60 ngàn m2 'đất vàng' bên sông Hàn: Không nên phân lô làm đất ở

Khu đất hơn 60 ngàn m2 bên bờ sông Hàn tại đường 2/9 thuộc Tổng Cty Sông Thu (đã di dời, thuộc Bộ Quốc phòng), là dự án Khu phức hợp thương mại dịch vụ Bình Hiên - Bình Thuận, đã được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất dịch vụ thương mại sang đất ở đô thị và “phân lô”.

31.2051

Một lần nữa, giới chuyên gia, kiến trúc sư lại phải đứng ngoài cuộc.

“Sông Hàn là tài sản vô giá của Đà Nẵng, cớ sao lại phân lô, làm đất ở đô thị? Chúng tôi không hề nhận được quy hoạch này để có cớ phản biện”- KTS Hoàng Quang Huy - Chủ tịch Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng, cho biết.

Phân lô -  sẽ phá vỡ cảnh quan

Theo KTS Hoàng Quang Huy, nếu bố trí xây cao ốc cùng việc chia nhỏ từng lô đất, bố trí dân cư vào ở thì vệt đô thị bên sông Hàn đoạn này sẽ thay đổi theo hướng tiêu cực.

Nếu phân lô, thì phải phân thành lô lớn, giao nhà đầu tư đủ tâm, tầm khai thác công năng là các công trình công cộng, văn hóa. Sông Hàn là tài sản vô giá, du khách đến dạo hai bên bờ sông để giao lưu, ngắm cảnh.

Tuyệt đối không thể chia lô làm đất ở cho dân.

“Thử tưởng tượng, ngay bên bờ sông Hàn mà mọc lên khu dân cư hoặc chung cư chẳng hạn, ai cấm dân phơi áo quần, ai cấm được những sinh hoạt thường ngày. Rất là lộn xộn” - KTS Hoàng Quang Huy phân tích.

Một KTS (giấu tên) cho rằng, cái gì đã liên quan đến sông Hàn hoặc hai bên bờ sông Hàn cũng cần cẩn thận, kỹ lưỡng. Phương án quy hoạch này đáng lẽ phải tham khảo nhiều và đưa ra các cấp có thẩm quyền quyết định.

Kiến nghị vô vọng?

Được biết, sắp tới Hội Quy hoạch TP Đà Nẵng sẽ có văn bản chính thức gửi đến UBND thành phố cùng các sở ngành liên quan việc không đồng tình với quy hoạch khu đất của Khu phức hợp thương mại dịch vụ Bình Hiên - Bình Thuận.

Tuy nhiên, ông Huy cũng cho hay, lãnh đạo Hội cũng không kỳ vọng gì nhiều vì từ trước đến nay, những ý kiến bằng văn bản phản biện của Hội đều ít khi được phản hồi hoặc tiếp thu.

Ông Nguyễn Điểu - Giám đốc Sở TN&MT thành phố, cho hay: Sau khi cắt một phần khu đất của dự án (khoảng 10 ngàn m2) ra để đầu tư công viên (đoạn đầu cầu Trần Thị Lý) thì khu đất thực tế của dự án chỉ còn trên dưới 50 ngàn m2.

“Về bản chất thì khu đất đó là của người ta (tức Bộ Quốc phòng - PV) quản lý. Nay họ đầu tư thì cũng là chuyện bình thường.

Hiện Sở TN&MT đang thu thập hồ sơ, đề xuất giá đất cụ thể ở khu đất để báo cáo. Nếu chuyển đổi mục đích sử dụng từ thương mại dịch vụ sang đất ở đô thị, chênh nhau khoảng 30%”, ông Điểu nói.

UBND thành phố Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Bộ Quốc phòng hỗ trợ khoảng 600 tỷ đồng, trong đó có khoảng 300 tỷ đồng chi trả phần thành phố tạm ứng cho dự án.

Cụ thể, hoàn trả số tiền thành phố đã cấp cho Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 (nay là Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố) để tạm ứng kinh phí đền bù cho Tổng Cty Sông Thu là 100 tỷ đồng; hoàn trả cho thành phố kinh phí xây dựng hạ tầng và bờ kè để có được mặt bằng dự án nêu trên là 200 tỷ đồng.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]