7 bí mật thành công của Facebook

Ra đời muộn hơn nhiều mạng xã hội lớn như MySpace, Friendsters, song Facebook đã nhanh chóng vượt lên và trở thành mạng xã hội số một thế giới hiện nay, cái tên "nóng" nhất trên phố Wall tại thời điểm này với giá trị thị trường bằng đúng một nửa so với đại gia tìm kiếm Google. Điều gì đã làm nên sự thành công ngoạn mục này? Business Insider đã chỉ ra 7 chìa khóa bí mật giúp Facebook có được vị thế của ngày hôm nay.

15.606

1. Tốc chiến tốc thắng

Mark Zuckerberg đã phát triển phiên bản sơ khai của Facebook trong những lúc rảnh rỗi tại ký túc xá Đại học Harvard.
Anh ta không hề soạn một kế hoạch kinh doanh.
Anh ta cũng không liên tục hỏi bạn bè và các cố vấn xem họ nghĩ gì về ý tưởng đó.
Anh ta không “nghiên cứu thị trường”, đệ đơn xin cấp bằng sáng chế hay thương hiệu hay làm bất cứ công việc gì mà một doanh nhân thường làm.
Anh ta chỉ gây dựng một sản phẩm thú vị chóng vánh hết mức có thể và phát hành nó cũng chóng vánh không kém.

2. Ý tưởng ai cũng có, quan trọng là thực thi

Ngay từ thời điểm Facebook chính thức khai trương, một cuộc khẩu chiến quyết liệt đã bùng nổ về việc ai là tác giả của ý tưởng này.
Hai sinh viên Harvard lớp trên khẳng định đó là ý tưởng của họ và đã bị Mark Zuckerberg “nẫng mất”.
Từ cuộc khẩu chiến này đã dắt dây đến một cuộc chiến pháp lý kéo dài gần một thập kỷ.

Thế nhưng cần biết rằng, bên ngoài thế giới của Harvard, chắc cũng không dưới vài chục doanh nhân khởi nghiệp nung nấu ý tưởng tương tự. Chắc hẳn nhiều người trong số họ cũng đã cố gắng triển khai ý tưởng của mình. Thế nhưng ngày nay, chúng ta chỉ có duy nhất một Facebook. Vì sao lại như vậy?

Vì ý tưởng thì ai cũng có thể nảy ra. Nhưng quan trọng là làm sao để biến chúng thành hiện thực. Đừng tốn thời gian tự ăn mừng vì đã có một ý tưởng hay. Hãy xắn tay lên mà hiện thực hóa nó thì hơn.

3. Giữ cho mọi thứ đơn giản

Rất nhiều công ty quá tham lam, muốn ôm đồm đủ mọi tính năng hấp dẫn mà họ có thể nghĩ được vào trong sản phẩm của mình. Kết quả là họ tạo ra một sản phẩm quá mức phức tạp, tới mức người dùng không tài nào hình dung nổi cách sử dụng chúng.

Hoặc giả họ mất quá nhiều thời gian để phát triển sản phẩm, nên đến thời điểm có được thành quả thì thị trường đã tiến tới tận đâu đâu.
Phiên bản đầu tiên của “thefacebook” phải nói là hết sức đơn giản. Và rồi Zuckerberg cùng êkip Facebook đã liên tục cải tiến sản phẩm ấy theo thời gian. Nhưng có một nguyên tắc mà họ không bao giờ quên: luôn đảm bảo rằng dịch vụ này vẫn phải sử dụng dễ dàng.

4. Hình dung ra những thứ có thể tiêu diệt mình và đảm bảo là chúng không xảy ra

Trên thực tế, Facebook không phải là mạng xã hội đầu tiên xuất hiện.
Khá nhiều mạng riêng của các trường đại học đã đi vào hoạt động trước thời điểm năm 2004 khi Facebook ra mắt, trong số đó có của Đại học Columbia và Stanford. Còn ngoài thế giới thực, Friendster và MySpace đang làm mưa làm gió khắp nơi.

Nhưng rồi Friendster đã tự đẩy mình vào chỗ chết khi không hạn chế người dùng trước khi cơ sở hạ tầng đủ mạnh để hỗ trợ toàn bộ hệ thống. Nhu cầu truy cập Friendster quá lớn và căng thẳng tới mức dịch vụ này gần như bò lê từng centimet. Một năm sau, khi Friendster khắc phục được hạ tầng, hầu hết người dùng tại Mỹ đã chuyển sang các mạng khác.

Ngược lại, khi Facebook và các đồng sáng lập khai trương Facebook, họ kiểm soát việc đăng ký thành viên mới rất cẩn thận. Mỗi thời điểm họ chỉ “add” thêm một trường và chờ cho đến khi chắc chắn rằng hạ tầng của mình có thể đảm đương được. Nhờ đó, Facebook luôn “chạy tốt”.

5. Tập trung vào sản phẩm, không phải “kinh doanh” hay “giá trị của cổ đông”

Mark Zuckerberg nổi tiếng là không quan tâm đến khía cạnh kinh doanh của Facebook thời kỳ đầu. Toàn bộ năng lượng của mình anh ta đã dồn cả vào Facebook.

Nỗi ám ảnh về sản phẩm đi xa tới mức Zuckerberg liên tiếp từ chối các khách hàng quảng cáo, bởi anh ta không muốn quảng cáo nhấn chìm dịch vụ của mình. Quảng cáo không hấp dẫn, và Zuckerberg thì muốn Facebook phải thật hấp dẫn, sành điệu.

Khi Facebook phát triển và lớn mạnh, Zuckerberg vẫn nhất quyết tập trung vào sản phẩm và dịch vụ. Anh ta tuyển hai quan chức kỳ cựu là Sheryl Sandberg và David Ebersman về phụ trách công việc kinh doanh và tài chính cho công ty.

Trước khi Facebook chuẩn bị IPO, Zuckerberg có viết một lá thư gửi các cổ đông, trong đó tuyên bố dựđịnh của hãng là vẫn tập trung trước hết cho các sứ mệnh xã hội, thứ đến mới là kinh doanh. Đây quả là một sự thách thức phố Wall, bởi từ góc nhìn của thị trường chứng khoán, mọi công ty đều phải tập trung nỗ lực vào việc mang đến giá trị cho các cổ đông.

6. Tuyển dụng giỏi và sa thải còn giỏi hơn

Sức mạnh của một công ty không chỉ nằm ở những công nghệ hay sản phẩm mà nó nằm trong tay. Nó còn nằm (rất nhiều) ở nhân sự.
Ngay cả Steve Jobs cũng phải thừa nhận rằng không ai có thể làm mọi việc một mình. Nếu như bạn muốn gây dựng một công ty thành công, bạn cần phải gây dựng một đội ngũ nhân sự tuyệt vời trước đó. Và điều đó có nghĩa là: bạn phải tuyển dụng cũng như sa thải một cách khôn ngoan.

Tuyển dụng tốt thì đã đành là dễ hiểu. Nhưng còn sa thải giỏi? Trước hết, dù cho có cẩn thận đến đâu, cũng có lúc bạn mắc phải sai lầm khi tuyển dụng. Khi ấy, điều cần làm là nhanh chóng sửa sai.Thứ hai, khi hãng tăng trưởng nhanh, sẽ có nhiều quan chức từ thời kỳ đầu bị “khớp” và không còn đủ năng lực để điều hành. Đó là lúc bạn cần phải thay thế họ.

Thực tế đã cho thấy Facebook làm cả hai công việc này đều xuất sắc.

7. Vun đắp tình cảm với những cố vấn tài giỏi và học hỏi mọi thứ từ họ

Tài lãnh đạo và quản lý đều là những kỹ năng sống còn. Cũng có nghĩa, bạn có thể (và buộc phải) học chúng.
Có thể nói, kỹ năng làm CEO của Mark Zuckerberg – dù hiện tại là rất “đỉnh” – nhưng thực tế cũng là từ học mà có. Thời kỳ đầu của Facebook, Zuckerberg là một nhà lãnh đạo ghê gớm tới mức một trong các quan chức dưới quyền từng phải kéo anh ta ra một góc để phàn nàn rằng: Zuckerberg cần “học cách làm CEO”.

Từ đó trở đi, Zuckerberg đã chuyên tâm học hỏi nhiều nhất và nhanh nhất có thể. Anh ta đã vun đắp tình cảm thân thiết với một nhóm các nhà cố vấn cấp cao, trong số này có nhiều doanh nhân, nhà đầu tư và quan chức tài giỏi nhất nước Mỹ. Có thể kể đến những cái tên như Steve Jobs, nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen, nhà đầu tư Peter Thiel, Jim Breyer của Accel Partners, Warren Buffett… cùng nhiều tên tuổi khác. Zuckerberg đã học được rất nhiều từ các bậc tiền bối này, cũng như từ những nhà lãnh đạo mà anh ta mời về làm việc tại Facebook. Dần dà, Zuckerberg trở thành một vị lãnh đạo xuất sắc.

Không ai có thể đưa ra được mọi câu trả lời. Nhưng càng có nhiều người tài vây quanh bạn, khả năng bạn tiếp cận được với câu trả lời đúng đắn là càng cao.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]