8 Chiến Lược Hiệu Quả Cho Các Nhà Đầu Tư (Phần II)

Tiếp nối phần I, bài viết dưới đây xin giới thiệu 4 chiến lược đầu tư hữu ích vào cổ phiếu tăng trưởng, cổ phiếu của công ty, ngành nghề quen thuộc, cổ phiếu bluechips hay đầu tư giá trị. Các nhà đầu tư có thể tham khảo và áp dụng những chiến lược này để có thể thu nhận được hiệu quả cao nhất.

15.5967

5. Mua cổ phiếu tăng trưởng

Cổ phiếu tăng trưởng là cổ phiếu của những công ty có doanh số, thu nhập và thị phần đang tăng với tốc độ nhanh hơn bình quân trong vài năm qua và người ta mong rằng nó còn tiếp tục chứng tỏ mức tăng trưởng lợi nhuận cao. Các công ty này thường quan tâm đến việc mở rộng nghiên cứu và phát triển cho nên phần lớn lợi nhuận được giữ lại để tái đầu tư. Do vậy, cổ tức thường thấp. Tuy nhiên, tìm ra và chọn được một cổ phiếu tăng trưởng không phi là việc ai cũng làm được. Nó đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn và khả năng phân tích thị trường.

Các công ty tăng trưởng thường là những công ty có sản phẩm hoặc dịch vụ tân tiến, có khả năng nắm bắt và đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu và mới mẻ của xã hội (lĩnh vực tiêu dùng, công nghệ cao và sinh học…).

Thông thường, các công ty tăng trưởng có tỷ số P/E cao; vốn cổ phần lớn hơn hoặc bằng tổng nợ; tăng trưởng đều đặn, không ngừng trong thu nhập tính theo đầu cổ phiếu ít nhất là 10%/năm.

Một số nghiên cứu cho thấy, những công ty đã từng đạt mức thu nhập thực tế cao hơn mức thu nhập dự đoán thì có nhiều khả năng sẽ lặp lại được thành tích đó trong tương lai. Phần thưởng dành cho các nhà đầu tư cổ phiếu tăng trưởng rất hấp dẫn. Nhiều người đã làm giàu nhờ biết lưu giữ những cổ phiếu tăng trưởng đích thực trong một thời gian dài.

Một nguy hiểm lớn cho những người đầu tư cổ phiếu tăng trưởng là chạy theo mốt nhất thời. Khi công ty có một sản phẩm hay dịch vụ mới, họ cho rằng nó có khả năng tăng trưởng mạnh và cứ hỏi mua cổ phiếu đó với giá cao. Tuy đó là những cổ phiếu tốt nhưng được đánh giá quá cao sẽ có phản tác dụng và trong trường hợp đó nhà đầu tư không kịp thanh toán sẽ bị lỗ nặng. Do đó, cần phân biệt tăng trưởng dài hạn với bộc phát tức thời. Các nhà đầu tư cổ phiếu tăng trưởng phải biết cách nhìn vượt lên trên các biến chuyển giá cả trong ngắn hạn của chứng khoán, từ chối dứt khoát việc trả giá quá cao cho sự tăng trưởng. Mức giá hợp lý để mua cổ phiếu tăng trưởng là khi PEG nhỏ hơn 1 (P/E chia cho tốc độ tăng trưởng dự đoán G).

Mục tiêu của cổ phiếu tăng trưởng nên được xem xét đánh giá hàng năm, hàng quý, thậm chí là hàng tháng. Tuy nhiên, khi đánh giá hàng tháng, nhà đầu tư cần tránh phản ứng quá nhạy cảm và bán cổ phiếu ra quá sớm khi nhận thấy sự sút giảm mức độ tăng trưởng.

6. Đầu tư giá trị

Đầu tư giá trị là việc tìm kiếm các cổ phiếu có giá thị trường thấp hơn giá trị của nó và có triển vọng trong tương lai. Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể không đồng ý được với nhau thế nào là một cổ phiếu bị đánh giá thấp hơn giá trị thực của nó. Theo hai giáo sư của Đại học Columbia là Benjamin Graham và David Dodd thì chúng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn sau:

  1. Giá trị kế toán của một cổ phần thấp hơn giá thị trường của nó.
  2. Giá cổ phần bằng hoặc thấp hơn 50 lần thu nhập đầu cổ phần chia cho lãi suất của trái phiếu công ty loaại AAA tính theo số nguyên.
  3. Giá cổ phần bằng hoặc thấp hơn 150 lần tỷ lệ lợi tức cổ phần chia cho lãi suất của trái phiếu công ty loại AAA.

Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng áp dụng cứng nhắc theo những tiêu chuẩn này. Việc tìm ra các cổ phiếu đang bị thị trường đánh giá thấp là một công việc hết sức khó khăn, tốn nhiều thời gian nghiên cứu. Trong một số giai đoạn nào đó của chu kỳ thị trường, các cổ phiếu “giá trị” gần như không ai được biết đến. Thay và đó, người ta chỉ chú ý đến những công ty tăng nhanh lợi nhuận, hoặc những công ty có công nghệ mới, hoặc những công ty tỏ ra năng động hơn.

Cũng giống như đầu tư vào cổ phiếu tăng trưởng, đầu tư giá trị cũng phải rất kiên nhẫn. Nhà đầu tư giá trị phải chờ thị trường thừa nhận là đã đánh giá thấp cổ phiếu của họ và sẽ trả giá cao hơn cho những cổ phần đó.

Một số nguyên tắc khi thực hiện chiến lược này:

  • Không nhằm vào những cổ phiếu được ưa chuộng và không đưa ra những phán đoán mạo hiểm về tốc độ tăng trưởng của công ty trong tương lai.
  • Tỷ số giá cả/giá trị sổ sách nhỏ hơn 2,5.
  • Lợi suất cổ tức cao và nhất quán.
  • Tỷ số P/E thấp.
  • Tốc độ tăng trưởng trung bình 7% (bởi cổ phiếu của các công ty có tốc độ tăng trưởng cao sẽ giảm giá rất mạnh khi có sự giảm sút về lợi nhuận).
  • Mức vốn hoá của công ty thấp.
  • Công ty có khối lượng tiền mặt dồi dào và đang gia tăng.
  • Hệ số thanh toán hiện tại bằng 2.
  • Bán dần lượng cổ phiếu nắm giữ khi đã đem lại 70% lợi nhuận mong đợi trong khoảng 3 năm trở lại kể từ lúc mua.
  • Bán khi thị trường tăng giá, và mua khi thị trường giảm giá. Nghĩa là mua khi các nhà đầu tư khác ghét bỏ và bán khi hầu hết các nhà đầu tư bắt đầu trở lên yêu thích cổ phiếu đó.

7. Mua cổ phiếu của những công ty quen thuộc, lĩnh vực quen thuộc

Cổ phiếu của những công ty quen thuộc, lĩnh vực quen thuộc là cổ phiếu của các công ty thường xuyên được tiếp xúc, được quan sát hay đơn giản là sản phẩm của công ty đó được nhà đầu tư thường xuyên mua. Cũng có khi chỉ vì thích sản phẩm của công ty đó hoặc do ảnh hưởng bởi danh tiếng hay mối quan hệ quen biết mà họ quyết định đầu tư vào công ty đó. Đây có thể là một sự khởi đầu tốt nhưng cần phải biết kỹ hơn về công ty dự định sẽ đầu tư.

Điểm hạn chế của chiến lược này là sự chủ quan, chỉ nhắm vào các khía cạnh phiến diện về công cuộc kinh doanh của công ty mà thôi. Và nó hạn chế nhà đầu tư vào một hoặc hai ngành nghề. Đầu tư theo chiến lược này đòi hỏi sự nhạy bén trước các sự kiện mới mẻ. Nhiều công ty có vẻ xa lạ nhưng nếu chịu khó tìm hiểu thì có thể thấy đó thực sự là một cổ phiếu tốt đáng để khai thác. Qua việc nghiên cứu, cảm nhận riêng về một loại cổ phiếu có thể được xác nhận hay bị bác bỏ. Điều này sẽ giúp cho các nhà đầu tư tiết kiệm được rất nhiều.

8. Mua cổ phiếu thượng đẳng

Cổ phiếu thượng đẳng (blue chips) là cổ phiếu của các công ty lớn có tiếng tăm, tiềm lực tài chính mạnh, thành tích kinh doanh vững chắc, lợi nhuận ổn định. Việc nắm giữ cổ phiếu này sẽ giảm thiểu yếu tố rủi ro, ngay cả trong thời kỳ suy thoái hay khủng hoảng kinh tế, nhưng thành tích của nó hiếm khi nổi bật. Chiến lược này phù hợp với những nhà đầu tư ngại rủi ro và muốn có thu nhập đều đặn.

Mời các bạn đọc phần I của bài viết: 8 Chiến Lược Hiệu Quả Cho Các Nhà Đầu Tư (Phần I)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]