11 lời khuyên cho doanh nhân đầu năm mới

Dưới đây là những lời khuyên hữu ích từ các nhân vật thành công, những người luôn muốn xây dựng một cộng đồng doanh nhân vững mạnh, do Business Insider đưa ra.

15.6237

1. Chọn điều “phải” làm

Elle Luna đã từ bỏ công việc mơ ước khi cô đang ở đỉnh cao của sự thành công. Rời khỏi Mailbox, vì cô thực sự muốn sáng tạo nghệ thuật.

Doanh nhân thành đạt là người biết mình buộc phải làm gì.
 

Một năm sau, Elle Luna - nhà thiết kế tài năng, người đứng sau ứng dụng taxi Uber, đã đến Bali thành lập dự án dệt may của chính mình có tên The Bulan Project. Quan trọng hơn cả là cô đã rút ra được một bài học đúng với tất cả mọi người: “Cuộc sống này luôn có 2 con đường: Nên và Phải (must). “Nên” phản ánh kỳ vọng từ xã hội, và gia đình – chúng ta nên nghĩ như thế nào, nói năng ra làm sao, nên làm gì và không nên làm gì. Trong khi đó, “phải” thể hiện điều mà ta tin tưởng, hay nói cách khác, “phải” phản ánh đúng bản chất của mỗi người.

2. Cho phép bản thân “ngốc nghếch” một chút

Hiện nay, Tobias van Schneider chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng những sản phẩm mới cho Spotify, nhưng ông chưa từng dám nghĩ tới điều này khi bỏ học năm 15 tuổi. Cũng ít ai ngờ chính ông bị một loạt trường đào tạo nghệ thuật từ chối. Sự nghiệp của Tobias bắt đầu từ một vài dự án thực nghiệm.

Tobias cho biết, để những dự án như này thực sự thành công, bạn phải cho phép bản thân mình ngốc nghếch đôi chút. “Một dự án thành công khi và chỉ khi người ta cho phép bản thân họ suy nghĩ đơn giản, thay đổi cách nhìn, được phép thất bại, căn bản nhất là không quá nghiêm trọng hóa vấn đề”, Tobias nói. Khi có cách nhìn đơn giản, bạn sẽ có dũng cảm để thử những cái mới mà không hề sợ thất bại, sẽ tin tưởng bản thân nhiều hơn, từ đó sáng tạo nên một thứ gọi là văn hóa của đam mê.

3. Quy tắc 20-40-60

Sự nghiệp của doanh nhân, nhà đầu tư, giám đốc điều hành Heidi Roizen đã giúp bà rút ra một số bài học để có được sự nghiệp cũng như cuộc sống viên mãn. Roizen cho biết, bài học ý nghĩa nhất mà bà rút ra là, “Năm 20 tuổi, bạn không ngừng lo lắng, phiền muộn về những gì mà người ngoài nghĩ về mình. Năm 40 tuổi, bạn bừng tỉnh và tự nhủ, từ giờ, mình sẽ chẳng thèm quan tâm xem mọi người nghĩ gì về mình nữa”. Đến tuổi 60, bạn nhận ra rằng, thật ra đâu có ai để ý, đánh giá mình đâu”.

Sự thực là gì? “Ngay từ đầu đã chẳng có ai để ý đến bạn. Ông chủ không suy nghĩ về bạn. Đồng nghiệp cũng chẳng bận tâm đến bạn. Bạn cần phải nghĩ về chính bản thân mình”, Heidi nói. Không một ai nghĩ về bạn nhiều như bạn nghĩ về chính mình, bởi vậy hãy tiết kiệm thời gian và bắt tay vào làm việc.

4. Phá vỡ khuôn mẫu để làm mạnh đội hình

Aditya Agarwal luôn tuyển những nhân viên có khả năng học hỏi nhanh. Ảnh: BI.
 

Khi Aditya Agarwal bắt đầu sự nghiệp tại Dropbox, công ty này mới chỉ có 30 kỹ sư để phục vụ 50 triệu người dùng. Hiện nay, anh đang dẫn dắt đội ngũ hơn 200 nhân viên bảo vệ dữ liệu cho hơn 200 triệu khách hàng. Trong quá trình ấy, anh đã trở thành chuyên gia trong khoản xây dựng đội ngũ nhân viên. Bí quyết của anh là không ngừng tuyển dụng những người có khả năng học hỏi nhanh, biết cách thích nghi với những thay đổi và tùy cơ ứng biến.

Nếu nhân viên của bạn còn thiếu sót, hãy cho họ cơ hội để học hỏi. Đó chính là cách mà Dropbox đã áp dụng để nâng số kỹ sư tham gia xây dựng code cho iOS từ 3-4 lên hơn 30 người. Agarwal cho biết: “Khi bạn làm điều đúng đắn, kiểu gì cũng sẽ có một thứ gì đó bị phá vỡ. Nhưng quan trọng là, hãy nói với mọi người rằng, một chút hỗn loạn không vấn đề gì”.

5. Không bị phân tán bởi nhóm thiểu số lắm lời

Là quản lý cộng đồng đầu tiên của Reddit, Erik Martin đã dẫn dắt trang web hiện phục vụ 5,5 tỷ trang web và hơn 100 triệu người ghé thăm mỗi tháng. Tuy nhiên, anh chỉ có một đội ngũ nhân viên nhỏ.

Việc quyết định xem nên đầu tư thời gian vào đâu là điều tối quan trọng, một trong những cách để làm điều này là đừng lãng phí thời gian và năng lượng vào một bộ phận nhỏ đang cáu giận, to tiếng, Erik cho biết. Đây là điều mà hầu hết những ai mới khởi nghiệp trong ngành dịch vụ khách hàng đều phải đối mặt. Martin chia sẻ: “Con người thường có xu hướng bực tức, la lối khi mọi thứ không như mình mong muốn. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn đang phục vụ rất nhiều khách hàng khác”.

Để chắc chắn rằng bạn đang đưa cộng đồng lớn này đi đúng hướng, Martin khuyên bạn giữ thái độ nhã nhặn, lịch thiệp trong mọi cuộc đối thoại với khách hàng, đồng thời thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu với những vấn đề mà họ đang gặp phải. Bạn cũng phải cho khách hàng thấy rằng các nhân viên đang cố gắng hết sức để giải quyết những mối lo ngại của họ.

6. Thử bài test RIBS

Là Chủ tịch ban truyền thông tại Facebook (trước đó là đồng sáng lập OutCast), Caryn Marooney đã giúp rất nhiều sản phẩm của mình được quảng bá trên báo chí. Cô cho biết, để một phóng viên viết bài về sản phẩm của bạn, bạn phải thuyết phục người đó rằng nó có ý nghĩa quan trọng.

Hãy thử kiểm tra xem tin tức bạn đăng tải có vượt qua bài test RIBS hay không nhé.

Relevant – Bám sát thực tế: Liệu sản phẩm mà công ty đưa ra có giúp giải quyết một vấn đề đang nhức nhối của người tiêu dùng? Vì sao nó đáng nhận được sự chú ý?

Inevitable – Tính chắc chắn: Nếu như xu hướng hay cuộc cách mạng bạn đang tạo ra không được tiếp nhận, bạn sẽ phải chiến đầu tới cùng.

Believable – Đáng tin cậy: Bạn phải thuyết phục được khách hàng rằng công ty của bạn có thể biến điều mà họ đang mong chờ thành hiện thực.

Simple – Đơn giản: Hãy đơn giản hóa thông điệp mà bạn muốn gửi gắm đến khách hàng.

7. Tìm kiếm tài năng bằng cách nhìn vào những sản phẩm bạn thích

Julie Zhou bắt đầu làm việc tại Facebook từ năm 22 tuổi và hiện nay cô đã lên đến vị trí chỉ đạo thiết kế sản phẩm. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất ở vị trí này là tìm kiếm những tài năng thiết kế giỏi nhất thế giới. Để làm được điều này, Zhou luôn nhìn vào những sản phẩm mà cô và đội ngũ nhân viên của mình yêu thích ngoài Facebook. Cô đề xuất liệt kê ra một danh sách những ứng dụng mình thích, không nhất thiết phải là ứng dụng cực kỳ thành công, có thể những ứng dụng nhỏ nhưng tiềm ẩn sau đó một sáng kiến vĩ đại là được.

Zhou nói thêm: “Hãy đọc kỹ những dòng chữ ghi trên sản phẩm, chú ý đến các chi tiết mà bạn thích sau đó dùng các công cụ tìm kiếm như Google, Linkedln và AngelList để tìm cho ra người đứng sau những ý tưởng ấy. Sau khi hoàn tất bước này, bạn cần phải quên đi sự xấu hổ, dè dặt. Hãy tìm đến những người đó. Bạn cứ yên tâm bởi con người ta ai chẳng thích nghe những lời hay từ fan hâm mộ. Với các lĩnh vực khác cũng vậy. Nếu bạn thích cách mà một công ty nào đó tiếp thị sản phẩm của họ hay chiến thuật kinh doanh, thì đó chính là lý do để bạn lôi kéo những tài năng ấy về với đội của mình.

8. Vay mượn niềm tin để xây dựng một sản phẩm đáng tin cậy

Lynn Perkins, CEO tại Urbansitter có rất nhiều ý tưởng về việc “mượn tạm” lòng tin để xây dựng những sản phẩm công nghệ. Một trong những cách dễ dàng nhất để các công ty khởi nghiệp với nguồn lực hạn chế có thể làm được điều này là mượn tạm hình ảnh khiến khách hàng “trao trọn niềm tin” từ các nguồn khác.

Để khiến các ông bố bà mẹ thoải mái hơn với việc lên mạng thuê một người trông trẻ, Urbansitter thường tận dụng sơ đồ xã hội, làm nổi bật hình ảnh các chuyên gia chăm sóc trẻ em đã từng được thuê bởi người quen của họ. “Khi các bậc phụ huynh nhận ra rằng bạn bè, người thân của mình hoặc người họ coi trọng từng thuê một người trông trẻ theo cách này, đây sẽ là thông tin hết sức thuyết phục”, Perkin chia sẻ.

Trang của Perkin cũng hiển thị thông tin của người trông trẻ gắn liền với những tổ chức có tên tuổi, đáng tin cậy như là các trung tâm đào tạo CPR (thủ thuật hồi sinh tim phổi) hay tổ chức cha mẹ. Các công ty khởi nghiệp cần xây dựng lòng tin của khách hàng nên trông cậy vào các mối quan hệ hợp tác tiềm năng và sơ đồ xã hội.

9. Nói “không” đúng cách

Bill Trenchard cho biết, trung bình một CEO công nghệ làm việc 300 ngày mỗi năm và 14 tiếng một ngày. Tuy nhiên khoảng 2/3 thời gian là dành cho hội họp và email.

Khi mà một công ty đã có một chỗ đứng vững chắc, ông chủ sẽ chỉ muốn nó ngày càng lớn mạnh thêm. Đó là lý do tại sao người ta thường tìm đến Linkedln, email và những lời mời mọc đi uống café để nhờ vả. Bạn muốn từ chối, tuy nhiên nói “không” cũng là cả một nghệ thuật. Bởi vậy CEO Trenchard đã chuẩn bị sẵn một loạt mẫu thư từ chối.

Việc “thủ” sẵn công cụ này giúp Trenchard tiết kiệm rất nhiều thời gian. Mấu chốt quan trọng khi viết một lá thư từ chối là bạn không muốn nói chuyện thêm với đối phương. Tuy nhiên, hãy từ chối thật khéo léo bằng cách đưa ra lời giải thích thành thật về tình hình hiện nay.

10. Nâng cao tiêu chuẩn mỗi đợt “tuyển quân”

Là người điều hành của Amazon Redshift và Amazon Aurora, Anurag Gupta được giao trọng trách liên tục làm mạnh đội ngũ tài năng kỹ thuật của công ty. Để làm được điều này ông luôn chủ ý nâng tiêu chuẩn mỗi đợt tuyển người mới. Gupta đề xuất việc giao cho những nhân viên hiện tại của công ty nhiệm vụ “nâng cao tiêu chuẩn”, cho phép họ tham gia vào mọi cuộc thảo luận, hay phỏng vấn, đồng thời trao cho họ quyền nhận định xem ứng cử viên mới có điểm gì trội hơn những nhân viên cũ ở đây hay không.

Gupta cho biết, cũng phải lựa chọn những người có khả năng phán đoán tốt và yêu cầu cao. Nhiệm vụ của họ là đảm bảo năng lực người được tuyển phải đạt trên 50% năng lực của những nhân viên hiện đảm nhiệm vị trí cần tuyển”. Họ không phải chịu áp lực như người trực tiếp phụ trách tuyển dụng, nhưng cần nắm rõ vị trí cần tuyển để có thể phán xét kỹ năng của các ứng viên.

11. Tôn trọng thời gian của người khác

Carly Guthrie đã và đang phải đối mặt với một số câu hỏi về nhân lực khó khăn nhất sau bao năm làm quản lý nhân sự cho nhiều công ty công nghệ mới khởi nghiệp cũng như các chuỗi nhà hàng. Trong quãng thời gian làm việc, cô phải chứng kiến nhiều nhân tài rời bỏ công ty mà ở đó họ làm việc rất tốt.

Một trong những lý do quan trọng khiến nhân viên ra đi là họ cảm giác như thể mình không được sở hữu thời gian của chính bản thân. Guthrie chia sẻ, một CEO thực sự tốt là người biết nghĩ đến cuộc sống của nhân viên, ngoài công việc. Đây là bí quyết số một để tránh tình trạng nhân viên rời bỏ công ty. Cô nói thêm: “Từ sau 5h chiều thứ 6 đến 9h sáng thứ 2 là thời gian của riêng nhân viên, chứ không phải của công ty. Có làm thêm vào ngày cuối tuần hay không là quyết định của họ. Một khi bạn cho họ sự tự do lựa chọn, thì họ sẽ không cảm thấy khó chịu đến mức phải từ bỏ công việc”.

Thanh Tuyền (VnExpress)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]