5 Sai Lầm Phổ Biến Của Những Nhà Đầu Tư "Non Tay"

Với việc tình hình thị trường chứng khoán đang tốt dần lên, sức hút từ việc đầu tư chứng khoán cũng ngày một mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư tham gia. Nhưng trước khi tham gia vào thị trường đầy hấp dẫn này, các nhà đầu tư cần lưu ý rằng đầu tư chứng khoán bên cạnh những phần thưởng giá trị cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Và để thành công, đòi hỏi bạn phải giữ một cái đầu lạnh và đủ tỉnh táo để tránh măc phải 5 sai lầm dưới đây.

15.579

 

1. Chạy theo đám đông

Bất kỳ ai bước vào thị trường chứng khoán cũng đều thuộc lòng cụm từ “mua thấp, bán cao”. Nhưng thường thì điều thực sự xảy ra trên thị trường lại ngược lại, bởi các mã đầu tư hấp dẫn nhất luôn được báo giới nhắc đến nhiều, khiến các nhà đầu tư nôn nóng và mua vào ở mức giá rất cao sau khi đà đi lên đã gần hết.

Ví dụ như Tesla, công ty sản xuất xe điện nổi tiếng tại Mỹ với giá IPO năm 2010 chỉ là 17 USD/cổ phiếu, trong khi mức giá năm 2013 là 135 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên chỉ trong hai phiên giao dịch ngày 15 và 16/7 năm 2013, Tesla đã mất tới hơn 15% giá trị. Trong khi các nhà đầu tư mua vào sớm vẫn lời lớn thì những ai theo sau sẽ phải chịu tổn thất nặng nề.

Do vậy các nhà đầu tư hãy luôn nhớ rằng, diễn biến của thị trường luôn dịch chuyển theo cả hai hướng, và không nên đưa ra quyết định đầu tư chỉ dựa trên độ “hot” của một mã nào đó.

2. Không chốt lời đúng lúc

Mặt trá của câu “mua thấp, bán cao” mà những nhà đầu tư non trẻ thường quên mất đó là cần phải biết chốt lời khi giá cao. Thường thì một khi đã quá "mê" một mã nào đó đang tăng trưởng tốt, những nhà đầu tư non kinh nghiệm sẽ kỳ vọng rằng nếu mã đó đã tăng được 5% trong năm nay thì nó có thể tăng thêm 50% trong năm tới.

Thật không may, những diễn biến như vậy không nhiều và sẽ an toàn hơn khi bạn giảm bớt lượng cổ phiếu nắm giữ trước khi giá bắt đầu giảm. Ví dụ, nếu bạn bán bớt một nửa số cổ phiếu, bạn đã chốt được một số lời nhất định trong khi vẫn còn khả năng thu thêm lời nếu giá còn tiếp tục tăng. Ngược lại, tổn thất bạn phải chịu sẽ không quá nặng nề.

3. Không chịu cắt lỗ

Ngược lại với trường hợp trên, việc chấp nhận bán đi một khoản đầu tư tồi cũng rất khó khăn. Không ai muốn bị thua lỗ, và người ta thường tự nhủ rằng những đợt sụt giá mạnh này sẽ sớm kết thúc và chỉ cần chờ thêm một chút là giá sẽ phục hồi.

Nếu rơi vào tình trạng này, bạn cần nhớ rằng nếu bạn nắm giữ một cổ phiếu đang lao dốc, và cần phải đợi giá tăng thêm 20% mới hòa vốn, không có quy tắc nào đòi hỏi bạn phải đợi để đạt được 20% đó thay vì chọn một mã chứng khoán khác. Vậy thì tại sao không chuyển hướng dòng vốn? Việc lựa chọn một mã cổ phiếu mới với tương lai tươi sáng hơn thường dễ dàng hơn việc chờ đợi một công ty đã "hấp hối" xoay chuyển được cục diện.

4. Tham lam

Nếu bạn rất tin tưởng vào một khoản đầu tư nào đó, việc đổ nhiều vốn vào đó có vẻ là một ý hay. Nhưng việc cho hết trứng vào một hoặc hai giỏ luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Cần phải luôn đảm bảo sự đa dạng hóa danh mục đầu tư và đừng bao giờ để một mã cổ phiếu nào chiếm nhiều hơn 10% danh mục của mình, cho dù bạn tin tưởng rằng “nó chắc chắn có lời”.

Một canh bạc lớn thường sinh lời lớn nếu nhận định của bạn là đúng, nhưng nó cũng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng nếu điều ngược lại xảy ra. Do đó tốt hơn hết hãy chọn giải pháp an toàn và đa dạng hóa danh mục, cho dù điều đó có nghĩa là bạn không thể đầu tư tất cả vào mã cổ phiếu yêu thích.

5. Tính toán thời điểm gia nhập, rút lui

Có vô số bài viết chỉ ra rằng việc tính toán thời điểm gia nhập khi thị trường đi lên và rút lui khi thị trường nổi sóng gió vừa có lợi nhưng cũng vừa có hại. Khi rút chân ra khỏi thị trường, nhà đầu tư sẽ khó tham gia ngay khi tình hình đảo chiều, nhưng khi vừa “nhảy” vào, rất có thể họ lựa chọn không đúng thời điểm để mua.

Chưa kể đến các khoản phí giao dịch và các khoản thuế thu nhập đánh vào thu nhập từ vốn đầu tư, áp lực nhà đầu tư phải chịu cũng tăng lên. Do vậy, trừ trường hợp không còn lựa chọn khác, hãy là một nhà đầu tư kiên trì, dài hạn thay vì liên tục “nhảy” ra nhày vào thị trường.

Lời kết

Có thể thấy, Những sai lầm lớn nhất các nhà đầu tư non trẻ gặp phải thường là các vấn đề về tâm lý, và một khi nắm rõ những cạm bẫy này và tránh mắc phải chúng, hiệu quả đầu tư của bạn sẽ tăng lên đáng kể.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]