5 bước chăm sóc đúng cách trẻ sốt phát ban tại nhà

(GDVN) - Sốt phát ban có thể điều trị tại nhà, nhưng cách chữa trị theo kiểu khi bị phát ban phải kiêng gió, kiêng tắm, ăn tinh là một sai lầm.

15.5314

Phát ban là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Khoảng thời gian trước khi bị phát ban, em bé sẽ có những thay đổi về trạng thái tinh thần, rõ ràng nhất là biểu hiện quấy khóc. Sau đó bé sẽ bị sốt, sổ mũi, ho, nhiều bé còn bị thêm tiêu chảy, vài ngày sau cơ thể bé sẽ xuất hiện những chấm đỏ toàn thân.

Bệnh chỉ nguy hiểm khi hiểu sai cách chữa trị và dẫn tới biến chứng. Phát ban ở trẻ nhỏ thường có những biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, nặng hơn sẽ là viêm não.

Sốt phát ban có thể điều trị tại nhà, nhưng cách chữa trị theo kiểu khi bị phát ban phải kiêng gió, kiêng tắm, ăn tinh là một sai lầm. Trong suốt thời gian bị sốt phát ban, nếu kiêng gió, kiêng nước bằng cách hạn chế vệ sinh cá nhân cho bé, thì trước hết bé sẽ cảm thấy bức bối. Sau đó hệ quả xấu của kiêng khem là cơ thể bé sẽ khó hạ sốt, nguy cơ bị nhiễm trùng da và gặp biến chứng viêm phổi rất cao. Ăn tinh sẽ làm cho bé rơi vào tình trạng thiếu năng lượng, rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém nên khó chống chọi được với bệnh tật.

 


Điều trị phát ban tại nhà phải tuyệt đối tuân thủ theo sự chỉ dẫn của bác sỹ, không được tự tiện dùng thuốc và thay đổi đơn thuốc. Thêm vào đó, bé nên được vệ sinh cá nhân sạch sẽ hàng ngày, tuy nhiên cần tránh để bé bị nhiễm lạnh. Chế độ dinh dưỡng trong giai đoạn điều trị bệnh cũng rất quan trọng, vừa cung cấp năng lượng cho cơ thể chống lại bệnh, vừa đảm bảo vệ sinh để bé không bị mắc tiêu chảy. Chế độ ăn cần được tăng thêm cả về chất lượng và số lượng. Bé nên ăn nhiều hơn bình thường, chia thành nhiều bữa và ưu tiên cho những thức ăn dễ tiêu hóa.

Những lưu ý khi chăm sóc trẻ bị sốt phát ban

1. Hạ sốt đúng cách

 

Nếu trẻ sốt từ 38oC cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất với liều 10 – 15mg/kg cân nặng, 4 - 6 giờ một lần. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm khi cần để tránh biến chứng sốt cao co giật ở trẻ.

2. Giảm ho, giảm đau họng

Cho trẻ uống các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược như rau tần dầy lá, tắc chưng với đường phèn, gừng hấp mật ong…

3. Làm thông mũi trẻ bằng nước muối loãng và khăn giấy mềm

Giúp trẻ dễ ăn uống và bú sữa mẹ.

4. Chế độ ăn hợp lý

Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa…Trẻ ăn uống quá khó khăn thì nên chia nhỏ bữa ăn để giúp trẻ nhận đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Trẻ cũng cần uống nhiều nước hơn bình thường, nhất là những loại nước ép trái cây tươi để đảm bảo việc cung cấp đủ nguồn vitamin, cải thiện sức đề kháng. Những trẻ bị nhiễm sởi cần chú ý việc bổ sung vitamin A với liều lượng phù hợp theo lứa tuổi để bảo vệ mắt.

Bên cạnh đó, kiêng ăn sẽ làm cho trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém, dễ bị nhiễm trùng. Ngược lại, nên cho trẻ ăn nhiều hơn bình thường, ăn thành nhiều bữa, ăn thức ăn dễ tiêu.

5. Giữ vệ sinh da luôn sạch và khô thoáng

Có thể tắm rửa cho trẻ sạch sẽ mỗi ngày, không nên kiêng gió, kiêng ăn. Thói quen kiêng gió, kiêng nước bằng cách trùm kín trẻ, không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó hạ sốt và dễ co giật do sốt cao. Không vệ sinh cơ thể sẽ làm trẻ khó chịu, dễ nhiễm trùng da và biến chứng viêm phổi. Tuy nhiên, cha mẹ không nên để trẻ bị lạnh.

Phương pháp phòng ngừa bệnh sốt phát ban cho trẻ 

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân bị nghi ngờ đang mắc bệnh, cách này rất khó vì trẻ bệnh có thể lây cho trẻ khác ngay khi chưa có biểu hiện phát ban. 

- Cách phòng ngừa tốt nhất là chủng ngừa: Sởi có thể chích ngừa khi trẻ được 9 tháng tuổi theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Rubella được chích chung với quai bị và sởi bằng vắc-xin 3 trong 1 khi trẻ được 12 tháng – 15 tháng tuổi và tiêm nhắc liều thứ 2 khi trẻ được 4 tuổi – 6 tuổi. 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]