24h trong phòng cách ly

Giadinh.net - Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia thời điểm này đêm cũng như ngày, chẳng còn thời gian cho các bác sĩ tính toán. Cả mấy tháng nay, các bác sĩ, y tá trong Viện chỉ duy nhất một việc là chú tâm điều trị cho bệnh nhân cúm A/H1N1.

15.6093
>
>
>
 
PV Báo GĐ&XH đã vào và sống 24h tại khu cách ly nếm trải những nỗi vất vả của đội ngũ y, bác sĩ ở đây...
 

Đêm dài với ống truyền và sự căng thẳng

18h ngày 3/8, PV Báo GĐ&XH có mặt tại Khu khám bệnh của Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia. Số người đến khám cũng như nhập viện ngày càng tăng theo thời gian. Phòng khám căng thẳng bởi những tiếng thở dài và nét mặt lo lắng của người chờ được khám. Không lộ vẻ mệt mỏi hay khó chịu các bác sĩ, y tá, cần mẫn khám và lấy mẫu xét nghiệm. Một buổi tối làm việc kéo dài tới 24h đêm như bao tối khác trong tháng.

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Kim Chính, khoa Viêm gan, Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc Gia, nơi mà nửa khoa được huy động điều trị cho bệnh nhân cúm A/H1N1 cho biết: “Cường độ làm việc của các bác sĩ ở đây rất cao. Hiện nay, cả Viện phải đối phó với 3 dịch: Cúm A/H1N1, tiêu chảy cấp và sốt xuất huyết. Nhưng dễ lây lan và nguy hiểm nhất vẫn là cúm A/H1N1. Trong những ngày qua, các tầng đều phải tăng cường tiếp nhận bệnh nhân cúm. Ví dụ như tầng 3 khoa Viêm gan, hiện nay phải dành một nửa khu điều trị để tiếp nhận bệnh nhân cúm”.

Phòng 316 ở Khu cách ly của Viện là nơi điều trị cho phần lớn học sinh của Trường Lomonosov Hà Nội. Cả tầng này đều dành cho bệnh nhân cúm. Một nam thanh niên nằm ở giường ngoài, cạnh cửa sổ của phòng 316 kể: “Em đi công tác nước ngoài về thì bị cúm, vào đây hai hôm rồi. Tình trạng bệnh thì cũng như cúm thông thường thôi. Mỗi ngày uống hai lần thuốc. Diễn biến của bệnh không có gì nguy hiểm, người nhà vẫn vào thăm và mang cơm vào mỗi bữa. Nhưng mỗi khi vào đều phải mang khẩu trang và vệ sinh cẩn thận”.

Khung cảnh của khu cách ly không đến nỗi “đáng sợ” như mọi người nghĩ. Như hiểu ý tôi, BS Kim Chính, bác sĩ trực chính nói: “Các bệnh nhân cúm ở đây sức khoẻ tiến triển tốt. Đang ở tuổi đi học và đi làm, bị cách ly nên đa số đều sốt ruột. Nhưng với các bác sĩ thì khi nào khỏi hẳn mới cho xuất viện. Tình hình dịch cúm A/H1N1 đang diễn ra phức tạp. Cách ly là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa dịch cúm A/H1N1. Đã có nhiều người vào thăm bệnh nhân, do không phòng bị kỹ càng nên mấy hôm sau đã phải nhập viện vì bị lây nhiễm. Dễ lây lan như vậy, nhưng ý thức của nhiều người vẫn còn kém. Nhiều người vẫn không chịu đeo khẩu trang”.

Trong những ngày qua, dù tiếp xúc, khám và điều trị rất nhiều bệnh nhân, nhưng các bác sĩ ở Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia chưa có trường hợp nào bị cúm A/H1N1 từ bệnh nhân. BS Kim Chính cho biết, chúng tôi cũng chẳng có bí quyết gì ngoài  đeo khẩu trang N95 và kèm theo một khẩu trang y tế thông thường phía ngoài khi tiếp xúc với bệnh nhân và rửa tay bằng xà phòng...
 
 
Đi khám cho “chắc ăn”

Hiện nay, ngoài dịch cúm A/H1N1 còn có cả dịch cúm mùa thông thường. Vì vậy, nhiều người cứ hắt hơi, sổ mũi là tới ngay Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia để khám và làm xét nghiệm, gây ra tình trạng quá tải.

Mới 9h sáng ngày 4/8, Khu Khám bệnh của Viện đã đông nghịt người, chủ yếu là những khuôn mặt trẻ. Tất cả đều đeo khẩu trang dùng một lần, những đôi mắt mệt mỏi đợi đến lượt mình. Đến từ sớm nhưng cậu thanh niên tên Giáp, nhà ở phố Vương Thừa Vũ (Hà Nội) đã ở số thứ tự thứ 67. Giáp cho biết, bị sốt, ho nhẹ. Tự uống thuốc ở nhà không khỏi, nên đến bệnh viện để khám và làm xét nghiệm cho “chắc ăn”. Rất nhiều người ở phòng chờ khám bệnh đều có hiện tượng như Giáp và đều muốn khám để an tâm là mình không mắc cúm A/H1N1.

Một sinh viên cũng ở trong tình trạng sốt, ho và uống thuốc không khỏi. Cậu thanh niên này kể: “Sáng nay, đọc báo thấy có trường hợp cúm đầu tiên ở Việt Nam tử vong nên em hoảng quá, đi khám luôn. Nhưng đông quá, chờ mãi chưa tới lượt mình”. Nhìn số mới biết, cậu thanh niên này xếp thứ tự thứ... 110. Lúc này đã là 10h30! Trong khi đó, vẫn còn rất nhiều người đang tiếp tục chờ và mua sổ khám. Theo BS Nguyễn Nhật Thỏa, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Viện Các bệnh Truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia, thì số bệnh nhân tới khám trong 5 ngày gần đây là từ 300 – 350 lượt/ngày (trước đó chỉ là 260- 270 lượt/ngày).

Đến gần 18h ngày 4/8, khoa khám bệnh vẫn đông nghẹt bệnh nhân. Theo số liệu cập nhật từ 15h ngày 3- 4/8, đã có thêm 8 bệnh nhân nhập viện. Trong đó, có hai anh em một nhà là L.H.A (27 tuổi) và L.N.A (19 tuổi) trú tại Trần Khát Chân (Hà Nội). Một người bạn của bệnh nhân L.H.A cũng nhập viện vì tiếp xúc với bệnh nhân. Dấu hiệu ban đầu của các bệnh nhân lúc khởi phát đều sốt, đau họng, hắt hơi, sổ mũi. BS Kim Chính vừa tiếp nhận bệnh nhân vừa nói: “Chúng tôi cũng quá tải và căng hết sức rồi, có nhiều lúc cũng mệt mỏi lắm. Nhưng vì an toàn chung, sẽ cố gắng hết sức để chia sẻ trong lúc dịch đang căng thẳng”.

Ghi chép của Hoài Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]