6 Chiến Lược Phân Bổ Tài Sản Hiệu Quả

Phân bổ tài sản sao cho phù hợp là một quá trình liên tục và đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ rủi ro và lợi nhuận của danh mục đầu tư. Hay nói cách khác, danh mục cần phản ánh kịp thời những mục tiêu đầu tư của bạn tại mọi thời điểm.

15.606

Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu một vài chiến lược giúp phân bổ tài sản trong danh mục đầu tư và xem xét phương thức quản trị cơ bản của chúng.

Phân bổ tài sản chiến lược (Strategic Asset Allocation)

Phân bổ tài sản chiến lược gắn liền với một nguyên tắc lập danh mục cơ bản (base policy mix). Đây là sự phân bổ các tài sản theo tỉ lệ dựa trên lợi nhuận kì vọng của từng loại tài sản. Ví dụ, nếu cổ phiếu có lợi suất 10%/năm và trái phiếu là 5%/năm thì một danh mục có 50% cổ phiếu và 50% trái phiếu sẽ cho lợi suất kì vọng là 7.5%/năm.

Phân bổ tài sản tỉ trọng cố định (Constant-Weighting Asset Allocation)

Phương pháp phân bổ tài sản chiến lược thực chất là một chiến lược mua và giữ tài sản, kể cả khi giá trị tài sản thay đổi làm cho danh mục khác đi so với nguyên tắc cơ sở ban đầu. Với cùng lý do này, bạn có thể chọn phương pháp phân bố tài sản tỉ trọng cố định. Với chiến lược này, bạn liên tục tái cân bằng danh mục đầu tư của mình. Ví dụ, nếu một tài sản giảm giá trị, bạn sẽ cần mua thêm tài sản ấy vào danh mục và ngược lại để đảm bảo tỷ lệ giá trị ban đầu.

Không có một quy tắc cụ thể nào xác định thời điểm cho việc tái cân đối danh mục đầu tư trong cả hai phương pháp phân bổ tài sản chiến lược và tỉ trọng cố định. Tuy nhiên, có một cách hay được dùng trong thực tế đó là danh mục nên được tái cân bằng về tỷ lệ ban đầu nếu giá trị của bất kì loại tài sản nào thay đổi quá 5%.

Phân bổ tài sản chiến thuật (Tactical Asset Allocation)

Về lâu dài, phương pháp phân bổ tài sản chiến lược có thể quá cứng nhắc. Do đó, bạn sẽ thấy rằng đôi lúc cần phải thay đổi tỉ lệ danh mục đầu tư một cách chiến thuật trong ngắn hạn nhằm tận dụng những cơ hội đầu tư đặc biệt. Với sự linh hoạt của phương pháp này, bạn có thể tận dụng những dự đoán về xu hướng thị trường và tập trung đầu tư cho nhóm tài sản có lợi trong điều kiện thị trường ấy.

Phân bổ tài sản chiến thuật có thể được coi là một chiến lược đầu tư với sự chủ động vừa phải vì nhà đầu tư sẽ quay trở lại với danh mục đầu tư chiến lược khi đã thu được lợi nhuận ngắn hạn. Phương pháp này yêu cầu một số kỹ năng phân tích bởi vì bạn phải biết cách nhận ra khi nào cơ hội trong ngắn hạn đã qua và tái cân đối danh mục đầu tư về tỉ lệ ban đầu.

Phân bổ tài sản động (Dynamic Asset Allocation) 

Một dạng khác của chiến lược phân bổ tài sản chủ động là phân bổ tài sản động, trong đó bạn liên tục thay đổi thành phần tài sản trong danh mục khi thị trường đi lên hoặc đi xuống và nền kinh tế mạnh lên hoặc yếu đi. Với chiến lược này, bạn sẽ bán các tài sản đang mất giá và mua các tài sản đang lên giá. Nói cách khác, chiến lược phân bổ tài sản động hoàn toàn trái ngược với chiến lược phân bổ tài sản theo tỉ trọng cố định. Ví dụ, nếu thị trường chứng khoán đang có chiều hướng đi xuống, bạn sẽ bán cổ phiếu vì cho rằng thị trường sẽ còn tiếp tục đi xuống, hoặc nếu thị trường đang đi lên thì bạn sẽ mua cổ phiểu vào với kì vọng giá cổ phiếu sẽ còn tiếp tục tăng.

Phân bổ tài sản được bảo hiểm (Insured Asset Allocation)

Với chiến lược phân bổ tài sản được bảo hiểm, bạn sẽ đặt ra một giá trị cơ sở tối thiểu cho danh mục. Miễn là lợi suất của danh mục đầu tư cao hơn mức cơ sở, bạn có thể sử dụng phương pháp quản lí danh mục chủ động để tăng giá trị của nó lên cao nhất có thể. Tuy nhiên, nếu lợi suất rơi xuống mức cơ sở, bạn sẽ đầu tư vào các tài sản không có rủi ro để cố định giá trị cơ sở của danh mục đầu tư. Lúc đó, bạn có thể nhờ chuyên gia tư vấn về cách phân bổ lại tài sản và thậm chí là thay đổi hoàn toàn chiến lược đầu tư của mình.

Bạn có thể thực hiện chiến lược phân bổ tài sản được bảo hiểm theo cách tiếp cận dựa trên công thức (formula approach) hoặc cách tiếp cận bảo hiểm danh mục đầu tư. Cách tiếp cận dựa trên công thức là một chiến lược phân cấp: Khi giá trị danh mục đầu tư giảm, bạn mua vào nhiều tài sản không rủi ro để khi đến khi giá trị danh mục bằng mức giá trị cơ sở, khi đó danh mục của bạn sẽ được đầu tư hoàn toàn vào tài sản không rủi ro. Với cách tiếp cận bảo hiểm danh mục đầu tư, bạn sẽ sử dụng quyền chọn bán hoặc/và hợp đồng tương lai để bảo đảm lượng vốn cơ sở. Cả 2 phương pháp đều được coi là chiến lược quản lí chủ động. Tuy nhiên khi giá trị cơ sở được thoả mãn thì bạn sẽ chuyển sang phương thức quản lí bị động.

Phân bổ tài sản được bảo hiểm sẽ phù hợp với các nhà đầu tư không thích rủi ro và chỉ yêu cầu mức độ chủ động nhất định trong quản lí nhưng đề cao tầm quan trọng của việc thiết lập giá trị sàn cho danh mục đầu tư. Ví dụ, chiến lược phân bổ tài sản được đảm bảo rất phù hợp với một nhà đầu tư muốn đạt được một mức sống tối thiểu khi nghỉ hưu.

Phân bổ tài sản tích hợp (Integrated Asset Allocation) 

Với chiến lược này, khi thiết lập danh mục tài sản bạn sẽ xem xét cả kì vọng về kinh tế và rủi ro. Tất cả các chiến lược được nhắc đến ở trên đều xét đến kì vọng về lợi suất tương lai của thị trường, nhưng không phải tất cả đều quan tâm đến mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư. Phương pháp phân bổ tài sản tích hợp sẽ bao hàm những yếu tố của tất cả các chiến lược phân bổ ở trên, tức là nó sẽ tính đến không chỉ kì vọng mà còn những thay đổi thực tế trên thị trường vốn và mức độ chấp nhận rủi ro của bạn. Phương pháp này là một chiến lược phân bổ tài sản rộng hơn các chiến lược khác, mặc dù nó chỉ sử dụng một trong hai cách: phân bổ động hoặc theo tỉ trọng cố định. Rõ ràng một nhà đầu tư không hề muốn áp dụng cùng một lúc hai chiến lược đối nghịch nhau.

Lời kết

Phân bổ tài sản có thể là một quá trình chủ động ở nhiều mức độ khác nhau hoặc hoàn toàn bị động. Mục tiêu, tuổi tác, kì vọng thị trường và mức độ chấp nhận rủi ro sẽ quyết định việc nhà đầu tư chọn chỉ một chiến lược phân bổ tài sản hay kết hợp các chiến lược khác nhau.

Bài viết này chỉ đưa ra những chỉ dẫn chung nhất về cách một nhà đầu tư phân bố tài sản trong danh mục của mình. Bạn nên biết rằng các chiến lược phân bổ tài sản cần bạn phải có rất nhiều kỹ năng chuyên môn trong việc sử dụng các công cụ để phán đoán và phản ứng với biến động thị trường. Một số người sẽ cho rằng việc dự đoán thị trường một cách chính xác là điều không thể, vì thế hãy chắc chắn rằng chiến lược của bạn không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những sai lầm không lường trước được trong phân tích thị trường.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]