31 lời khuyên giữ chân và đào tạo nhân tài

Tìm kiếm và tuyển dụng nhân tài là việc mà hầu hết các tổ chức, doanh nghiệp đều quan tâm và thực hiện. Nhưng sẽ vô ích nếu bạn có những người như thế trong đội ngũ của mình mà lại không làm gì với họ.

15.5743

31 lời khuyên sau - trong cuốn Tìm kiếm Steve Jobs tiếp theo - Làm sao để phát hiện, giữ chân và đào tạo nhân tài - sẽ giúp bạn giúp đỡ những nhân tố sáng tạo trong tổ chức của mình trở thành các nhân viên sáng tạo nhất – cho lợi ích của họ và cả của bạn.

>>

Bản quyền tiếng Việt: Thaihaibooks

1. Ăn mừng

Một trong những cách tốt nhất để khiến nhân viên sáng tạo hạnh phúc chính là tạo ra hạnh phúc. Một trong những cách tốt nhất để tạo ra hạnh phúc – mà cũng là cách hiệu quả nhất – là tổ chức một bữa tiệc không tốn kém.

Ở Atari, chúng tôi luôn đảm bảo là nhân viên của mình có cơ hội xả hơi. Chính thức thì tiệc chỉ được tổ chức khi chúng tôi đạt chỉ tiêu trong doanh thu mà thôi, nhưng vì chúng tôi lúc nào cũng đạt chỉ tiêu, nên cứ thứ Sáu hằng tuần là lại có một bữa tiệc gồm bia với pizza ở nhà kho phía sau. Chi phí tổ chức chỉ dưới 500 đô la.

Những ý tưởng có thể sẽ không bao giờ được nói ra ở văn phòng, nhưng thường được mang ra ở những cuộc vui. Sau một vài cốc bia, những rào cản thường tự nhiên biến mất.

Chúng tôi cũng nhận ra rằng nhân viên thường nảy ra những ý tưởng tuyệt vời khi chúng tôi yêu cầu họ ngừng suy nghĩ nặng nề mà cứ thư giãn.

Chúng ta thường không bao giờ biết được khi nào sự sáng tạo sẽ đến, và ở những cuộc vui thì nó lúc nào cũng đến. Trong một dịp chúng tôi tổ chức bữa tiệc tại phòng game của công ty, các nhân viên tập trung chơi một trong những trò chơi lái xe. Ai cũng nói rằng trải nghiệm thú vị hơn rất nhiều nếu họ có thể chơi đua với nhau cùng một lúc. Thế là một trong những kỹ sư ngẫu hứng nảy ra một phương pháp kết nối tám chiếc máy game với nhau. Đột nhiên, trò chơi đua xe từ trải nghiệm cá nhân trở thành một trải nghiệm tập thể.

Có vẻ đó là một bước đi tất yếu, nhưng trước đó chẳng ai nghĩ tới cả. Chúng tôi ngay lập tức đưa game đó vào sản xuất và gọi nó là Indy 8. Indy 8 mang về nhiều lợi nhuận hơn bất kỳ một game nào khác.

Một lợi ích khác của việc ăn mừng: lưỡi của mọi người trở nên mềm đi. Đã một vài lần đây chính là lý do vì sao tôi tìm được một nhân viên quản lý đang biển thủ tiền từ công ty: không có một nhân viên nào của anh ta dám báo cáo với tôi cho đến khi người đó có một chai bia trong tay và vài chai trong bụng.

2/ Thiết lập một chút hỗn loạn

Những buổi tiệc vẫn còn một số lợi ích khác nữa.

Cái hay là những buổi tiệc đó đã là một công cụ tạo rối loạn tức thì – chúng tạo ra môi trường mà ở đó, bạn có thể giao tiếp với bất kỳ ai. Trợ lý có thể nói chuyện với lãnh đạo, nhân viên quản lý cấp dưới xôn xao nói chuyện với nhân viên quản lý thâm niên, thư ký có thể tán gẫu với chủ tịch hội đồng quản trị.

Ở mỗi công ty tôi đã từng thành lập, tôi làm mọi thứ cần thiết để tránh cách tổ chức phân cấp nghiêm ngặt.

Phân cấp là khi bạn có quản lý, phụ quản lý, rồi phụ phụ quản lý. Cơ bản là thế này, khi bạn cho ai đó chức danh “quản lý”, tức là bạn đang cho người đó có quyền nói không, mà bạn nên có càng ít người có quyền nói không càng tốt.

Mô hình tốt hơn là một công ty quản lý theo chiều ngang, nơi mà ai cũng xuất hiện để làm việc, không ai bảo ai phải làm gì, và mọi công việc đều hoàn thành. Mô hình này được gọi là sự hỗn loạn được định hướng, và đó là mô hình tốt nhất để đảm bảo sức sáng tạo sẽ nở rộ.

Một trong số lý do quan trọng nhất bạn cần có một hệ thống quản lý hàng ngang là do những bước sáng tạo của công ty bạn thường không đến từ những người đứng đầu. Những ý tưởng tốt thường đến từ trợ lý, nhân viên dọn dẹp, nhân viên bán thời gian – những người sẽ trở nên vô hình trong hệ thống quản lý chiều dọc.

Khi công ty bạn hình thành được một quan niệm rằng ai cũng có thể và nên đóng góp, bạn sẽ nghe được những gợi ý rất hay đến từ những nơi bạn không ngờ tới.

3/ Khuyến khích nghịch ngợm

Hài hước là điều rất cần thiết ở nơi làm việc, vì những trò đùa nghịch khiến mọi người vui vẻ. Những người tự kiêu, tự phụ không phải là những người thích mạo hiểm; vì vậy họ thiếu sáng tạo. Văn hóa vui đùa nơi công sở có thể khiến các nhân viên được thả lỏng hơn.

Công ty bán giày trên mạng Zappos đã xây dựng được một môi trường mà ở đó sự nghịch ngợm không những được chấp nhận mà còn được tuyên dương. Một trong những giá trị cốt lõi công ty đặt ra là “tạo nên sự vui vẻ và một chút kỳ quặc”.

Hãy nghĩ về những trò nghịch ngợm như một buổi tập dượt cho công việc sáng tạo của bạn. Nhưng đừng đi quá xa.

4/ Thiết lập nhóm độc lập

Khi các công ty phát triển, họ thường có thêm nhiều công việc giấy tờ, giao nhận và hệ thống cấp bậc. Cùng lúc, họ thường có xu hướng giảm sức sáng tạo.

Một phương pháp hữu hiệu để tránh sự cứng nhắc này là phân nhánh. Không phải là việc phân thành công ty con – công ty mẹ. Thay vào đó, chỉ có “địa điểm con” thôi.

Hãy thuê một nơi làm việc mới và cho nhân viên của bạn ở đó, cách xa khỏi trụ sở, xa khỏi hành chính và xa khỏi sự trì trệ. Tất cả những gì bạn cần làm là tưới một chút nước, để họ bám sâu vào môi trường mới và chiêm ngưỡng họ phát triển theo con đường riêng của họ.

Vào thập niên 40, công ty hàng không Lockheed đã tạo ra một chi nhánh đặc biệt được gọi là Skunkworks. Dự án đó thành công vang dội và cái tên Skunkwork trở thành đồng nghĩa với những dự án thiết lập nhóm độc lập tương tự.

Những nhóm Skunkwork độc lập này thường được cho rất nhiều quyền tự chủ, và họ sẽ làm việc với những dự án cấp cao hoặc rất bí mật.

Nhóm Skunkwork ở Google được gọi là Google X. Ở Google X, nhân viên phụ trách phát triển những công nghệ đặc biệt như xe tự lái, thang máy không gian. Những gì Google X đang làm được giữ rất kín đến mức các nhân viên khác ở Google cũng không biết.

5/ Nuôi dưỡng sự công bằng

Về lâu dài, sẽ là tốt nhất nếu bạn có thể ngăn ai đó cướp công của người khác. Ở Atari, bất cứ khi nào có một ý tưởng hay bắt đầu được định hình hoặc đưa ra thực tiễn, chúng tôi cũng cố gắng để gắn ý tưởng đó với càng nhiều người đóng góp càng tốt. Chính sách này tạo nên sự công bằng, mà sự công bằng thì lúc nào cũng tốt.

Rất hiếm khi một khái niệm được tưởng tượng ra, trình bày, thực thi và thành công chỉ bởi một cá nhân.

Một sản phẩm hay dịch vụ chất lượng phần lớn sẽ do công sức tổng hợp của rất nhiều cải tiến và những ý tưởng nhỏ, hơn là những bất ngờ đột ngột.

Bạn muốn sản phẩm hay dịch vụ của công ty được biết đến là của công ty, chứ không phải chỉ là của một nhân viên sáng tạo cụ thể nào đó. Ý tưởng càng thuộc về gia đình, thì gia đình đó càng thịnh vượng và hạnh phúc.

6/ Cô lập

Pajaro Dunes là một doi cát ở vịnh Monterey, cách Santa Cruz (California) 32km về phía nam, là một nơi tuyệt đẹp, được tô điểm bởi những cây chà kỳ lạ và những ngôi nhà có kiến trúc thú vị, tất cả được kết nối với nhau bởi những lối đi có lót ván. Đó là một địa điểm hoàn hảo cho những buổi họp sáng tạo, dù nó ở rất xa trụ sở của chúng tôi.

Khi tới đó, chúng tôi bắt đầu ăn, uống, hút thuốc, rồi chơi game. Và đương nhiên, cuối cùng chúng tôi nói chuyện công việc.

Một công ty lành mạnh luôn khuyến khích các nhân viên giao tiếp với nhau. Một trong những cách tốt nhất để làm việc đó là buộc họ phải dành thời gian với nhau, dù họ có muốn hay không.

Gần như ai cũng có thể mang một chiếc mặt nạ khoảng một giờ trong phòng hội nghị, nhưng ít người có thể làm như vậy trong vòng 3 ngày ở một môi trường cô lập, khác biệt. Mặt nạ sẽ rơi và bạn sẽ biết được con người thực của nhau. Các nhân viên bắt đầu thực sự nói chuyện với nhau, giao tiếp tốt hơn, và làm việc nhóm hiệu quả hơn, sáng tạo hơn khi họ bắt đầu cảm thấy thoải mái.

Sự cô lập không chỉ tốt cho tâm hồn của một nhóm, nó còn tốt cho tâm hồn của bản thân nữa. Tôi luôn tự cô lập vài giờ một tuần.

Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng ai muốn trở nên sáng tạo thì phải tìm một nơi mà ở đó đầu óc được tự do và không thể bị chạm tới bởi những sự phức tạp hay điên rồ.

7/ Chiến thắng dù ý tưởng tệ

Tại Pajaro Dunes, tôi thường sử dụng một trong những thủ thuật ưa thích trong việc nâng cao khả năng sáng tạo của nhân viên: tôi sẽ yêu cầu mọi người liệt kê tất cả những ý tưởng đã được trình bày trong buổi họp, sau đó xếp hạng chúng theo thứ tự từ tốt đến tồi. Sau đó, tôi sẽ lấy 6 đề mục ở cuối bảng xếp hạng đó và nói: “Giả sử chúng ta chỉ được phép làm việc với 6 dự án này trong sáu tháng tới. Chúng ta sẽ chiến thắng như thế nào?”.

Quy trình này làm đảo lộn tư duy bình thường của con người. Thay vì cố gắng tìm ra những gì là sai với một cái gì đó, ở đây họ phải kích hoạt bản năng quan trọng của mình, tìm ra những gì là đúng với một cái gì đó, từ đó kích hoạt bản năng sáng tạo bên trong mỗi người.

Lần nào chúng tôi làm hoạt động này cũng có ít nhất một trong số 6 ý tưởng xếp cuối đó lại thành ra không chỉ tốt, mà còn rất tuyệt vời, và cuối cùng trở thành một cỗ máy thu lợi nhuận cho chúng tôi.

Tôi có được thủ thuật này từ huấn luyện viên đội hùng biện cấp ba của tôi. Ông ấy nói với chúng tôi ngay trong ngày đầu tiên rằng, chúng tôi phải học cách tranh luận trên cả 2 mặt bất kỳ kiến nghị nào. Chúng tôi sớm nhận ra là việc phải bảo vệ một ý kiến mà chúng tôi không đồng tình có thể làm đảo lộn mọi quan niệm cuộc sống của chúng tôi, và từ đó khiến chúng tôi nhìn ra những điều mới mẻ.

8/ Ăn mừng thất bại

Bạn không bao giờ thực sự lập kế hoạch để thất bại. Nhưng thất bại xảy ra khi bạn muốn thử một cái gì đó mới. Bạn phải mạo hiểm nếu muốn học được kỹ năng mới. Bạn phải thất bại trước khi thành công. Thất bại là một người thầy quan trọng.

Hơn nữa, không bao giờ có thất bại hoàn toàn. Bạn phải nhìn thấy mọi khía cạnh của một dự án. Nếu bạn chú ý, bạn có thể học được rất nhiều điều từ thất bại.

Ví dụ, chiếc máy tính của Apple đầu thập niên 80, Lisa, là một sự thất bại. Nó chạy chậm và rất đắt. Rất ít người thích nó. Nó không bán được. Nhưng có rất nhiều bài học từ thất bại của Lisa đã được nghiên cứu và chỉnh sửa, cải thiện trong chiếc máy Apple tiếp theo, máy Mac, chiếc máy siêu thành công. Công ty sẽ không thể tìm ra cách khiến cho máy Mac tuyệt vời như thế nếu như máy Lisa không tệ đến thế.

Hơn nữa, bằng cách chấp nhận thất bại là một phần thiết yếu cho doanh nghiệp, bạn sẽ giải tỏa được nỗi sợ phạm sai lầm của nhân viên. Nỗi sợ thất bại sẽ khiến công ty bạn nói không với những ý tưởng mới. Và công ty đó sẽ tiếp tục nói không cho đến ngày nó đóng cửa.

Có rất nhiều doanh nhân đã khởi nghiệp thất bại để rồi thành công sau đó. Akio Morita thành lập một công ty mà sản phẩm đầu tiên là một nồi cơm điện, nhưng thật không may là nó đã làm cháy cơm. Công ty đó về sau lại thành công ở những lĩnh vực khác, và bây giờ công ty đó có tên là Sony.

Thất bại là điều hữu ích, nhưng quá nhiều thất bại có thể khiến bạn không thể đứng dậy được. Vì vậy, đừng bao giờ đầu tư nhiều hơn một phần nhỏ của tài sản chỉ vào một ý tưởng nào đó.

9/ Yêu cầu mạo hiểm

Rất nhiều công ty ngày nay vẫn còn tồn tại bởi vì những người sáng lập công ty sẵn sàng mạo hiểm. Tuy nhiên, sự mạo hiểm vẫn khiến mọi người sợ hãi. Vì sao? Bởi họ sợ sự không chắc chắn và sợ thất bại. Mạo hiểm mở ra cánh cửa cho cả hai nỗi sợ đó.

Tuy nhiên, một trong những cách tốt nhất mà một công ty có thể tạo ra môi trường lành mạnh nuôi sưỡng sự sáng tạo là phải có sự mạo hiểm trong đó. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải làm điều gì đó ngu ngốc hay không được chuẩn bị tốt.

Mạo hiểm có thể là thông minh, ngu ngốc, hay ở khoảng giữa. Nhưng tất cả các công ty đều nên có một quỹ, cho phép họ được đầu tư vào những dự án mà không chắc sẽ thành công, và vào những ý tưởng cho phép các nhân tố sáng tạo khám phá ra lời giải mới cho những vấn đề mà người khác còn chưa kịp nhìn ra.

Ngày nay, môi trường kinh doanh thay đổi quá nhanh, các công ty phải sáng tạo để sống sót – kể cả khi phải thay đổi văn hóa tránh rủi ro của mình. Và chắc chắn việc tuyển dụng một anh chàng Steve Jobs là một phần của thay đổi ấy.

Sự thật là có rất ít công ty đến thời điểm này dám tuyển những người như Steve. Tại sao? Bởi Steve là cá biệt. Đối với hầu hết các nhân viên tiềm năng, Steve trông giống như một kẻ xuẩn ngốc không biết cách ăn mặc. Nhưng một tên xuẩn ngốc không biết ăn mặc có thể chính là người bạn cần để công ty của bạn trở nên hiệu quả hơn bao giờ hết.

Chấp nhận mạo hiểm không nên chỉ là một lựa chọn trong thế kỷ 21. Nó phải là một điều tất yếu.

Tuy nhiên đừng quên là có những rủi ro. Bạn cần liên tục mạo hiểm, nhưng bạn vẫn phải tính toán xem nên mạo hiểm tới đâu.

Sẽ dễ hơn để bạn đối diện với nỗi sợ khi bạn đã làm hết sức mình đánh giá rủi ro. Hãy thực sự cảm nhận nó. Sau đó bạn có thể quay đi mà không phải lo rằng một thất bại sẽ làm sụp đổ tất cả. Hãy đối mặt với nỗi sợ hãi của bạn với một cơ sở dữ liệu.

10/ Hãy thưởng những chú gà tây

Ở Chuck E.Cheese’s, chúng tôi đặt ra một thứ gọi là giải thưởng gà tây. Bốn tháng một lần, chúng tôi mời tất cả quản lý khu vực trên cả nước đi ăn tối. Ở đó, chúng tôi sẽ thảo luận về những thành công của công ty trong bốn tháng vừa qua, cũng như những kế hoạch cho bốn tháng tiếp theo.

Ở sự kiện này, chúng tôi tổ chức một lễ trao thưởng sau bữa tối, với rất nhiều đề mục giải thưởng – nhân viên giỏi nhất, quản lý giỏi nhất, thành tích tốt nhất… Nhưng sau đó là một giải thưởng mà ai cũng háo hức chờ đợi: giải thưởng gà tây cho thất bại đáng chú ý nhất trong bốn tháng qua.

Người thắng cuộc giải này phải đặt chú gà tây làm bằng thiếc xấu xí đó trên bàn làm việc của mình trong bốn tháng tiếp đó.

Tôi cảm nhận, bằng cách thừa nhận và cười vào thất bại đáng chú ý nhất của mình, chúng tôi sẽ không còn thấy nặng nề về nó nữa.

11/ Người hướng dẫn

Những cá nhân sáng tạo cần có người hướng dẫn hơn những người khác.

Những người sáng tạo luôn làm việc với những thứ mới mẻ khác biệt. Điều đó có nghĩa là phần lớn những người xung quanh sẽ không hiểu được họ đang làm gì, tại sao họ lại làm vậy và họ sẽ đi tới đâu với việc đó. Có khi họ còn không biết cụ thể việc họ đang làm là gì trên thực tế nữa.

Điều này đặt các cá nhân sáng tạo vào vị trí thường xuyên phải xung đột với công ty. Sáng tạo đồng nghĩa với việc phải trải qua nhiều lần bị từ chối.

Tất cả các công ty phải chắc chắn rằng ai đó đang ủng hộ những cá nhân sáng tạo của họ. Đó chính là vai trò của một người hướng dẫn. Cô ấy khiến cho các cá nhân sáng tạo không cảm thấy bị từ chối hay cô đơn, ảnh hưởng đến công việc của họ. Cô ấy sẽ chiến đấu chống lại bộ máy quan liêu, kể cả khi cô ấy không hiểu sản phẩm. Khi cô ấy làm tốt công việc của mình, công ty sẽ thu về rất nhiều lợi nhuận. Nếu không, đối thủ cạnh tranh của bạn sẽ thâu tóm thị trường.

Có thể tìm người hướng dẫn bên ngoài công ty.

12/ Đối xử đàng hoàng với nhân viên

Những kỹ năng khiến một người sáng tạo nhưng không giúp họ trở nên nói năng lưu loát hơn. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng khác của người quản lý là giao tiếp với họ, nhận ra những điều tích cực trong dự án của họ, và sau đó trở thành giám đốc quan hệ công chúng cá nhân cho họ.

Một quản lý tuyệt vời là một người khích lệ tuyệt vời – cho người lớn.

13/ Tạo ra dây chuyền sáng tạo

Sự thật là những ý tưởng, sản phẩm hay dịch vụ sáng tạo không được đưa ra bởi những tiếng sét. Chúng mở ra một quá trình phân tích và giải quyết dần dần từng bước một. Để sự phát triển diễn ra, bạn phải có một chuỗi chỉ thị (lý tưởng là càng ngắn càng tốt), để có thể thúc đẩy những ý tưởng tốt.

Nếu hệ thống quản lý của bạn có quá nhiều bước, và từng bước phải được phê chuẩn, và sự phê chuẩn này đến từ một nhà quản lý đầy hoài nghi, sức sáng tạo sẽ khô héo.

14/ Tạo ra không gian sáng tạo

Qua nhiều năm kinh nghiệm, tôi nhận ra rằng nếu để mọi người thoải mái viết lên tường, bằng bất kỳ phương tiện nào sẽ giúp tăng trí sáng tạo.

Hầu hết các nhân viên sáng tạo tư duy với những nét dài và không gian trên giấy hay màn hình máy tính thường không đủ cho họ. Hơn nữa, việc vừa nói vừa vẽ giúp cho họ truyền đạt được những ý tưởng phức tạp.

15/ Đặt ra ngày thử nghiệm

Các cá nhân sáng tạo thường hay chui xuống cái lỗ nhỏ họ tự đào để rồi không hoàn thành dự án kịp thời hạn.

Bạn có thể cứ trì hoãn rồi lại trì hoãn, và rồi cuối cùng, bạn hành động. Nhưng cũng nhiều khi, bạn hành động không đủ nhanh – thế là bạn chậm tiến độ.

Thế nên ở Atari, chúng tôi có những hạn chót “mềm”, được gọi là ngày thử nghiệm. Mọi người được yêu cầu phải đưa sản phẩm ra mắt khi đã đủ hoàn chỉnh để người khác có thể nhìn thấy, nghĩ về nó và đánh giá nó.

Hãy tạo ra những hạn chót “mềm”, để khiến các nhân viên sáng tạo tự tạo ra cho mình những hạn chót “cứng”.

16/ Khuyến khích ADHD

Những cá nhân sáng tạo và chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) thường đi cùng nhau.

Nhiệm vụ mà các nhà quản lý phải làm là giải quyết tình trạng siêu năng động thần kinh này.

Hãy giao cho các nhân viên sáng tạo nhiều dự án cùng một lúc, họ sẽ cảm thấy ít bị gò bó hơn và có thể hoàn thành vài dự án trong cùng một quãng thời gian để họ hoàn thành một dự án.

Nhưng hãy nhớ rằng, chiến thuật này chỉ thành công nếu những việc được giao là “mềm”, tức là không có hạn chót. Nếu bạn đặt hạn chót nghiêm ngặt thì bạn đang đưa ra một yếu tố gây hoảng loạn.

Có một nghiên cứu thú vị được trình bày trong cuốn sách Nghệ thuật và nỗi sợ của David Bayles và Ted Orland. Ở một lớp học về gốm, một nửa học sinh được yêu cầu làm một chiếc bình và sẽ được chấm điểm. Nửa kia lại được bảo rằng điểm của họ sẽ phụ thuộc vào số lượng những chiếc bình họ có thể làm ra.

Những người được giao làm nhiều chiếc bình hóa ra lại có sản phẩm chất lượng tốt nhất. Bởi vì họ có thể thử nghiệm, vui đùa, và làm bất kỳ điều gì họ muốn, độ rủi ro của họ thấp hơn, vì thế những chiếc bình họ làm ra thú vị hơn.

Những người chỉ làm một chiếc bình cảm thấy nặng nề bởi toàn bộ điểm số của họ chỉ dựa vào đó, nên họ không chịu mạo hiểm, và cuối cùng đưa ra những quyết định siêu bảo thủ với sản phẩm của họ.

17/ Nghiên cứu trước thông tin

Hầu hết mọi người sẽ nói rằng họ chỉ muốn được biết vừa đủ những gì họ cần biết tại một thời điểm nhất định. Những cá nhân sáng tạo không nói vậy. Khi giao nhiệm vụ cho một nhóm những cá nhân sáng tạo, hãy cho họ biết trước một chút về những dự án tiếp theo của họ. Những bộ não năng động của họ sẽ lập tức nghĩ về tương lai, kể cả khi họ đang làm cho dự án hiện tại.

Hãy khiến cho đầu óc của các nhân viên sáng tạo được bận rộn. Hãy chắc chắn rằng lúc nào tiềm thức của họ cũng đang làm việc bên trong bộ não.

18/ Học cách nói chuyện với nhân viên sáng tạo

Một trong những phẩm chất của nhân viên sáng tạo thực thụ là sự kiêu ngạo nhất định. Steve Jobs từng nghĩ rằng tất cả những người mà anh ấy từng phải báo cáo đều là những kẻ ngốc. (Tôi cũng nằm trong số đó).

Nhưng điều quan trọng không phải là ai thông minh hơn ai. Đó không phải là một cuộc thi. Điều quan trọng là khiến những người này sáng tạo cho bạn.

Hãy cố gắng hiểu về họ càng nhiều càng tốt. Hãy xem họ làm gì. Và quan trọng nhất, học để nói cùng ngôn ngữ với họ.

Bạn sẽ không bao giờ giỏi bằng những người này trong phạm vi những thứ họ làm. Nhưng việc bạn cho thấy sự tò mò và thể hiện kiến thức nhất định sẽ nâng tầm của bạn trong con mắt nhân viên sáng tạo, từ một kẻ khờ dại tới một người bạn đồng hành trong không gian kiến thức.

19/ Nghĩ về các món đồ chơi

Chơi cùng những trò chơi, đồ chơi, hay câu đố không chỉ để tìm kiếm sự vui vẻ. Nó có thể giúp cả nhân viên và quản lý theo nhiều cách.

Những trò chơi như cờ vây hay cờ vua luyện cho đầu óc bạn tư duy dự đoán, cân nhắc các bước đi, và nghĩ theo cả hai chiều.

Tương tự, xây dựng mô hình Lego cho phép bạn luyện tập xây dựng ý tưởng từ nhỏ đến lớn, hoàn thiện và duy nhất.

Đồ chơi giúp chúng ta thoát khỏi việc sửa đổi bản thân và sử dụng phần não bộ đã bị kìm nén trong nhiều năm. Chúng giúp ta thử nghiệm với những ý tưởng xuất phát từ những nơi mà người khác bảo ta phải lờ đi, những nơi sâu thẳm nhất trong trí tưởng tượng của mình.

20/ Vô hiệu hóa những kẻ nói không

Có rất nhiều trở ngại đối với sự sáng tạo, và một trong những trở ngại nguy hiểm nhất chính là những người khác. Có một câu ngạn ngữ thế này: “Những ý tưởng tốt kết thúc ở phòng hủy giấy tờ”.

Ai là “người khác”? Họ là những kẻ nói “không”.

Những kẻ này rất dễ phát hiện. Họ giả vờ đang làm điều này hay điều kia vì lợi ích chung của công ty. Nhưng thực sự, lý do khiến họ lúc nào cũng nói không là vì đó là điều duy nhất họ biết làm và bản thân họ không có ý tưởng nào cả.

Trên thực tế, quy luật chung là những người giao tiếp giỏi không thực sự sáng tạo, và những người sáng tạo thì không thực sự giao tiếp giỏi. Nhiều khi người quản lý nói không chỉ bởi vì người thuyết trình ý tưởng không giỏi lắm trong việc trình bày. Đừng bao giờ để những ý tưởng biến mất bởi vì các nhà quản lý nói không trước khi ý tưởng được giải thích đầy đủ.

21/ Ghi lại những phản biện

Trong thế giới kinh doanh, những ý tưởng sáng tạo đang bị loại bỏ một cách nhẫn tâm. Và chúng ta cần phải giúp những ý tưởng tốt không bị loại bỏ.

Hãy yêu cầu mọi người viết lại sự phản đối của họ với ý tưởng. Bởi vì, giết chết một ý tưởng bằng miệng thì rất dễ. Hãy yêu cầu họ viết lại những lời chỉ trích đó. Khi làm vậy, tên của họ được gắn kèm, họ sẽ phải chịu trách nhiệm với những ý kiến tiêu cực của mình. Khi bị buộc phải chịu trách nhiệm cho sự phê bình, người ta sẽ ít phê bình hơn.

22/ Những nơi sáng tạo

Bằng cách cho mọi người di chuyển ra khỏi không gian quen thuộc, bắt họ làm việc ở những môi trường khác nhau, chúng ta đã trang bị cho họ khả năng nảy sinh những ý tưởng sáng tạo mới.

Một trong những ý tưởng quan trọng nhất cho Chuck E.Cheese’s được phát triển khi chúng tôi nhận ra chúng tôi đã không tạo ra đủ trò chơi cho những đứa trẻ không đủ tuổi chơi game, và nếu chúng không được vui thì cha mẹ chúng sẽ đi mà không quay trở lại. Thế là chúng tôi phát triển một sân chơi với những hầm bóng. Ý tưởng này đến từ một cuộc nói chuyện phiếm bên lò sưởi một ngày sau khi chúng tôi đi trượt tuyết.

Đừng bắt các nhân viên sáng tạo phải ngồi cả ngảy bên bàn giấy. Môi trường càng thú vị và sáng tạo, họ càng dễ nảy ra những ý tưởng thú vị và sáng tạo.

23/ Sản phẩm chỉ dành cho người giàu

Nhiều ý tưởng ban đầu tưởng như có chi phí quá đắt đỏ, cuối cùng lại khá rẻ bởi vì đội ngũ của bạn càng nghiên cứu sâu về dự án lại càng thấy dự án có thể tiết kiệm được chi phí.

Nhưng kể cả khi cuối cùng dự án vẫn tốn kèm thì hãy nhớ rằng con đường dẫn tới đổi mới thường phải đi qua những hộ dân giàu có nhất.

Những người giàu là đối tượng duy nhất có đủ khả năng mua những chiếc điện thoại, máy bay, xe hơi và máy tính đầu tiên. Những người giàu luôn tìm kiếm sản phẩm mới để giúp cuộc sống của họ dễ dàng hơn, thoải mái hơn, hay năng suất hơn. Và những đầu óc sáng tạo có nhiệm vụ phát minh ra các sản phẩm đó.

Nếu sản phẩm thực sự tốt, giá cả của nó sẽ giảm. Nhiều sản phẩm từng rất đắt đỏ trong quá khứ nay đã trở thành món hàng tặng kèm.

Hãy tạo ra thứ gì đó cho phép giới trung lưu cư xử như người giàu, và bạn sẽ thành công vang dội. Đó là một trong những lý do mà những chiếc xe không người lái sẽ thành công. Những người lái xe trung lưu sẽ có cảm giác mình có tài xế riêng, được thả ở lề đường để chiếc xe sau đó lái đi và tự đỗ. Tất cả mọi người, trừ tài xế, sẽ thấy hạnh phúc vì điều đó.

24/ Thay đổi hàng ngày, hàng giờ

Hãy cho các nhân viên sáng tạo được linh hoạt. Hãy tìm ra càng nhiều cách càng tốt để khiến cho đầu óc của họ được năng động và hoạt bát. Khuyến khích họ đi những con đường mới tới nơi làm việc hàng ngày. Hãy bảo họ lái xe qua nhiều khu dân cư khác nhau, mua sắm tại những cửa hàng mới, đi bộ qua những nơi họ chưa bao giờ đi trước đó, dừng lại và chào những người đi đường một cách ngẫu nhiên…

Hãy thiết kế một môi trường cho các nhân viên sáng tạo để khiến cho đầu óc họ làm việc chăm chỉ hơn, nghĩ khác hơn và đổi mới thông minh hơn. Càng nhất quán thì càng dậm chân tại chỗ. Càng thay đổi thì càng có sự tiến bộ.

25/ Lăn xúc xắc

Tung xúc xắc để quyết định xem bạn muốn làm gì là một ý tưởng tuyệt vời. Tại sao? Nếu bạn thích liệt kê ra những thứ cần làm, thì khả năng lớn là bạn sẽ vô thức làm theo đúng những thói quen. Có thể bạn sẽ ưu tiên những việc dễ trước, hoặc những việc bạn cảm thấy thú vị nhất, hoặc bạn sẽ nhờ người khác giúp đỡ. Dù bạn có chọn cách nào thì nó cũng phản chiếu những quy luật chi phối cuộc sống của bạn.

Vì vậy, tôi khuyến khích các công ty hãy thử sử dụng những viên xúc xắc. Khi bạn lăn xúc xắc ngẫu nhiên, bạn đã loại bỏ ý muốn của mình và đạt được những kết quả khác với những gì bạn đáng lẽ sẽ phải nhận, nếu cứ để những ham muốn tự nhiên chi phối.

Bạn cũng sẽ thấy là bạn đang trì hoãn một số nhiệm vụ một cách vô thức. Nếu bạn sử dụng quyền năng của xúc xắc, bạn sẽ không thể trì hoãn được nữa.

26/ Giảm bớt quy trình

Một lần trong buổi đi dạo hàng tuần ở Atari, tôi để ý có một sản phẩm đã bị chậm cho buổi triển lãm công nghệ mùa thu của chúng tôi. Thời gian trôi, sản phẩm càng bị chậm. Khi tìm hiểu về sự trì hoãn này, tôi phát hiện ra người kỹ sư bị thiếu một mẩu linh kiện quan trọng – một linh kiện chỉ có giá 15 cent.

Hóa ra vào thời điểm đó linh kiện ấy đang trong quá trình tìm kiếm, tức là bên nhà phân phối đã hết hàng bán buôn khối lượng lớn – hình thức mà chúng tôi thường mua. Ban mua hàng chỉ đặt hàng và chờ đợi – bởi một trong những nhà quản lý mới của chúng tôi đã nói với các kỹ sư rằng, họ luôn phải đi qua ban mua hàng khi mua linh kiện, không có trường hợp ngoại lệ. Nhà quản lý đó đã làm chậm dự án 2 tuần ở thời điểm triển lãm công nghệ đã đến rất gần. Trong khi đó, linh kiện bán lẻ có đầy rẫy ở cửa hàng dưới phố.

Những tình huống kiểu như thế sẽ còn tệ hơn nếu linh kiện đó còn mới và chưa được đưa vào hệ thống của tôi dưới mục mua thường xuyên. Trong tình huống đó, ban mua hàng sẽ phải có quá trình thương lượng giá và số lượng hàng trước khi bắt đầu viết đơn đặt hàng, tăng thêm một tháng vào quy trình phát triển sản phẩm mẫu.

Quy trình không xấu. Nhưng những quy trình làm cản trở sự phát triển thì rất xấu. Cái giá của quy trình là đánh mất sự sáng tạo và tốc độ. Thường thì chi phí thực hiện các quy trình còn lớn hơn khoản tiết kiệm dự kiến từ chúng.

Thị trường ngày nay yêu cầu doanh nghiệp phải tốc độ. Sáng tạo mà không có tốc độ cũng vô ích. Những quy tắc cũ và quá trình chuẩn mục không dẫn đến sự sáng tạo.

27/ Đi dạo ngẫu nhiên trên Wikipedia

Những nhân viên sáng tạo không thể dùng toàn bộ thời gian của họ để chú tâm vào một vấn đề. Đầu óc họ càng được chu du ở nhiều nơi thì dòng chảy sáng tạo trong họ càng mạnh.

Một trong những cách tốt nhất để làm được điều đó là khuyến khích những chuyến đi dạo trên Wikipedia, trang bách khoa toàn thư trực tuyến có nhiều kiến thức hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Đó là một kho báu thông tin.

Đôi khi, chính là những khả năng khuất nằm ở phía rìa của đám mây chứ không phải ở trung tâm, mới có thể tỏa sáng nhất. Khi bạn có một nhãn quan mới, bạn sẽ nhìn nhận vấn đề theo các góc cạnh mới, từ đó những con đường dẫn tới sự hoàn thiện hiện ra.

Hãy để cho các nhân viên sáng tạo mở ra những đám mây khả năng xung quanh bất kỳ dự án nào bằng cách khuyến khích họ tìm kiếm trên Wikipedia một cách ngẫu nhiên. Bằng cách này, bạn đang để họ kiểm tra những khả năng khuất và khuyến khích họ nhìn rộng ra các vấn đề mà dự án đang gặp phải.

28/ Đừng dựa vào kế toán

Đôi khi bạn sẽ gặp một kế toán viên hiểu lĩnh vực kinh doanh của công ty nhiều hơn những con số. Hãy biết quý trọng những người này.

Thường gặp hơn là những kế toán luôn mặc định thái độ thù địch với sự sáng tạo. Đây không phải là đánh giá nhân cách hay khả năng làm việc nhóm của họ, chỉ là sự phản ánh công việc của họ với tư cách người đong đếm. Sức sáng tạo không liên quan đến họ.

Tôi không nói rằng công ty không nên có kế toán. Họ là một phần quan trọng của bất kỳ doanh nghiệp nào. Nhưng hãy đảm bảo rằng họ chỉ làm công việc của họ để các cá nhân sáng tạo làm việc của mình. Hai dòng nước này sẽ chảy song song chứ không vắt chéo nhau. Nếu kế toán kéo sự sáng tạo xuống, bạn đã hủy hoại công ty.

Lời khuyên của tôi với kế toán: Tất cả các dự án mới đều mạo hiểm về mặt tài chính. Hãy làm quen với việc đó. Hãy tìm cách để kiểm tra và giảm thiểu rủi ro từ những ẩn số. Hãy để trí sáng tạo được thông suốt và giải quyết được vấn đề chung của công ty theo những cách bất ngờ.

29/ Tạo ra những ngày nghỉ ngẫu nhiên

Thành công thường tạo ra một văn hóa mà ở đó người ta cảm thấy phải tạo ra nhiều thành công hơn nữa để rồi công ty lại càng trở nên nổi tiếng với việc tuyển dụng những nhân viên chăm chỉ hơn nữa.

Khi người ta làm quá nhiều, họ trở nên mệt mỏi và mắc sai lầm, từ đó họ đánh mất sự cân bằng. Họ cũng đánh mất tầm nhìn, khả năng phân loại các vấn đề lớn, nhỏ. Mọi thứ dường như sẽ quá tải, tạo ra căng thẳng và lo lắng – đó đều là những kẻ thù của sáng tạo.

Bạn không muốn những nhân viên sáng tạo mất đi khả năng đánh giá của mình. Tầm nhìn giảm sút là một trong những điều tệ nhất có thể xảy đến với một công ty đang làm việc quá tải.

Hãy tạo ra những ngày nghỉ bất cứ khi nào tinh thần của bạn bảo thế.

30/ Kết hợp

Hãy dũng cảm thử nghiệm. Mang những nhân viên sáng tạo của bạn ra thực tế bằng cách làm việc với bộ phận bán hàng. Mời những nhân viên kế toán tham gia vào cuộc họp sáng tạo. Hoặc đừng ngại để những giám đốc tới gặp các nhà phân phối ở xa hoặc những “tiền đồn” đang chưa đạt yêu cầu.

Oscar Dystel, một trong những nhà xuất bản vĩ đại nhất trong lịch sử, đã từng yêu cầu các biên tập viên của mình tại Bantam Books làm cùng với bộ phận bán hàng trong dự án mở rộng thị trường – và qua đó tạo cơ hội cho bộ phận bán hàng có dịp nói lên suy nghĩ của mình về những lựa chọn của ban biên tập.

31/ Đi ngủ

Steve Jobs thường mang một chiếc ghế nệm đi làm, và tôi rất hay bắt gặp anh ấy ngủ trên đó. Rất nhiều nhân viên sáng tạo của tôi đạt hiệu suất làm việc cao nhất khi họ được phép ngủ vào lúc họ cần, thay vì làm việc đó như một chu trình bình thường.

Một nghiên cứu năm 2004 được đăng trên tạp chí Nature bởi nhà thần kinh học Ullrich Wagner và Jan Born đã phát hiện ra rằng, các chu kỳ đảo mắt ngẫu nhiên (REM) khi ngủ giúp tăng khả năng giải quyết vấn đề lên 40%. Một nghiên cứu khác năm 2009 của Đại học Californira ở San Diego do chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ Sara Mednick và cộng sự, xuất bản trong Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ cũng cho ra kết quả tương tự.

Thêm vào đó, một nghiên cứu gần đây của NASA cũng chỉ ra rằng, sau 26 phút ngủ trưa thì phi công có thể làm việc hiệu quả hơn 34%.

Vậy đây là những gì bạn cần có để phát huy tối đa sự sáng tạo của bản thân: Giường, đệm, phòng tối, che mắt, bịt tai. Bạn thắc mắc rằng mỗi người cần bao nhiêu thời gian để ngủ phải không? Thể trạng của mỗi cá nhân đòi hỏi thời gian khác nhau.

Kết luận

Khi không thể thay đổi bộ máy vận hành của doanh nghiệp, bạn có thể thiết lập nên một chu trình sáng tạo của riêng mình bằng cách tạo ra một góc riêng tại công sở mà ở đó các phát minh được khen ngợi và tưởng thưởng xứng đáng, còn những người luôn nghĩ tiêu cực sẽ bị mất dần ảnh hưởng, nơi các bạn có thể ăn mừng thoải mái, nơi mọi người có thể chơi đồ chơi, tự do làm theo những lời khuyên trong cuốn sách này, và từ đó bạn sẽ thiết kế thành công một công sở nuôi dưỡng tính sáng tạo trong công việc.

Khi đó, Steve Jobs tiếp theo rất có thể đang nộp hồ sơ xin việc ở công ty của bạn.

Tìm ra những Steve Jobs mới và tạo cho họ việc làm vẫn chưa đủ, bạn còn phải tạo ra một môi trường để họ có thể phát triển tốt, và từ đó thành công mới đến với doanh nghiệp của bạn.

Hãy nhớ rằng chính ban lãnh đạo tạo Apple đã từng sa thải Steve Jobs. Lý do ư? Họ nghĩ rằng họ không thể kiểm soát được những dự án điên rồ của anh ấy. Chính vì thế - bản thân Steve Jobs đã từng thua các vị giám đốc đầy phức tạp tại Apple – cho đến khi họ lại trải thảm mời Steve quay lại, đưa công ty đến với những thành công hiện tại.

Nếu bạn làm theo những lời khuyên trong cuốn sách này, chính bản thân bạn cũng sẽ tiến tới thành công. Tuy nhiên, còn một lời khuyên nho nhỏ, đơn giản cuối cùng nữa bạn cần phải ghi nhớ.

Đó là: Hãy hành động!

PHƯƠNG THANH tóm tắt
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]