9 bài thuốc chữa bệnh từ bí đao

Bí đao thuộc họ bầu bí, Đông y gọi là đông qua, có vị ngọt, tính hàn, vào các kinh phế, vị, bàng quang, tiểu tràng, không có độc tính.

0
Bí đao là một thức ăn được y văn kim cổ ca tụng nhiều về công năng lợi tiểu, tiêu thũng, tháo nước trong toàn thân, ngoài ra bằng kinh nghiệm qua nhiều thế hệ đúc kết lại bí đao còn chữa nhiều bệnh khác  nữa.

Bí đao dễ bảo quản, có thể bảo quản để dành cho thời gian trái vụ, dạng thái lát, phơi khô hay tán thành bột và còn chế thành nước (đông qua thủy). Bộ phận nào của bí đao cũng đều sử dụng được, có thể cung cấp cho ta thức ăn ngon mát bổ dưỡng dưới dạng khô (xào thịt), nước (luộc, nấu canh tôm).



Bí đao còn có tên là bí xanh, thuộc họ bầu bí, Đông y  gọi là đông qua, có vị ngọt, tính hàn, vào các kinh phế, vị, bàng quang, tiểu tràng, không có độc tính.tác dụng kiện tỳ, ích khí, tiêu thủy. Trường kỳ ăn bí đao có thể tiêu trừ nước thừa trong cơ thể, giảm cân, chống béo phì. Bí đao thích hợp cho người bị khí hư tỳ yếu, béo bệu, phù thũng cục bộ hoặc toàn thân. Bí đao  được ghi trong các phương thuốc bí truyền làm đẹp của các mỹ nhân, cung phi, ngoài ra bí đao có tác dụng giải khát, thanh tâm hư nhiệt phiền, tiêu úng thủy trướng và lợi thủy.

Sau đây là một số cách dùng bí đao để chữa bệnh theo dân gian:

Phòng chữa bệnh mùa hè: nắng nóng, nồm ẩm gây nhiều  mệt mỏi uể oải, thân thể nặng nề, đau đầu, nước tiểu vàng, miệng đắng, ăn không tiêu, có thể bị trúng thử (cảm nắng, cảm thử), thường dùng bí đao để nấu canh các loại như canh bí đao với tôm nõn, canh bí đao nấu sườn lợn...

Bí đao có tác dụng trị những bệnh thủy thũng, tiết niệu sinh dục (đái rắt, đái buốt, đái không thông, đái đục).


Các bài thuốc thường dùng:

Bài 1: Trị bệnh phù, đi tiểu ít do viêm thận cấp tính: Dùng 500g bí đao cả vỏ và hạt, 100g đậu đỏ, cho nước đun thành canh, uống nước canh ăn đậu, mỗi ngày 2 lần sẽ lợi tiểu tiêu phù.

Bài 2: Trị bệnh thủy thũng do viêm thận mạn tính: Mỗi ngày dùng 30-50g râu ngô, 500g bí đao cả vỏ (rửa sạch thái miếng) cho vào 1.500ml nước đun nhỏ lửa 30 phút, chắt lấy nước chia làm 2 lần uống nóng, uống liên tục trong 10 ngày, ngừng 3 ngày sau đó uống tiếp, nếu  có hiệu quả thì uống thời gian dài càng tốt.

Bài 3: Trị thủy thũng khi mang thai: 500g bí đao, 200g cá chép làm sạch, đun lên ăn.

Bài 4: Trị bụng trướng; 500g bí đao cả vỏ và hạt, không bỏ muối, đổ nước đun chín ăn.

Bài 5: Trị bệnh phù không rõ nguyên nhân, đi đái rắt: Dùng 500g bí đao cả vỏ, hạt, 125g phục linh cả vỏ, 125g ý dĩ, đổ nước đun nhỏ lửa, khi chín ăn bí, phục linh ý dĩ, uống canh, chia làm 2 lần.


Bài 6: Đái tháo đường; Bí đao 1.200g, cắt đầu cho vào trong ruột 30g hoàng liên bột. Đậy nắp găm chặt bằng tăm, nấu chín nhừ, để nguội ép lấy nước, uống ngày 3 lần.

Bài 7: Ho gà, viêm phế quản cấp và mạn: Hạt bí đao 15g trộn với đường phèn giã  mịn nhào với mật ong uống với nước đun sôi để nguội, ngày 2-3 lần.

Bài 8: Chống béo phì: Theo các nhà dinh dưỡng học, bí đao không chứa chất béo, có chứa hợp chất hóa học hytơrin- capơric, chất này khống chế đường chuyển hóa thành mỡ, có thể ngăn chặn sự tích lũy mỡ trong cơ thể chống béo phì, có thể dùng bí đao làm canh ăn hàng ngày.

Lấy 500g bí đao cả vỏ, hạt rửa sạch thái miếng bỏ vào nồi, cho thêm trần bì, gừng tươi, muối, nước vừa đủ, đun chín bí thì ăn bí uống canh, mỗi ngày 1 lần. Hạt bí đao lợi thấp, vỏ bí đao thì lợi thủy, bí đao ăn cả vỏ hạt thì công hiệu càng cao. Trần bì có tác dụng lý khí, kiện tỳ, lợi thấp, gừng hành thông dương hóa ẩm lợi thủy ăn kết hợp với bí đao sẽ hỗ trợ giảm béo.

Bài 9: Bí đao làm đẹp da (giữ da mặt đẹp): Quả bí đao, rượu 1.500g, nước 100g, mật ong 500g. Dùng dao tre nứa gọt vỏ bí, cắt thành miếng nhỏ, rượu, nước  cho vào nồi đồng hầm nhuyễn nát, lọc lấy nước cô thành cao rồi cho mật vào đun lại. Để nguội cho vào lọ nút kín dùng dần, buổi tối lấy xoa mặt.

Theo Sức khỏe và đời sống      
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]