4 sai lầm thường gặp trong sơ cứu tại nhà

Khi gặp sự cố về sức khỏe tại nhà, nhiều người áp dụng những biện pháp cấp cứu dân gian, tuy nhiên đa số trường hợp những biện pháp này hoàn toàn sai, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.

15.5827
Sau nhiều năm nghiên cứu, các chuyên gia sức khỏe Michael Van Rooyen, giáo sư về y học cấp cứu ĐH Y khoa Johns Hopkins (Hoa Kỳ) đã nêu ra những sai lầm sau đây mà mọi người cần tránh khi cấp cứu tại nhà.

1) Dùng dung dịch i-ốt, ô-xy già, cồn, thuốc đỏ để sát khuẩn vết thương.

Khi da nguyên vẹn, i-ốt là dung dịch lý tưởng để sát khuẩn, vì thế các bác sĩ thường dùng i-ốt để làm sạch vùng da trước khi phẫu thuật. Tuy nhiên, khi da bị rách, theo bác sĩ da liễu Robert Kirsner, người phát ngôn của Viện Da liễu Hoa Kỳ, việc sử dụng dung dịch i-ốt, ô-xy già, cồn hay thuốc đỏ có thể gây độc cho tế bào da, cản trở quá trình lành vết thương.

Khi tiếp xúc với vết thương, ô-xy già gây ra một phản ứng hóa học (sủi bọt), không chỉ làm sạch vết thương mà còn giết chết các tế bào mạnh khỏe. Tương tự, khi sử dụng cồn để chùi vết thương, cả tế bào hư và tế bào mạnh khỏe đều bị hủy hoại.

Còn khi bôi i-ốt vào vết thương, theo BS Van Rooyen, vi khuẩn có thể bị tiêu diệt, nhưng vết thương lại không được làm sạch. Về thuốc đỏ, các chuyên gia khuyên tuyệt đối không nên sử dụng vì trong dung dịch này có thủy ngân, rất hại cho cơ thể.

Đề nghị: Khi bị đứt tay, trầy xước, BS Van Rooyen cho biết cách tốt nhất để làm sạch vết thương và vi khuẩn mà không làm tổn thương mô lành là đặt vết thương dưới một vòi nước mạnh để rửa sạch rồi băng lại. Trước khi băng có thể dùng mỡ kháng sinh chứa bacitracin hay neomycin để bôi trơn vết thương, khi gỡ băng ra sẽ không đau.

2) Bôi bơ, kem đánh răng lên vết bỏng.

Khi bị bỏng, nhiều người vẫn có thói quen bôi bơ hoặc kem đánh răng để giảm đau. Van Rooyen cho biết đây không phải là cách tốt vì bơ hoặc kem đánh răng bám chặt vào vết bỏng, gây nhiễm trùng và tạo ra một môi trường cho vi khuẩn phát triển.

Đề nghị: Ngay lập tức đặt vết bỏng dưới một vòi nước lạnh để đỡ nóng và làm giảm quá trình tổn thương da. Van Rooyen nói: “Nước cũng làm sạch vết bỏng, giảm nguy cơ nhiễm trùng và làm quá trình lành da diễn ra nhanh hơn”.

Sau đó che vết bỏng lại bằng gạc vô khuẩn hay băng không dính, giữ vết bỏng sạch và khô ráo. Nếu có vết phồng, đừng làm vỡ vì dịch bên trong là vô khuẩn, nó sẽ tạo thành một lớp băng tự nhiên quanh vết bỏng.

3) Dùng xirô ipecac khi ăn hoặc uống phải chất độc.

Khi một đứa bé nuốt phải chất độc, nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng họ có thể giải quyết dễ dàng bằng cách cho trẻ uống xirô ipecac. Tuy nhiên, theo Viện Nhi khoa và Viện Chống độc lâm sàng Hoa Kỳ, đây là một quan niệm sai.

Chế tạo từ rễ một loại cây trồng ở Brazil, xirô ipecac có tác dụng kích thích dạ dày để gây nôn. Nhưng một nghiên cứu mới đây tại Hoa Kỳ cho thấy xirô ipecac không gây nôn hết chất độc, mà luôn để lại 40% - 50% chất độc trong dạ dày.

Nó cũng có thể gây nôn quá độ, khiến cơ thể mất nước, làm cho quá trình điều trị thêm khó khăn. Một nguy hiểm khác khi dùng xirô ipecac là nếu chất độc có tác dụng ăn mòn, như dung dịch kiềm, thì khi nôn ra dung dịch này có thể gây bỏng thực quản.

Đề nghị: Gọi ngay số điện thoại cấp cứu, lúc này các chuyên gia cấp cứu sẽ khuyên bạn nên làm gì. Thông thường, người ta sẽ cho trẻ uống than hoạt tính (có thể trộn chung với soda để dễ uống), khi vào tới dạ dày than thấm hút các chất ở đây như một miếng bọt biển, ngăn không cho chất độc thấm vào máu. Sau đó than hoạt tính được thải ra ngoài qua đường tiêu hóa.

Để có hiệu quả tốt nhất, nên cho trẻ dùng than hoạt tính trong vòng 1 giờ sau khi nuốt phải chất độc. Một số bác sĩ khuyên bạn nên để sẵn than hoạt tính trong tủ thuốc cấp cứu tại nhà, tuy nhiên trong mọi trường hợp, khi sử dụng bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ, bởi bác sĩ sẽ khuyên bạn khi nào dùng, dùng bao nhiêu là phù hợp.

4) Cột garrot khi xuất huyết nhiều.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy cột garrot có hại hơn là có lợi trong mục đích cầm máu. PGS Charles Pattavina, Khoa Y học cấp cứu ĐH Y khoa Brown (Hoa Kỳ), nói: “Garrot có thể làm tổn thương mô, thậm chí phải cưa tay hay cưa chân nếu áp dụng không đúng”.

Đề nghị: Băng ép lên chỗ chảy máu. Ngay cả khi băng thấm đầy máu cũng không được gỡ ra, nếu cần thiết có thể băng ép thêm vài miếng lên miếng băng đầu tiên.

Theo Van Rooyen, khi ép băng lên vết thương, dòng máu sẽ chảy chậm lại, có thể làm ngừng xuất huyết và thúc đẩy sự tạo thành cục máu đông bít chặt mạch máu bị đứt, nhưng vẫn để cho máu lưu thông đến phần còn lại của tay hay chân.

Nếu cách này vẫn không làm ngừng xuất huyết, bạn có thể làm chậm dòng máu bằng cách ép vào động mạch chính của cánh tay hay chân, tùy theo vị trí vết thương.

 Theo Vân Sơn - Ykhoa.net

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]