6 điều cần biết về hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch là hệ thống bảo vệ tự nhiên của con người, cơ quan phòng thủ cuối cùng của mỗi người nhằm chống lại sự xâm nhập của bệnh tật.

15.6023

Nếu không có hệ miễn dịch, con người dễ dàng bị các loại vi rus, vi khuẩn và ô nhiễm môi trường tấn công.

Trong hệ miễn dịch, bạch cầu- một thành phần của máu- được xem là tế bào miễn dịch phòng chống bệnh tật hiệu quả nhất. Chúng giúp cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm và các vi khuẩn, virus, ký sinh trùng xâm nhập vào máu.

Khi phát hiện bất cứ sự “xâm nhập” nào, hệ miễn dịch của con người thường tạo ra các kháng nguyên hay các tế bào đặc biệt để tấn công các vi sinh vật lạ thâm nhập cơ thể sống.

Các cuộc tấn công này thành công đối với những cơ thể khỏe mạnh, họ sẽ không bị mắc bệnh, nhưng sẽ thất bại và làm con người bị bệnh đối với những người có sức khỏe yếu hoặc đang suy giảm hệ miễn dịch.

Để bảo vệ sức khỏe của mình, chúng ta không chỉ cần biết mà còn phải hiểu đúng về hệ miễn dịch, cơ quan phòng thủ cuối cùng của mỗi người chống lại bệnh tật.

Con người cần vi trùng để duy trì sức khỏe

Để tiêu hóa thức ăn, cơ thể con người nói chung cần một hệ tiêu hóa tốt. Nhưng để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh chúng ta cần một hệ vi khuẩn đủ mạnh ở đường ruột, đó là những vi khuẩn có ích giúp tiêu hóa thức ăn, biến thức ăn thành các chất dinh dưỡng tạo máu đi nuôi cơ thể, hay những nguồn năng lượng cho con người hoạt động. Đó là những vi khuẩn thân thiện, giúp chúng ta bảo vệ sức khỏe của mình.

Hệ thống miễn dịch của con người thường thích nghi với những kẻ tấn công khác nhau, đó là lý do tại sao loài người chúng ta đã sống sót lâu như vậy. Khi cơ thể chúng ta tiếp xúc với một nguồn bệnh, hệ thống miễn dịch lập tức tấn công nó và lưu giữ thông tin này.

Nếu loại virus này quay trở lại, hệ thống miễn dịch sẽ biết phải làm gì. Có thể thấy trên nhiều mặt bệnh như bệnh sởi, thủy đậu chẳng hạn. Đây là bệnh lành tính, khi đã bị sởi hiếm khi bị mắc lại do cơ thể đã tự tạo được miễn dịch phòng chống căn bệnh này.

Vaccin đầu tiên để phòng bệnh đậu mùa

Vaccin đầu tiên ra đời từ cuối thế kỉ 18, nhưng từ trước đó, con người đã nhận ra tầm quan trọng của miễn dịch. Cha đẻ của vaccin là một bác sĩ người Anh tên là Edward Jenner , ông đã dùng 26 năm của cuộc đời nghiên cứu và tìm ra vaccin phòng chống bệnh đậu mùa, dịch bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao lúc bấy giờ.

Ông đã phát hiện ra việc tiêm máu lấy từ người đã từng mắc bệnh vào người lành sẽ tạo kháng thể phòng căn bệnh cho người đó, đó là cách tạo khả năng miễn dịch sơ khai nhất của vaccin. Thậm chí ông Edward Jenner còn không ngần ngại tiêm cho chính con trai 10 tháng tuổi của mình để phòng chống bệnh dịch.

Một mối quan hệ lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, những người có mối quan hệ lành mạnh và hài lòng với bạn tình có thể làm tăng cường hệ miễn dịch. Những khoảnh khắc thú vị và chia sẻ với nhau trong cuộc sống giúp con người tăng sản xuất endorphins, một loại hormone giúp cơ thể giảm đau, thư giãn, thậm chí nó được chứng minh giúp cải thiện khả năng kháng bệnh của hệ thống miễn dịch của con người.

Tuy nhiên không phải người nào sinh ra cũng có khả năng miễn dịch như nhau với bệnh tật. Một trong những loại bệnh gây suy giảm miễn dịch trầm trọng (SCID) xuất hiện ở khoảng 1/100.000 người, thường làm bệnh nhân không có sức đề kháng, dễ bị nhiễm trùng đặc biệt xuất hiện ngay từ lúc sinh ra.

Nếu không có hệ miễn dịch đủ khỏe mạnh, những người mắc SCID thường bị “tấn công” và “đánh gục” bởi những nhiễm trùng có khả năng đe dọa tính mạng như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu.

Thiếu ngủ ảnh hưởng xấu đến hệ miễn dịch

Hệ thống miễn dịch của bạn cần phải khỏe mạnh để có thể tránh mắc các bệnh thông thường, bệnh do thời tiết, khí hậu gây ra như cảm lạnh, cảm cúm và nhiều bệnh khác. Những nghiên cứu khoa học cho thấy, thiếu ngủ làm giảm thiểu chức năng phòng vệ, giảm sự gia tăng của tế bào T (một loại tế bào máu) ngăn chặn nhiễm trùng của cơ thể.

Ngay cả khi có một giấc ngủ đêm không đủ, ngủ chập chờn cũng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch vì khi cơ thể không được hồi phục đầy đủ qua giấc ngủ sẽ làm mất cân bằng giữa số lượng các tế bào chết đi và tế bào sinh ra gây sự suy yếu của cả hệ thống miễn dịch, từ đó làm cơ thể dễ mắc bệnh.

Bảo vệ tuyến thượng thận là bảo vệ hệ miễn dịch

Tuyến thượng thận nằm phía trên 2 quả thận, tiết ra hormon cân bằng cơ thể như cortisol và adrenaline, đây là 2 hormon đóng vai trò quan trọng trong giảm stress, điều khiển hoạt động của hệ miễn dịch.

Đặc biệt đây là 2 loại hormon tham gia hàn gắn các mô tế bào sau chấn thương hoặc viêm nhiễm. Nếu tuyến thượng thận suy giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Nguyên nhân dẫn đến suy giảm tuyến thượng thận ngoài nguyên nhân từ thận, các bệnh tự miễn, dùng thuốc... còn có một số nhóm đối tượng dễ mắc bệnh như nhóm người quá năng động, sống ganh đua, bị stress kéo dài....

Bổ sung rau và trái cây để duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh

Rau và trái cây là những thực phẩm hàng đầu và là lựa chọn đầu tiên của các chuyên gia dinh dưỡng nhằm tăng hệ miễn dịch cho cơ thể. Các nghiên cứu đã chỉ ra những người ăn thường xuyên rau và trái cây trong khẩu phần ăn của mình thường ít mắc bệnh hơn nhóm đối tượng khác. Các chất dinh dưỡng từ trái cây và rau là nguồn bổ sung tích cực cho hệ miễn dịch khỏe mạnh, giúp cơ thể chống lại virus hay vi khuẩn xâm nhập.

Theo Nguyễn Bạch Dương - Sức khỏe và Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]