Bà con thường giăng giàn trên cao, trên các mương nước để trồng mướp. Như thế ta tiết kiệm được đất vườn.

Cũng có nơi bà con trồng xen nó với rau dền, rau muống. Khi đã thu xong rau thì ta xới xáo, vun gốc cho mướp phát triển. Cứ 20 ngày ta lại bón thúc cho nó một đợt (nước tiểu, nước phân lợn pha loãng hoặc urê 1%). Nếu trồng ngoài ruộng thì giàn phải cao 2m để tiện cho việc đi lại chăm sóc. Lúc cây đã leo lên giàn thì ta ngắt bỏ hết các lá ở gốc, các lá bị sâu bệnh và đem đi tiêu hủy. Chú ý hướng ngọn vươn theo chiều gió mùa để tránh gió lật lá và lật dây ngọn. Mỗi sào Bắc Bộ chỉ nên trồng khoảng 50 khóm là vừa.

Mướp cũng có khá nhiều sâu thích ăn như bọ dưa, bọ rùa, bọ xít, bọ phấn, sâu xanh... Ta có thể dùng dipterex 1/1.000 phun khi chúng xuất hiện nhiều.

Riêng với ruồi đục quả ta có thể dùng một số loại thuốc như sofri-Protein, fastac, sherjol, polytin. Nhưng tốt nhất là dùng túi nylon bao cho quả khi nó đậu được 3-4 ngày. Như vậy, không cần phải phun thuốc. Mướp rất mau hóa già, quả sẽ bị xơ. Vì vậy, nhớ thu hoạch khi quả lớn tới mức tối đa, hoặc hơi non một chút là tốt.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]