3 món ngon nổi tiếng của Thụy Sĩ

Có rất nhiều địa chỉ phải tham quan, nhiều món ngon phải thưởng thức, nhiều sản phẩm nên mua khi đi du lịch Thụy Sĩ. Đất nước này, tuy nhỏ bé về diện tích, nằm lọt thỏm giữa các nước Pháp ở hướng Tây, Đức ở hướng Bắc, Áo ở hướng Đông và Ý ở hướng Nam, nhưng lại là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phát triển ngành công nghiệp lữ hành.

15.5948

Đọc E-paper

Làng cổ quanh lâu đài Gruyères
1. Sôcôla

Trong những ngày du hành khám phá một số địa chỉ du lịch ở quanh hồ Genève (hoặc hồ Leman), miền Tây Nam Thụy Sĩ chúng tôi quyết định tạm thay thế thói quen uống cà phê sáng bằng tách sôcôla nóng. Vừa ấm lòng lúc bình minh nơi xứ lạnh, vừa thơm lại thêm năng lượng, bổ dưỡng cho những ngày rong ruổi đường xa. Và còn là để hồi tưởng những hình ảnh thật đẹp, thật lãng mạn về thức uống này với Juliette Binoche và Johnny Depp trong phim Sôcôla trình chiếu cách đây 14 năm.

Mà uống sôcôla nóng với ít đường ở Thụy Sĩ thật là phù hợp. Tuy chẳng có cây ca cao nào mọc tự nhiên trên rặng núi Alps nhưng Thụy Sĩ lại là một trong số năm đất nước lừng danh thế giới về nghề sản xuất sôcôla thơm ngon hảo hạng.

Có lẽ do sôcôla của các nhà Cailler (thuộc Nestlé), Ferrero, Lindt-Sprungli, Suchard, Toblerone... quá ngon đến độ người Thụy Sĩ không thể cưỡng lại "cám dỗ” nên kết quả là họ đứng đầu danh sách tiêu thụ nhiều sôcôla nhất thế giới với 12 kg/đầu người (theo số liệu của Hiệp hội Chocosuisse). Nhưng chẳng vì thế mà họ bị béo phì. Chocosuisse cho biết, năm 2013, Thụy Sĩ xuất khẩu 109.662 tấn sôcôla, thị trường nội địa tiêu thụ 69.399 tấn.

Có khá nhiều điểm hấp dẫn trí tò mò và kích thích thói quen mua sắm khi đi du lịch của đám đông khách trong không gian tiếp khách của nhà Cailler, nơi chúng tôi đến thăm chiều ngày 25/9 vừa qua. Đó không chỉ là cửa hàng rộng lớn bày bán đủ loại sôcôla gắn nhãn Cailler, dây chuyền sản xuất loại thực phẩm quyến rũ này, mà còn là một hành lang hiển thị lịch sử phát triển của cây ca cao và sôcôla từ thời xa xưa đến thời hiện đại.

Nhờ thế mới biết được rằng nào chỉ có chúng tôi thích uống sôcôla nóng vào buổi sáng. Khi đoàn những conquistadores (kẻ chinh phục) theo chân ông Hernan Cortes từ Tây Ban Nha đi khám phá Mexico hồi đầu thế kỷ XVI, họ ngạc nhiên khi biết trong các bữa ăn của Hoàng đế Moctezuma II của người Aztec chỉ có một thức uống duy nhất là sôcôla đựng trong cái ly bằng vàng. Và rằng trung bình mỗi ngày, một mình vị hoàng đế này uống hết khoảng 60 ly sôcôla với nhiều hương vị khác nhau, còn các quan chức trong triều đình cộng chung uống 2.000 ly.

Từ hạt ca cao đến sôcôla thơm ngon
Ngày nay, khi thưởng thức vị đăng đắng, ngọt ngọt, bùi bùi của sôcôla Thụy Sĩ, bạn nên dành vài giây nhớ đến ông tổ của ngành sản xuất sôcôla Thụy Sĩ. Đó là ông François-Louis Cailler (1796-1852), người thị trấn Vevey, rất gần các địa danh du lịch nổi tiếng xinh đẹp, sạch xanh là Montreux, Lausanne, Genève.

Năm 1825, tức sau chuyến du hành kéo dài 5 năm để nhận biết về sôcôla ở Turin, Ý, ông đã khai trương tại Corsier gần Vevey lò sản xuất sôcôla thương hiệu Cailler dành cho tất cả mọi người, chứ không chỉ còn là thứ thực phẩm siêu sang dùng làm chất kích thích kiêm thuốc bổ cho người siêu giàu có như trước đó. Sản phẩm đầu tiên của nhà Cailler là loại sôcôla mềm dẻo, đúc thành những thanh dài, cắt ô vuông.

Hình như mỗi thành viên trong đoàn 16 khách mời của Etihad Airways và G2 Travel đều ra khỏi nhà Cailler với túi xách nặng trĩu các sản phẩm biểu trưng cho sự thơm ngon lừng danh thế giới của sôcôla Thụy Sĩ.

2. pho-mát

Trước đó vài tiếng đồng hồ, họ cũng đã nặng túi xách khi ra khỏi cửa chính của trung tâm triển lãm, giới thiệu kiêm nhà hàng của nhà sản xuất nhãn hiệu pho-mát hàng đầu thế giới là Gruyère, đã được cấp chứng nhận AOP. Đây là loại pho-mát vừa cứng, vị mặn bùi, được cho là pho-mát lý tưởng nhất cho cả việc ăn kèm với các loại vang trắng, bia tươi lẫn việc nấu nướng - đặc biệt là món fondue, tức pho-mát nấu tan chảy quyện dính vào mẩu bánh mì - được sản xuất trong một nhà máy nằm dưới chân núi Moléson, gần thị trấn Gruyères, thuộc tổng Fribourg.

Từ thị trấn có nguồn gốc từ thời Trung cổ này, với lâu đài trấn thủ trên cao, tường thành bao quanh nhà thờ, giếng nước, nhà dân, lò rèn, nhà kho... quanh năm thu hút du khách châu Âu, Bắc Mỹ và gần đây hơn là du khách châu Á, đã sinh ra pho-mát Gruyère. Mà làm sao không hấp dẫn cho được khi mà không gian nơi đây thật xanh trong, khí hậu mát mẻ, cảnh quan thật đẹp với thật nhiều hoa đỏ, hoa hồng, hoa tím, hoa vàng ở mọi căn nhà.

Bánh pho-mát Gruyère
Và cùng ở quanh địa danh Gruyères này, mỗi năm, vào những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 vẫn diễn ra những hành trình "désalpes". Đó là các cuộc diễu hành đầy âm thanh và màu sắc tươi mắt của những đoàn bò sữa xuống núi Alps sau bốn tháng gặm cỏ tươi xanh trên các triền đồi, sườn núi. Nay chúng hạ sơn để chuẩn bị tránh Đông và cung cấp sữa cho nhà sản xuất pho-mát.

Hai lần mỗi ngày, nhà nông quanh thị trấn thu gom sữa mang đến nhà máy Gruyère. Nơi đây có sẵn 4 bể chứa 4.800 lít sữa. Từ lượng sữa được cung cấp, nghệ nhân làm pho-mát chính (maitre fromager) có thể làm ra mỗi ngày 48 bánh pho-mát Gruyère AOP tròn to như bánh xe hoặc mặt trống đình làng, gọi là "meule".

Trong hầm kín của nhà máy có dàn robot phụ lực với con người làm phần việc quan trọng nhất và chiếm nhiều thời gian nhất trong quy trình sản xuất pho-mát. Đó là "affinage", tức việc đều đặn lật mặt số 7.000 bánh pho-mát và in dấu ấn chủng loại pho-mát đảm bảo sản xuất đúng quy định chất lượng. Tùy từng loại pho-mát, thời gian affinage có thể kéo dài từ 6, 8 đến 10 tháng.

3. Vang

Như nhiều đệ tử trung thành khác của thần Bacchus tại Việt Nam, chúng tôi khó có thể tìm được chai vang Thụy Sĩ nào để uống. Nên ở lần du hành Thụy Sĩ mới đây, chúng tôi đã được mãn nguyện. Nhận định chung là: vang Thụy Sĩ ngon nhưng không nổi danh toàn cầu như các dòng vang Pháp, Ý, Tây Ban Nha...

Có thể vì đất hẹp và địa hình núi đồi cản trở nên Thụy Sĩ chưa bao giờ có thể trồng nhiều cây nho lấy vật liệu sản xuất đủ lượng vang cung ứng cho nhu cầu rất lớn của thị trường nội địa, huống chi nói đến xuất khẩu. Nhưng hữu xạ tự nhiên hương, bây giờ giới sành điệu thường nói đến các chai vang Thụy Sĩ làm với giống nho pinot noir, do Thụy Sĩ xếp hạng 7 trong danh sách 10 nước sản xuất nhiều nho này nhất thế giới.

Khi đi xe ngang qua thị trấn Lavaux, chúng tôi ngỡ ngàng nhận biết thêm một "kỳ công" Thụy Sĩ khác: những vườn nho trên sườn đồi theo kiểu "ruộng bậc thang". Đây là kỹ thuật dựng tường bằng đá để đổ thêm đất tạo nên những mặt bằng trồng nho đã được các tu sĩ Thiên Chúa giáo phát triển từ thế kỷ XI và lưu truyền mãi đến ngày nay. Những vườn nho bậc thang này có tổng diện tích 830ha, trải dài 40km sườn đồi bên bờ hồ Genève đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2007. Nhờ các vườn nho đặc biệt mà hiện nay Lavaux cũng là địa chỉ du lịch hấp dẫn.

>

P. NGUYỄN DŨNG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]