5 kỹ năng thành thạo của những CEO thành công

0

1. Giao tiếp

Có thể trong giai đoạn ban đầu khởi nghiệp, quá trình giao tiếp chỉ diễn ra trong một phạm vi hẹp giữa một nhóm nhỏ và kỹ năng giao tiếp chưa thực sự quan trọng. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp có xu hướng phát triển, các founder phải thuê thêm nhiều nhân sự cũng như giao tiếp với nhiều khách hàng và đối tác hơn, khi đó, kỹ năng giao tiếp kém sẽ là một nhược điểm vô cùng lớn.

Cách cải thiện: Cách tốt nhất để nâng cao kỹ năng giao tiếp là phải giao tiếp nhiều hơn. Các founder là dành nhiều thời gian tham gia vào các buổi hội thảo trong ngành và trao đổi trực tiếp với các đồng nghiệp, đối tác có mặt tại đó. Tự rèn luyện khả năng thuyết trình, nói chuyện trước đám đông mọi lúc có thể.

2. Xây dựng thương hiệu cá nhân

Xây dựng thương hiệu cá nhân là điều rất quan trọng. Ngoài việc làm cho người khác hiểu rõ hơn về mình thì xây dựng thương hiệu cá nhân tốt sẽ làm tăng uy tín của founder trong cộng đồng. Nếu có một thương hiệu cá nhân tốt, founder sẽ rất dễ dàng trong việc đàm phán, giao tiếp, bàn hàng. Ngoài ra, thương hiệu cá nhân tốt sẽ làm tăng thiện cảm đối với những sản phẩm của doanh nghiệp hiện tại và trong tương lai.

Có rất nhiều cách để xây dựng thương hiệu cá nhân như tham gia làm cố vấn cho các cuộc thi, tham gia làm “speaker” trong các cuộc hội thảo. Hoặc đơn giản là hoạt động nhiều hơn trên mạng xã hội, đóng góp những bài viết chất lượng, nâng cao giá trị của bản thân. Nếu không có nhiều thời gian cho mạng xã hội, founder có thể nhờ người khác viết, điều đó không quá quan trọng tuy nhiên, hiệu quả của nó mang lại không hề nhỏ cho quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân.

3. Bán hàng

Gần như đã thành một chân lý, đã làm doanh nghiệp là phải giỏi kỹ năng bán hàng. Trong tất cả các hoạt động của công ty như đàm phán, giao tiếp với đối tác, khách hàng đều cần kỹ năng bán hàng. Bán hàng không chỉ là bán một mặt hàng cho ai đó, mà còn là kỹ năng thuyết phục người khác tin vào mình.

Để nâng cao kỹ năng bán hàng đòi hỏi các founder phải có kiến thức, khả năng phân tích tình huống và kiên nhẫn nhằm nắm bắt được tâm lý của nhóm đối tượng mình đang tiếp xúc. Điều này giúp founder hiểu được nhu cầu thực sự của đối tượng, từ đó tìm cho mình cách tiếp cận hợp lý và đưa sản phẩm của mình vào cuộc hội thoại. Có thể bắt đầu bằng việc giúp đỡ người khác giải quyết những vấn đề họ đang mắc phải và đưa ra lời đề nghị dùng thử sản phẩm, dịch vụ của mình.

4. Xây dựng chiến lược

Thị trường luôn thay đổi và những cách làm cũ không hiệu quả sẽ cần được thay thế bởi những cách làm mới hiệu quả hơn. Chiến lược phát triển sản phầm và doanh nghiệp phải được xây dựng từ trước theo từng giai đoạn, tuy nhiên không nên quá cứng nhắc áp dụng khi nó không còn hợp lý. Chiến lược sẽ là kim chỉ nam trên suốt chặng đường dài cho doanh nghiệp, vì thế nó đòi hỏi người lãnh đạo phải đưa ra những quyết định đúng đắn và sáng suốt.

Việc đánh giá thị trường và xây dựng chiến lược phù hợp phụ thuộc rất nhiều vào tố chất và cá tính của từng CEO. Để có thể luôn nắm bắt được xu hướng thị trường thì các founder phải cập nhật tin tức thường xuyên về các hoạt động diễn ra trong ngành cũng như hoạt động của các đối thủ. Nếu thị trường thay đổi liên tục, cần xác định những mục tiêu ngắn hạn cụ thể và kế hoạch chi tiết để thực hiện điều đó.

5. Quản lý tài chính

Mặc dù trong nhóm hoặc trong công ty đã có người phụ trách quản lý tài chính nhưng bất kỳ founder nào cũng cần phải nắm rõ hoạt động tài chính của công ty mình ở tầm vĩ mô như dòng tiền đi và đến, lợi nhuận, doanh thu, tăng trưởng và các khoản tiền tài trợ nếu có. Đó cũng là nhiệm vụ của từng CEO nhằm kiểm soát được chi phí, tối ưu hóa hiệu quả và lên chiến lược gia tăng doanh thu.

Nếu founder không biết nhiều về tài chính, có thể nhờ những người có kinh nghiệm chỉ dẫn hoặc tự đọc nhiều hơn những báo cáo tài chính trong công ty cũng như các thông tin tài chính khác trong ngành.

 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]