14 việc cần làm trước ngày sinh

Chuẩn bị sẵn sàng hành trang đi đẻ giúp mẹ bầu yên tâm và tự tin hơn.

15.5841

Sắp tới ngày chào đón thiên thần ra đời rồi, dĩ nhiên mẹ bầu đã chuẩn bị thật kỹ mọi thứ trong suốt thời gian qua. Để chắc rằng mình đã hoàn toàn yên tâm và tự tin, hãy kiểm tra một lần nữa và hoàn thành tốt những việc cần thiết dưới đây.

1. Cách tính ngày sinh

Để tính tuổi thai bác sĩ dựa vào siêu âm, đo chiều cao tử cung, thời điểm thai cử động và tim thai.... Tuy nhiên chị em cũng có thể tự dự đoán được ngày sinh với một số cách đơn giản:

Quy tắc 9 tháng 10 ngày

Lấy ngày đầu kỳ kinh cuối cùng, đếm đến tháng thứ 9 rồi cộng thêm 10 ngày

Ví dụ: ngày đầu chu kỳ kinh cuối của bạn là 1/3/2013 thì dự kiến sinh ngày 11/12/2013

Đếm tuần thai

Chu kỳ mang thai thường là 280 ngày = 40 tuần.

Bạn lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng, đánh dấu vào lịch, xem nó vào ngày thứ mấy trong tuần (ví dụ thứ 5 chẳng hạn). Sau đó đếm đủ 40 cái thứ 5 đó là ngày dự sinh.

Luật Nagele (+7/-3)

Là cách lấy ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối thêm 7 ngày và trừ đi 3 tháng. Phương pháp tính này dựa trên chu kỳ kinh 28 ngày.

Ví dụ: ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối là 10-6, vậy bạn sẽ sinh vào ngày 17 – 3 năm sau.

Biết trước ngày sinh bé rất cần thiết để bà bầu chuẩn bị. Tuy nhiên thời gian có thể sớm hoặc trễ hơn 2 tuần so với ngày dự kiến sinh, vì việc mang thai bình thường có thể thay đổi từ 38 đến 42 tuần.

2. Xin nghỉ thai sản

Thường các mẹ bầu có tâm lý sẽ đi làm tới ngày lâm bồn để có nhiều thời gian chăm sóc con sau khi bé chào đời. Điều này không nên vì trước khi sinh mẹ bầu cần được nghỉ ngơi, thư giãn, soạn đồ đạc sẵn sàng… để chuẩn bị tới bệnh viện. Tốt nhất bạn nên xin nghỉ trước ngày dự sinh 1-2 tuần.


Lớp học tiền sản giúp bạn tự tin hơn trong vai trò làm mẹ. (ảnh minh họa)

3. Cùng chồng lên kế hoạch tài chính

Sẽ có rất nhiều khoản vợ chồng bạn phải chi tiêu trong thời gian tới, mặt khác khoản lương của bạn có thể ít đi trong thời gian nghỉ thai sản. Hãy cùng chồng lên kế hoạch cụ thể về những khoản chi tiêu để bạn chủ động và yên tâm hơn về tài chính trước khi sinh.

4. Tham gia lớp học tiền sản. Lớp học tiền sản sẽ trang bị cho bạn:

- Những kiến thức cơ bản về vấn đề chuyển dạ, phương pháp đẻ thường với đẻ mổ

- Những hướng dẫn cơ bản về những chuẩn bị về mặt thể chất, tinh thần cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất cho việc chào đón một em bé sơ sinh trong cuộc sống của các cặp đôi.

- Một số hướng dẫn để giúp các mẹ có thể vượt cạn dễ dàng như: cách thở, cách rặn đẻ...

- Những kiến thức cơ bản về việc làm quen với bé sơ sinh, chăm sóc bé lúc mới sinh (dinh dưỡng, vệ sinh, các bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh..)

- Cách chăm sóc sản phụ sau khi sinh (vệ sinh, dinh dưỡng, tâm lý...)

5. Dọn dẹp nhà cửa

Nếu không có điều kiện thuê người giúp việc, bạn hãy cùng chồng dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa một chút. Điều này sẽ giảm phần nào áp lực công việc sau khi sinh nở, và quan trọng là khi trở về nhà hai mẹ con sẽ cảm thấy thoải mái, ấm áp hơn với không gian sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng mát.

6. Tìm người chăm sóc mẹ và bé

Mẹ bầu nên tìm người giúp việc ngay từ bây giờ để chăm sóc cho hai mẹ con nếu không có ông bà nội ngoại gần bên. Có thể nhờ người quen, bạn bè giới thiệu để tìm được người giúp việc đáng tin cậy nhé.


Ngủ đủ giấc là một trong những điều quan trọng nhất. (ảnh minh họa)

7. Tìm bác sỹ cho con

Tìm trước cho em bé sơ sinh một bác sỹ thật tốt đề phòng chẳng may bé bị bệnh. Trẻ sơ sinh thường có sức đề kháng kém, dễ mắc một số bệnh truyền nhiễm nên việc kiếm sẵn một bác sỹ chưa bao giờ là thừa.          

8. Hãy thư giãn

Lo lắng, sợ hãi, vội vàng đều ảnh hưởng không tốt đến mẹ và bé. Tạo cho mình một cảm giác thoải mái, vui vẻ bằng cách:

- Xem bộ phim mà bạn yêu thích hay nghe một bản nhạc nhẹ nhàng, du dương

- Đi Spa hoặc nhờ chồng massage tại nhà nếu bạn làm biếng ra ngoài

- Tập thể dục với những động tác nhẹ nhàng không những giúp tinh thần sảng khoái mà còn rèn luyện cho bạn sức khỏe trước khi lâm bồn.

- Trò chuyện cùng người thân

9. Ngủ đủ giấc

Là một trong những việc quan trọng số một mà mẹ bầu cần thực hiện trước khi bước vào “cuộc chiến”. Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày để đảm bảo sức khỏe vì khi đến phòng sinh, bạn sẽ không có thời gian nghỉ ngơi cộng với quá trình sinh nở cũng rất mất sức.

10. Vệ sinh cá nhân

Việc vệ sinh cá nhân không chỉ tạo cho mẹ bầu cảm giác sạch sẽ, thoải mái mà còn có thể hạn chế cho bé một số bệnh lây nhiễm khi chào đời.

Cắt móng tay móng chân, bôi sạch màu sơn trên móng: Bàn tay mẹ thường xuyên tiếp xúc với bé khi bế, cho con bú. Móng tay dài và sơn là môi trường để vi khuẩn gây bệnh cho trẻ phát triển, nhất là các bệnh về đường ruột. Hơn nữa da trẻ sơ sinh vốn mỏng và dễ bị tổn thương. Móng tay của mẹ dài có thể làm trầy xước da bé bất kỳ lúc nào

Cắt tóc ngắn để không vướng víu khi vượt cạn là việc làm rất tốt. Nếu vẫn muốn giữ mái tóc dài, bạn cần kẹp tóc gọn gàng. Tắm rửa sạch sẽ, mặc những trang phục rộng, thoáng mát, dễ thấm mồ hôi.

11. Điện thoại luôn sẵn sàng

Bạn và ông xã phải đảm bảo điện thoại luôn hoạt động và còn tiền. Lưu cẩn thận số của bệnh viện, người hộ sinh và taxi để khi có dấu hiệu chuyển dạ bạn chỉ cần alô.

12. Soạn đồ đạc để nhập viện

Đồ cho mẹ và bé: Kiểm tra lại xem đồ của mẹ và bé đã đủ chưa, hãy cùng người thân sắp xếp thật gọn gàng vào vali, giỏ sách. Nếu bạn muốn con mặc bộ đồ nào đầu tiên khi chào đời, hãy gói chúng lại và để lên trên cùng vali, đồ xuất viện khi trở về nhà bạn nên để dưới cùng để không phải mất thời gian lục lọi tìm kiếm.

Chuẩn bị những giấy tờ hành chính: sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thẻ bảo hiểm y tế, xã hội, giấy phân tích nhóm máu. Đây là những giấy tờ cần thiết để làm thủ tục tại nhà hộ sinh.         


Bác sĩ luôn là người cho bạn lời khuyên tốt nhất. (ảnh minh họa)

13. Liên hệ bác sĩ

Thường xuyên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng, luyện tập, nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt trong những ngày cuối thai kỳ, bác sĩ sẽ có chuẩn đoán cuối cùng về thai nhi: tư thế và trong lượng của thai nhi, kích thước của nó so với độ nở của xương chậu, từ đó có thể tư vấn cho bạn nên sinh thường hay sinh mổ.

Nên chuẩn bị và liên hệ trước bộ phận làm thủ tục để tránh trường hợp “nước đến chân mới nhảy”.

14. Nhận biết dấu hiệu chuyển dạ

Sắp đến ngày sinh bà bầu thường có các dấu hiệu: cảm giác sa bụng (không thấy rốn), đi tiểu nhiều lần trong ngày, vùng lưng dưới có cảm giác đau, dây chằng ở xương chậu và tử cung căng ra. Có thể xuất hiện dịch âm đạo màu trắng đục giống lòng trắng trứng gà hoặc chất nhầy màu hồng.

Khi có dấu hiệu chuyển dạ bạn nên nhờ người thân đưa đến bệnh viện để tiện cho bác sĩ theo dõi, chăm sóc. Hãy hít thở thật sâu và làm theo những gì bác sĩ hướng dẫn, chắc chắn bạn sẽ làm tốt mọi thứ và trở thành một bà mẹ tuyệt vời.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]