9 việc cần làm trước khi “sang tên” máy tính cũ

(Kiến Thức) - Thật tuyệt khi bạn đã gom đủ tiền để mua một chiếc máy tính mới, nhưng còn chiếc máy cũ thì sao? Sau đây là những việc bạn nên làm với nó.

15.6083
Đừng vứt máy đi. Đầu tiên bạn cần xác định sẽ làm gì với chiếc máy tính cũ? Tặng nó cho một người bà con hay rao bán trên mạng là việc có thể nghĩ tới. Nhưng dù có định làm gì thì cũng đừng vứt nó ra bãi rác, vì một chiếc máy tính luôn chứa những kim loại nặng gây hại cho môi trường, như thủy ngân hay chì.

Sao lưu dữ liệu. Hãy chép mọi dữ liệu muốn lưu giữ sang một thiết bị lưu trữ di động như USB hoặc một chiếc ổ cứng gắn ngoài, sau đó chuyển lại vào chiếc máy mới. Việc này sẽ giúp bạn có thêm một bản sao dữ liệu trong trường hợp trục trặc xảy ra khi chuyển dữ liệu. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng tiện ích có sẵn trong Windows là Windows Easy Transfer (gõ easy transfer vào hộp tìm kiếm và nhấn Enter) để chuyển những dữ liệu mà mình muốn, gồm có phim, ảnh, tài liệu, nhạc, email và cả thiết lập cho các chương trình đang sử dụng. 

Sao lưu giấy phép sử dụng phần mềm. Hiện nay các nhà phát triển khá khắt khe trong việc quy định số lượng người được phép sử dụng một giấy phép cho mỗi phần mềm bản quyền. Chính vì vậy, bạn cần sao lưu các giấy phép này để có thể sử dụng lại trên chiếc máy mới. Hãy kiểm tra xem trong máy có những phần mềm bản quyền nào, sau đó tìm hiểu cách thức sao lưu giấy phép đó. 

Thay thế ổ cứng. Nếu bạn muốn tái sử dụng ổ cứng cũ để lắp vào máy mới, bạn cũng nên lắp trả một chiếc ổ cứng khác có kích thước tương đương, vì một chiếc máy không thể hoạt động mà không có ổ cứng. Nếu không có một chiếc ổ cứng nào trong tay, bạn có thể tìm mua chúng ở các cửa hàng tin học. Việc tháo lắp ổ cũng không quá khó khăn: chỉ cần tháo ốc cố định ổ, rút dây cáp khỏi giắc rồi cắm lại vào vị trí  tương ứng trên chiếc ổ mới và bắt vít lại. 

Phá ổ cứng (theo nghĩa đen). Nếu không định dùng chiếc ổ cũ, tốt nhất bạn nên hủy nó đi để đề phòng việc dữ liệu bị đánh cắp. Dùng búa, khoan, đóng đinh, châm lửa đốt, thậm chí cho ổ cứng vào lò vi sóng… là cách mà một số người chọn để phá ổ cứng, tuy nhiên, cách này vừa tốn công lại vừa nguy hiểm. Thay vào đó, bạn chỉ cần dùng các công cụ chuyên dụng để tháo rời các bộ phận trong ổ cứng, sau đó cào xước bề mặt đĩa cứng là đủ để không ai có thể đọc được những dữ liệu này.

Cài hệ điều hành. Không một máy tính nào có thể hoạt động mà không có hệ điều hành. Nếu máy có ổ đĩa quang, hãy sử dụng một chiếc đĩa cài đặt để cài lại hệ điều hành. Nếu không, bạn có thể cài đặt qua một chiếc USB với tiện ích Windows 7/USB/DVE Download Tool cùng một file iso tải từ trang web của Microsoft.

Xóa dữ liệu khỏi ổ cứng. Bạn không nên chỉ xóa dữ liệu theo các cách thông thường, vì một tin tặc lành nghề có thể dễ dàng phục hồi các loại dữ liệu theo cách này. Thực tế, những dấu vết của dữ liệu sẽ vẫn còn, ngay cả khi bạn phân vùng hoặc định dạng lại ổ cứng. Giải pháp là sử dụng một trong các phần mềm chuyên dụng để xóa sạch các thông tin của mình một cách triệt để, chẳng hạn như Boot and Nuke, DriveScrubber hay Lavasoft File Shredder.

Định dạng lại ổ cứng. Khi bạn định dạng lại ổ cứng, các dấu vết còn tồn đọng của bất cứ loại dữ liệu nào trên máy sẽ bị loại bỏ hoàn toàn. Đây cũng là cách để loại bỏ những phần mềm lỗi, các loại virus hoặc các tệp tin bị nhiễm độc có thể gây hại cho máy tính, để sau khi cài một hệ điều hành mới, máy sẽ chạy ổn định hơn và có hiệu suất cao hơn.

Vệ sinh máy. Không ai muốn nhận một chiếc máy tính với bàn phím phủ đầy bụi bẩn, case máy giăng kín mạng nhện hay màn hình đầy dấu vân tay, do vậy hãy cần thận vệ sinh máy tính bằng chổi quét và ống thổi bụi (với bàn phím, case máy) và khăn mềm (với màn hình, vỏ laptop). Riêng với laptop, bạn có thể lật ngược máy lại và rung nhẹ để loại bỏ các vật thể vướng ở kẽ giữa bàn phím. 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]