5 lý do SMS sống khỏe giữa thời đại Internet

Hiện nay, hình thức tin nhắn từ các dịch vụ OTT, chat online và email đang chiếm ưu thế mạnh mẽ so với SMS. Nhưng không vì vậy mà trong tương lai dịch vụ nhắn tin ngắn trực tiếp này mất chỗ đứng của nó.

15.6051
SMS (Short Message Service) là dịch vụ nhắn tin ngắn được sử dụng để gửi đi các thông điệp trên mạng điện thoại di động, được sử dụng từ năm 1992 và phát triển mạnh mẽ nhất kể từ 2010 đến nay. Ví dụ như trong năm 2010 có đến hơn 80% thuê bao di dộng sử dụng dịch vụ nhắn tin SMS.
Tuy vậy, trong vài năm trở lại đây, smartphone nổi lên và trở thành nền tảng cho sự ra đời của các dịch vụ nhắn tin khác như email, chat online và ứng dụng OTT (Over The Top) như Viber, Whatsapp, Zalo… Người dùng chỉ cần tải các ứng dụng này về điện thoại thông minh của mình và sử dụng mạng internet qua WiFi hoặc 3G là có thể gửi bao nhiêu tin nhắn cũng được, độ dài tin nhắn cũng thoải mái hơn mà phí không đáng kể. Khi những dịch vụ này đã đạt con số cao chóng mặt, nhiều chuyên gia đã cho rằng dịch vụ SMS sẽ sớm bị khai tử.
Tuy vậy, bất chấp sự ra đời và tăng trưởng mạnh mẽ của các dịch vụ khác, SMS vẫn đang được sử dụng như một hình thức giao tiếp hiệu quả giữa người với người trên toàn thế giới, dưới đây là 5 lý do để giải thích cho điều đó.
1. SMS là cách hiệu quả nhất để tiếp cận người dùng
Khi nói đến tính nhanh chóng thì SMS chính là một trong những dịch vụ dẫn đầu so với email và OTT. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động cơ bản và SIM có tiền trong tài khoản, bạn có thể nhanh chóng gửi những nội dung tin nhắn ngắn gọn, xúc tích đến người nhận mà không cần phải chờ kết nối Internet, mở email, đính kèm nội dung, chờ gửi hoặc chấp nhận yêu cầu kết bạn như khi sử dụng email và ứng dụng OTT.
2. SMS vẫn là giải pháp phù hợp với tất cả mọi người
Nói đơn giản, công nghệ gửi và nhận tin nhắn SMS không phụ thuộc vào 3G hay Internet tốc độ cao, trong khi email hoặc các ứng dụng OTT như WhatApp, Facebook Messenger, Viber, Zalo… chỉ hoạt động khi có kết nối Internet. Đó là chưa kể đến tính tương thích của các ứng dụng với các nền tảng phần cứng và phần mềm khác nhau, và chính điều đó là cản trở lớn nhất trong việc giao tiếp giữa mọi người.
Ví dụ: Không phải tất cả các ứng dụng nhắn tin OTT đều hoạt động trên các nền tảng như Firefox OS, Windows, BlackBerry và các phiên bản cũ hơn của iOS và Android. Chưa kể đến việc người dùng cần phải tốn thời gian cài đặt các ứng dụng này nếu muốn liên lạc với nhau. Trong khi đó với SMS, người dùng chỉ cần 1 chiếc điện thoại bình dân và SIM nạp tiền vào tài khoản là có thể nhắn tin cả ngày. 
3. Sự phân chia trong lĩnh vực A2P giúp mạng viễn thông toàn cầu tiếp cận tốt hơn
Ứng dụng nhắn tin hiện được chia làm 2 loại: P2P (Person To Person) là loại tin nhắn trực tiếp từ dịch vụ SMS, và A2P (Application To Person) là ứng dụng cho phép chuyển tin nhắn từ mạng Internet về dạng SMS cho người nhận sử dụng di động. Ví dụ thông thường nhất của A2P SMS là các dịch vụ xác thực thanh toán ngân hàng, nhắc nhở (tương tự Google Calendars), cập nhật thông tin từ ngân hàng, xác nhận đặt vé, cập nhật tình hình chuyến bay…
Vấn đề mà dịch vụ A2P SMS gặp phải là sự cứng nhắc và tốn kém trong quá trình triển khai ban đầu. Phương thức truyền thống là một công ty phải giữ liên lạc với hàng loạt các công ty trung gian như tích hợp SMS, nhà cung cấp cổng đầu số, các nhà quảng bá và đại lý trước khi đạt được quyền truy cập vào kho SMS của các nhà mạng khác nhau.
Ngày nay, nền tảng truyền thông mới sử dụng công nghệ điện toán đám mây để tăng chất lượng của việc truyền tải tin nhắn. Họ cũng kết hợp một mô hình trả tiền để sử dụng dịch vụ đám mây với công cụ API trên nền tảng điện thoại, làm nó dễ dàng hơn cho các nhà phát triển khi tích hợp vào các ứng dụng của họ và duy trì chi phí vận hành thấp.
Thực tế cho thấy chính những lý do trên đã khiến mạng viễn thông toàn cầu phát triển ngày càng mạnh mẽ và tiếp cận với nhiều người dùng hơn. Đồng ý rằng dịch vụ A2P chính là tương lai trên các thiết bị di động thông minh, nhưng không thể phủ nhận được rằng, người dùng cần một thứ gì đó nhanh và phổ biến hơn là những ứng dụng phải tốn thời gian cài đặt.
4. SMS song hành cùng hình thức bảo mật xác thực 2 bước 
Trong thời gian khoảng 1 năm trở lại đây, các dịch vụ OTT, email, mạng xã hội... đã áp dụng hình thức bảo mật 2 bước gồm: đăng nhập bằng password sau đó nhận mã xác thực qua tin nhắn gửi tới số điện thoại đăng ký trước. Yếu tố bảo mật là một trong những thứ được người dùng quan tâm, và đó cũng là một trong những lý do để SMS tồn tại song song với email và các ứng dụng OTT khác. Hiện đã có rất nhiều công ty Internet lớn đang áp dụng biện pháp bảo mật 2 lớp theo yêu cầu khách hàng, ví dụ như Google, Apple, Facebook, Twitter, Dropbox, PayPal và LinkedIn...
5. SMS tồn tại cùng doanh số không nhỏ của dòng điện thoại căn bản
SMS là hình thức thông tin dễ dàng, tiết kiệm và hiệu quả nhất của số đông người thu nhập thấp dùng điện thoại phổ thông. Mặt khác, bộ phận xã hội này còn chưa có đủ trình độ, điều kiện hạ tầng, tài chính... để tiếp cận, sử dụng và sở hữu kết nối Internet có phí. Mà họ cũng chẳng cần quan tâm đến công nghệ viễn thông hay dịch vụ Internet.
Mới đây, Benedic Evans - đối tác của quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz cho biết, những tập đoàn điện tử viễn thông vẫn có động lực lớn để sản xuất, kinh doanh điện thoại "cục gạch" vì số liệu thống kê chỉ ra rằng, trên thế giới hiện còn đến 1 tỷ người chưa sở hữu điện thoại di động. Con số đó cũng vẫn chưa thấm gì so với số lượng thuê bao lớn hơn thế vài lần, đã, đang và sẽ chỉ đủ điều kiện để tiếp tục dùng điện thoại cơ bản. Mà cứu cánh của dòng điện thoại cơ bản vẫn là công nghệ mạng 2G và SMS.
Như vậy, thật là sai lầm khi xem SMS như một thứ công nghệ lạc hậu sắp bị khai tử. Khi nhìn sâu và rộng vào vấn đề, người ta có thể thấy SMS đang đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống con người trên toàn thế giới. SMS kết nối người với người và kết nối các công nghệ hiện đại. SMS sẽ còn tồn tại và phát huy hiệu quả lâu dài, ít nhất là cho đến khi nhân loại tìm ra cách thức trao đổi thông tin khác tốt hơn.

M.N (Theo: thenextweb)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]