20 lầm tưởng về sức khỏe

Có rất nhiều quan điểm về sức khỏe đã tồn tại rất lâu đời, nhưng khoa học đã chứng minh, khá nhiều trong số đó là sai lầm...

0

Đọc E-paper

Trong dân gian có rất nhiều "mẹo vặt" được truyền miệng về cách chăm sóc sức khỏe hay ăn uống thế nào để không bị bệnh hay mau khỏi bệnh. Nhưng thực tế phần nhiều "kinh nghiệm" ấy chưa có cơ sở, thậm chí phi khoa học.

1. Mặc thật ấm, nếu không sẽ bị cảm lạnh

Vào mùa Đông, người ta thường ủ ấm cơ thể bằng nhiều lớp quần áo và khăn choàng, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy nếu ra ngoài trời lạnh với mái tóc ướt sẽ khiến bị cảm lạnh. Thay vào đó, một lý giải khoa học đã chỉ ra rằng, khi trời lạnh người ta thường xuyên ở trong nhà hay văn phòng, và trong không gian kín ấy, chỉ cần có ai đó mắc bệnh cảm cúm thì chắc chắn lây cho người khác.

2. Các chất dinh dưỡng trong gà tây gây buồn ngủ

Nhiều người vẫn cho rằng trong gà tây có chứa nhiều Tryptophan, một loại acid amin giúp não thư giãn và chữa trị được chứng mất ngủ. Có người ngủ ngon hơn sau khi đã ăn khá nhiều thịt gà tây trong bữa tiệc.

Nhưng không chỉ gà tây, rất nhiều loại thực phẩm khác có chứa Tryptophan. Thậm chí, Cheddar Cheese, một loại phô mai rất phổ biến ở Anh có hàm lượng chất này nhiều hơn cả gà tây nhưng chưa bao giờ được xem là thực phẩm giúp đi vào giấc ngủ dễ dàng hay ngủ say. Thay vào đó, bia rượu mới chính là nguyên nhân khiến người ta cảm thấy buồn ngủ.

3. Uống vitamin giúp khỏe hơn

Vitamin thường được quảng cáo có công hiệu thần kỳ khi chỉ cần một viên nhỏ là đủ cung cấp mọi chất dinh dưỡng mà cơ thể cần, giúp cải thiện sức khỏe đáng kể. Thế nhưng, thực tế cho thấy việc uống vitamin có thể gây nên lãng phí vì chưa đóng góp được gì nhiều cho sức khỏe. Thậm chí, vài nghiên cứu cho rằng, một số loại vitamin tổng hợp tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư hay bệnh tim mãn tính.

4. Uống bia trước rượu sẽ không bị say. Uống rượu trước bia sẽ tỉnh táo

Người ta cho rằng, uống bia đầu buổi tiệc sau đó uống rượu thì sẽ không say đến bí tỉ. Và ngược lại, uống một lượng rượu nhất định rồi chuyển sang dùng bia sẽ được tỉnh táo.

"Không có bằng chứng cho thấy việc uống bia, rượu theo thứ tự cụ thể nào khiến say ít hoặc không say", Julia Chester, giáo sư về khoa học thần kinh hành vi Đại học Purdue chia sẻ với NBC.

Đơn giản là một hỗn hợp thức uống có cồn khiến dạ dày mất nhiều thời gian tiêu hóa chúng và khiến người ta ít có cảm giác bị say.

5. Bột ngọt gây bệnh?

Kể từ khi tờ New England Journal of Medicine công bố thuật ngữ "Hội chứng nhà hàng Trung Quốc" của một bác sĩ (1968) để miêu tả triệu chứng tê mỏi, mệt, yếu sau những bữa ăn mà các món đều có bột ngọt ở Bắc Kinh hay Thượng Hải, thì ai đó nói với bạn rằng bột ngọt không gây hại gì, chắc hẳn đó là một cú sốc. Thế nhưng, đó lại là sự thật. Hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ chỉ ra bột ngọt chỉ gây ra một ít ảnh hưởng khi dạ dày trống rỗng, nhưng nó vẫn rất an toàn.

Bột ngọt chỉ là một acid amin thông thường, có thêm phân tử natri trong thành phần. Thay vào đó, việc ăn quá nhiều các thức ăn có nhiều chất tăng hương vị hay quá nhiều muối mới chính là nguyên nhân gây nên bất ổn cho sức khỏe và đó chính là "Hội chứng nhà hàng Trung Quốc".

6. Sữa hạn chế nguy cơ gãy xương

Ai cũng biết sữa rất tốt cho sức khỏe, nhưng, các nhà nghiên cứu khoa học lại đưa ra kết quả không có mối liên quan giữa việc càng uống nhiều sữa, hay việc bổ sung Canxi cùng vitamin D sẽ làm giảm nguy cơ bị gãy xương.

7. Cà phê làm trẻ em chậm lớn

Chuyện bắt đầu khi một hãng sản xuất ngũ cốc ăn sáng cố gắng đẩy ra thị trường một thức uống bổ dưỡng để thay thế cho cà phê. Vì vậy, họ chạy quảng cáo với thông điệp "cà phê là một chất độc thần kinh và không bao giờ được cho trẻ em uống chúng". Họ thổi vào nhận thức của người tiêu dùng rằng cà phê khiến trẻ em chậm lớn.

Nhưng thực tế, các nghiên cứu khoa học không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy việc uống cà phê ảnh hưởng đến sự phát triển xương ở trẻ. Trong khi đó, ở người lớn, việc uống nhiều cà phê có thể gây hạn chế hấp thụ canxi với một lượng rất nhỏ. Và chỉ cần một muỗng canh sữa hoàn toàn bù đắp được "thất thoát" này.

8. 90% thân nhiệt bị thất thoát qua đầu

Nhiều lời khuyên phải giữ ấm đầu vì 90% thân nhiệt thoát ra từ đây, khiến dễ nhiễm lạnh. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là "một nửa sự thật".

Đầu là bộ phận tiếp xúc với môi trường nhiều hơn trong khi cơ thể thì luôn mặc quần áo. "Nếu không đội mũ, bạn sẽ bị mất nhiệt thông qua đầu y hệt như sẽ mất nhiệt qua chân nếu đang mặc quần sọoc", nhà khoa học Richard Ingebretsen chia sẻ với Tạp chí WebMD.

9. Ăn no trước khi bơi sẽ dễ bị chuột rút

Nhiều phụ huynh không cho con mình đi bơi trong vòng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ sau khi ăn. Vì theo lý thuyết, sau khi ăn, máu sẽ tập trung cho dạ dày để hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Điều này có nghĩa là lượng máu ở các cơ bắp sẽ ít đi và khiến dễ bị chuột rút.

Thế nhưng, cho đến nay vẫn không có bằng chứng khoa học nào cho quan điểm trên. Khảo sát các vụ chết đuối, không có trường hợp nạn nhân bị chuột rút vì đã ăn no trước đó.

10. Rượu khiến ai đó trở nên điên khùng

Có lẽ đó là nỗi oan mà con người đã áp đặt cho loại thức uống đặc biệt này. Bởi các nghiên cứu khoa học từ năm 1960 đã chứng minh những hành động khi say rượu phản ánh trực tiếp những suy nghĩ, mong muốn, hy vọng chứ không phải biến người uống thành một người hoàn toàn khác. Vì vậy, nếu mong đợi rượu sẽ khiến bạn thích hát karaoke thì hãy thực hiện điều đó khi say.

11. Mất 7 năm để tiêu hóa singum

Đó là một sai lầm. Singum là một loại thực phẩm khó tiêu nhưng cơ thể đủ sức hoàn tất quy trình tiêu hóa và đẩy bã ra ngoài như tất cả những thứ mà cơ thể không cần.

12. Nước ép hoa quả giúp giải độc khi ăn quá no

Sau tiệc tùng, ăn uống quá đà, sử dụng nhiều rượu bia, có người cho rằng nước ép hoa quả có thể giúp thanh lọc cơ thể, đào thải các chất độc hại.

Đó chỉ là ảo tưởng. Cơ thể vẫn phải dọn dẹp hậu quả của việc ăn uống quá đà nhờ vào gan, thận và hệ tiêu hóa. Nước ép hoa quả không góp phần đẩy nhanh hay hỗ trợ quá trình thải độc tự nhiên đó.

13. Mỗi người nên uống 8 ly nước mỗi ngày

Các nhà nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc uống nước nhiều để cải thiện sức khỏe gan, thận và chất lượng da. Nước không có calorie và tốt cho sức khỏe hơn những đồ uống có đường như soda hay các loại thức uống thể thao được quảng cáo là bổ sung năng lượng. Nói chung, chỉ cần uống nước khi khát mà không cần đếm xem đã uống bao nhiêu ly.

14. "Quy tắc 5 giây" khi đánh rơi thức ăn trên sàn

Thật đáng tiếc, "quy tắc 5 giây" vốn rất phổ biến này cũng là một ảo tưởng. Vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn chỉ trong mili giây. Những kiểm tra cho thấy thực phẩm ẩm thu hút nhiều vi khuẩn hơn thực phẩm khô, nhưng không có khái niệm "thời gian an toàn" nào tồn tại. Thay vào đó, độ an toàn phụ thuộc vào vệ sinh của sàn nhà, bàn ăn, nơi làm rơi thức ăn xuống đó.

15. Vắc-xin gây tự kỷ

Lý thuyết này xuất hiện vào năm 1998 khi Tạp chí The Lancet đăng tải trường hợp một trẻ em 12 tuổi được phát hiện có mối liên hệ giữa vắc xin MMR và chứng tự kỷ.

Thế nhưng, đó là một nghiên cứu không hoàn thiện, lại đưa ra nhiều thông tin sai lệch. Từ đó, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng vắc-xin không thể gây ra chứng bệnh tự kỷ.

16. Yogurt giúp cải thiện hệ tiêu hóa

Đó là huyền thoại. Những quảng cáo khiến nhiều người tin rằng trong sữa chua có chứa vi khuẩn sống - probiotics giúp cải thiện hệ tiêu hóa, có lợi cho sức khỏe.

Thực tế, các vi khuẩn có lợi sẵn có trong cơ thể là một khối liên kết hợp lý và vững chắc. Vì thế, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc bổ sung hàng tỷ vi khuẩn từ những hộp sữa chua có khả năng cải thiện sự cân bằng bên trong cơ thể.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sữa chua không tốt.

17. Mỗi ngày một trái táo sẽ không phải gặp bác sĩ

Táo có chứa nhiều vitamin C và chất xơ, rất tốt cho sức khỏe, nhưng không phải là tất cả những gì con người cần. Vì vậy, nếu đã bị vi khuẩn tấn công, táo không thể đủ sức bảo vệ bạn. Do đó, kể cả khi ăn táo rất thường xuyên vẫn nên tiêm vắc-xin phòng bệnh thay vì trông chờ vào "quyền năng" của chúng.

18. Ăn kem làm bệnh nặng hơn

Nếu đang cảm lạnh, không muốn ăn uống gì thì có thể ăn một ít kem nếu điều đó làm bạn vui. Bởi vì kem hoàn toàn không làm bệnh nặng hơn.

Trước đây, người ta cho rằng kem làm gia tăng chất nhầy khiến tình trạng sổ mũi và viêm họng tồi tệ hơn. Thật may mắn, điều này không đúng. Theo các nhà khoa học, các sản phẩm từ sữa đông lạnh có thể làm dịu cổ họng và cung cấp năng lượng khi không thể ăn uống nhiều.

19. Bẻ khớp ngón tay làm viêm khớp

Thật may mắn khi đây không phải là sự thật. Bẻ khớp ngón tay có thể làm phiền người xung quanh nhưng kể cả khi đã có "thâm niên" với thói quen này vẫn không có bất kỳ khả năng nào làm bạn có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.

20. Nhịn ăn khi sốt và ăn nhiều khi bị cảm lạnh

Đây cũng là một quan điểm sai lầm đã tồn tại từ rất lâu. Khi không ăn uống đầy đủ sẽ khiến hệ thống miễn dịch thêm yếu và không phải là một ý hay nếu nhịn ăn nhiều ngày chỉ vì sợ sốt thêm nặng.

Một quan điểm chính xác được các bác sĩ chỉ định là hãy cố ăn khi đang cảm lạnh hay bị sốt. Đồng thời, luôn nhớ uống thật nhiều nước để giúp cơ thể mau hồi phục.

>
>
>

>
>

>

VY KHANH (Theo BI)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]