3 rào cản khiến mẹ Việt “thất bại thảm hại” khi dạy con tự lập

Rất nhiều bố mẹ Việt muốn dạy con ngoan, tự lập sớm nhưng không phải cha mẹ nào cũng kiên nhẫn vượt qua những rào cản. Sự thật là có nhiều mẹ Việt đã... thất bại.

0

Vượt qua chặng đường đầu tiên là có bầu, sinh và nuôi con, vấn đề khiến nhiều ông bố, bà mẹ đau đầu tiếp theo là làm sao dạy con cho tốt. Ai cũng muốn con mình ngoan, tự lập sớm, vì như vậy thì bố mẹ nhàn, mà lại quá tốt cho con khi lớn lên, lúc trưởng thành con sẽ sớm vững vàng trong cuộc sống.

Chắc hẳn nhiều mẹ Việt đã ngưỡng mộ cách dạy con tự lập của người nhật và không ít người quyết tâm thực hiện. Nhưng liệu có phải ai cũng thành công? Có khá nhiều rào cản khiến việc dạy con tự lập sớm của bố mẹ Việt không mang lại hiệu quả như mong muốn. 

Có khá nhiều rào cản khiến việc dạy con tự lập sớm của bố mẹ Việt không mang lại hiệu quả như mong muốn. (Ảnh minh họa)

1. Mẹ quá ủ ấp, bao bọc

Kết hôn 3 năm, vợ chồng chị Quỳnh Anh mới sinh được một mụn con trai. Khỏi phải nói anh chị hạnh phúc đến nhường nào, họ yêu thương chăm chút cho con từng ly từng tí. 3 tuổi, bé Bi nhà chị Quỳnh Anh vẫn được mẹ bón từng miếng cơm, có ra ngoài thì Bi lúc nào cũng được mẹ bế trên tay.

Chị Quỳnh Anh bảo cũng muốn để con tự lập sớm nhưng mà thương, sợ để con tự xúc ăn thì rơi vãi, bẩn, sợ con lười ăn lại sút cân. Chị cũng không để con đi bộ vì sợ con mệt, hay té ngã… và cứ ra khỏi nhà, dù đi mua đồ ăn, đi chơi cách một đoạn ngắn chị cũng đi xe chứ không để con đi bộ.

3 tuổi cậu con trai bé bỏng không thể rời mẹ nửa bước, luôn đi cùng, ngồi trong lòng mẹ… Chị Quỳnh Anh bao bọc, ủ ấp, không dám cho con đi nắng, đi mưa hay nghịch lấm lem đất cát. Cũng phải thừa nhận một thực tế, nuôi dạy con kiểu chị Quỳnh Anh không phải là hiếm.

2. Mẹ thiếu kiên nhẫn

Rất nhiều mẹ khi đọc sách, báo thấy các em bé ở Nhật hoặc ở phương Tây sớm tự lập, có thể một mình ra ngoài thì lấy làm ngưỡng mộ và quyết tâm thực hiện cho bằng được. Nhưng khi bắt tay vào thực hiện mới biết, thực tế việc dạy con tự lập không hề đơn giản.

Đơn giản như việc để con tự xúc ăn, hay để con cùng làm việc nhà như nhặt rau, sắp xếp bàn ăn… Có phải mẹ nào cũng kiên nhẫn dọn dẹp bàn ăn khi con bày ra bừa bộn, hay liên tục thay quần áo, tắm rửa khi con nghịch bẩn?  Mẹ có kiên nhẫn chờ đợi con bé bỏng của mình vừa nhặt rau vừa ngắm, vừa nghịch… ? Mẹ có kiên nhẫn phân tích đúng sai, nói cho con những bài học mỗi khi con phạm lỗi hay chỉ luôn quát mắng, dọa nạt, thậm chí là dùng đòn roi dọa dẫm…

Ông bà can thiệp

Có thể nhiều bố mẹ luôn muốn xây dựng cho các con tính tự lập và bản lĩnh chịu trách nhiệm về bản thân từ nhỏ, tuy nhiên tư duy cũ và thói quen vẫn là một rào cản.

Việc dạy con trong các gia đình Việt đôi khi không phải do bố mẹ toàn quyền quyết định. Rất nhiều gia đình sống chung nhiều thế hệ và ông bà nội - ngoại can thiệp sâu vào việc dạy con của các con. Ít cô con dâu nào dám để con khóc mà không dỗ dành hoặc rèn con tự làm lấy mọi việc vì sợ bố mẹ chồng phàn nàn.

Đó là chưa kể ông bà thường yêu thương và cưng chiều cháu, khi cháu phạm lỗi mà bố mẹ có răn đe, trách móc chưa được đôi câu ba điều thì ông bà đã lại “bênh” kiểu: “Nó còn bé tí thế đã biết gì mà quát mắng”, sau đó là vỗ về, yêu thương, an ủi… Lần này qua lần khác, con cứ phạm lỗi bị bố mẹ mắng là lại khóc lóc “kiện cáo” nhờ ông bà phân xử thì ước muốn dạy con tự lập của bố mẹ Việt sẽ mãi chỉ là điều không tưởng.

Mẹ Sóc

Nguồn: Gia đình Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]