1. Thương hiệu đồng hồ nào là tốt nhất?

Có lẽ đây là một trong những câu hỏi phổ biến nhất và là câu hỏi khó nhất. Ngay cả đến những chuyên gia về đồng hồ cũng không thể khẳng định được rằng thương hiệu nào là tốt nhất hiện nay. Vậy nên quý vị hãy khoan bối rối bởi câu hỏi này và tiếp tục tham khảo thêm các nguồn để có được những kiến thức cơ bản trước khi quyết định tìm hiểu sâu  hơn về thương hiệu nào đó.

2. Có những loại đồng hồ nào?

Một số loại đồng hồ phổ biến hiện nay:

- Đồng hồ cơ: có 2 loại lên dây hoặc tự động.

+ Đồng hồ lên dây yêu cầu khi sử dụng phải vặn dây cót, thông thường mỗi lẫn lên dây dùng được khoảng 40- 80 giờ, thời gian hoạt động có thể lâu hoặc ít hơn tùy vào loại đồng hồ.
 Arnold & Son HMS1 (bên phải) vàng hồng với thời gian dự trữ năng lượng lên đến 90 giờ

+ Đồng hồ tự động: có 1 trục tự động xoay khi đồng hồ chuyển động theo cổ tay người dùng. Điều đó giúp chiếc đồng hồ dự trữ năng lượng và tự động chạy mà không cần lên cót.

- Đồng hồ quartz (thạch anh): chạy bằng pin.

- Đồng hồ điện tử (đồng hồ kỹ thuật số): có mặt hiển thị con số điện tử và chạy bằng pin.

Mỗi loại đồng hồ đều có ưu và nhược điểm riêng, lựa chọn sẽ theo sở thích và cá tính của người dùng.

3. Tại sao đồng hồ cơ lại đắt?

Đồng hồ cơ đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ hơn nên cần đến kinh nghiệm và tay nghề của các thợ sản xuất đồng hồ; cả hai thứ này đều không rẻ.

Nguyên liệu làm đồng hồ cơ (vàng, đá quý, các kim loại đặc biệt) thường đắt tiền; chế độ bảo hành phức tạp do có nhiều chi tiết; đồng thời hệ thống phân phối với số lượng ít hơn cũng là một lý do khiến đồng hồ cơ trở nên đắt.

4. Một số tên gọi về các chức năng của đồng hồ cơ?

Ngoài chức năng xem giờ, ngày tháng thông thường các nghệ nhân đồng hồ đã tích hợp thêm nhiều tính năng độc đáo:

- Self winding (automatic): chức năng lên dây tự động khi cổ tay chuyển động
 Corum Admiral\'s Cup 42 Tourbillon Microrotor với động cơ tự động

- World time: có thể hiển thị múi giờ của nhiều nơi trên thế giới

- Chronograph: bấm giờ thể thao, đặc biệt Split second chronograph có 2 kim bấm giờ thể thao

- Annual calendar: có thể tính đúng được số ngày trong tháng. Ví dụ: tháng 5 có 31 ngày, tháng 6 có 30 ngày.

- Perpeptual calendar: lịch vạn niên tính được cả năm nhuận, chỉ sai số 122 năm/1 lần. Ví dụ: tính được 4 năm có 1 ngày 29/2.

- Minute repeater: Điểm chuông tuỳ theo điều chỉnh.

Đồng thời một số loại đồng hồ cơ còn được tích hợp thêm cỗ máy tourbillon giúp cân bằng trọng lực của trái đất, tránh được sai lệch về thời gian.

5. Nên mua đồng hồ làm bằng chất liệu gì?

Các hãng đồng hồ đang hướng tới sự thoải mái và sang trọng, họ sử dụng cả những vật liệu truyền thống cũng như những loại chưa bao giờ nghe thấy trước đó. Những chất liệu truyền thống như vàng, thép không gỉ vấn được sử dụng phổ biến. Trong khi đó những thương hiệu lớn liên tục làm mới với các chất liệu lạ, độc như Titanium, Bạch kim, Gốm, sợi Carbon… Mỗi vật liệu đều có những đặc tính riêng của chúng.
Corum Golden Bridge phiên bản vỏ Ceramic
Đừng ngại hỏi các chuyên gia và cho họ biết dự định sẽ đeo chiếc đồng hồ mong muốn ở những hoàn cảnh, thời điểm cũng như yêu cầu về giá cả như thế nào. Những thông tin này sẽ giúp họ chọn cho bạn chất liệu phù hợp nhất.

6. Nên chọn dây đeo bằng chất liệu gì?

Trước khi chọn mua dây đồng hồ, quý vị hãy theo dõi để nắm được những chất liệu nào có khả năng gây dị ứng cho bản thân. Có 3 loại dây đeo thông dụng như sau:

- Dây kim loại: Có thể là vàng, bạch kim hoặc thép không gỉ…. Những loại dây đeo này trông sẽ rất khỏe khoắn và bền.

- Dây da: Dây da màu sắc dạng color-block mang tính thời trang trong khi những màu trầm ấm hơn đặc biệt phù hợp cho những bữa tiệc bởi vẻ thanh lịch vốn có. Dây da tiện lợi bởi nó dễ điều chỉnh cho vừa với cổ tay chủ nhân. Tuy nhiên, dây da có thể bị tác động bởi thời tiết nóng ẩm hoặc mồ hôi tay khiến bị cũ đi. Đây cũng là lúc quý vị có thể làm mới diện mạo chiếc đồng hồ bằng cách thay một chiếc dây mới.

- Dây cao su: Cao su cao cấp đang là một xu hướng được các nhà chế tác xa xỉ ưa chuộng trên thế giới. Với các đặc điểm bền, không gây dị ứng, dễ dàng vệ sinh, nhiều màu sắc…đây sẽ là sự lựa chọn chính xác cho những người đam mê thể thao và các hoạt động khác.
C.Ronaldo chọn chiếc Corum Admiral’s cup Challenger 44 Chrono phiên bản Limited Edition  

7. Khả năng chịu nước ra sao?

Các thiết kế chỉ có thể ngăn nước lọt vào bên trong đồng hồ chứ không thể nào đảm bảo đồng hồ vẫn chạy khi máy đã bị nhiễm nước. Đơn vị đo chỉ số chống nước in hoặc khắc trên đồng hồ là M (mét). Các ký hiệu khác có thể gặp là BAR hoặc ATM (chỉ áp suất trong nước mà đồng hồ đeo tay chịu được). Mỗi BAR hay ATM tương đương với 10M.

10M: ở mức độ này chiếc đồng hồ chịu được các tác động như nước bắn vào, mồ hôi hoặc nhúng nhanh trong nước.

30M: Có thể đi trong mưa, ngâm thời gian ngắn trong nước. Tuy nhiên không nên dùng khi bơi lội hoặc tắm.

50M: Đeo được lúc bơi bình thường.

100M: Thích hợp cho việc lướt sóng, bơi lội, chèo thuyền và thể thao dưới nước, nhưng không phù hợp với việc lặn.

200M: Bạn có thể lặn đến độ sâu không quá 40M.

1.000M: Chỉ có ở đồng hồ lặn chuyên nghiệp.

10.000M: Không bao giờ có loại đồng hồ chịu nước sâu đến thế.

8. Pin đồng hồ dùng được bao lâu?

Đối với các loại đồng hồ chạy pin, một viên pin thông thường có thể dùng được từ 1 đến 2 năm, cá biệt có những loại dùng được từ 5-7 năm.

Theo Frost team