A Christmas Carol: Khi lòng tốt bị lãng quên

Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của đại văn hào người Anh là Charles Dicken, bộ phim A Christmas Carol (2009) để lại nhiều ất tượng trong lòng người xem vì câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc, với thông điệp: tìm lại lòng tốt bị lãng quên.

15.6737

Điều kỳ diệu đến từ Giáng sinh

Bộ phim đưa người xem đến với quang cảnh Giáng sinh thế kỷ XIX tuyệt đẹp ở Anh: bầu trời đêm trong xanh với mặt trăng tròn lấp lánh, cánh rừng thông phủ tuyết trắng bay và đường phố được trang trí vô cùng rực rỡ, người người hân hoan đón chào Giáng sinh - ngày vui vẻ và hạnh phúc nhất trong năm. Nhưng có một người đàn ông rất căm ghét Giáng sinh, đó là thương gia Ebenezer Scrooge, đang sống cô độc, xa lánh mọi người. Scrooge có rất nhiều tiền. Điều đó khiến ông thoả mãn về bản thân mình: không cần tình bạn, không cần tình yêu, cũng không cần nguyện cầu trong lễ Giáng sinh.

Theo Scrooge thì lễ Giáng sinh không mang lại cho ông bất cứ thứ gì; nó khiến ông già thêm một tuổi mà chẳng giàu có thêm khi không mang về cho ông những đồng tiền vàng lấp lánh. Scrooge giàu có nhưng rất keo kiệt, ích kỷ một cách nhẫn tâm. Ông tiết kiệm từng xu một, sống trong một căn phòng cho thuê với giá rẻ, ẩm thấp và lạnh lẽo; trả công cho người thư kí ít nhất có thể; tiết kiệm từng cục than đốt lò dù trời giá lạnh...

Trong lúc mọi người náo nức đón Giáng sinh, thì Scrooge thản nhiên đếm tiền cất vào két, từ chối đóng góp dù chỉ vài xu cho quỹ từ thiện dành cho người nghèo và vô gia cư, mắng mỏ người thư ký trung thành và cháu trai khi họ nồng nhiệt chúc mừng Giáng sinh, thậm chí còn dọa đuổi những người thuê nhà thiếu nợ ra đường giữa trời lạnh giá.

A Christmas Carol của đại văn hào Charles Dickens ra đời vào năm 1843, nhanh chóng trở thành tác phẩm kinh điển về Giáng sinh. Hơn một trăm năm qua, A Christmas Carol đã được dàn dựng thành những vở kịch (nói, nhạc kịch) được nhiều nhà hát lớn ở Anh, Mỹ, Nga… biểu diễn vào mùa Giáng sinh hàng năm. Cốt truyện luôn được giữ nguyên, chỉ tăng hoặc giảm màu sắc tươi vui hay hài hước để phù hợp với đối tượng người xem chính: cả gia đình hay chỉ trẻ em. A Christmas Carol cũng từng được đưa lên màn ảnh nhiều lần bằng phim người đóng hoặc hoạt hình, trong đó, bộ phim người đóng có tên A Christmas Carol (1951) được xếp vào Top 10 phim Giáng sinh hay nhất thời đại.
Nhưng cũng vào đêm Giáng sinh ấy, đã có vài chuyện ly kỳ xảy ra với Scrooge. Ông bỗng nhiên gặp lại hồn ma của Marley - người bạn sống chung nhà và cùng chung đam mê làm giàu – đã chết được 7 năm. Mang theo xiềng xích, hồn ma Marley cảnh báo Scrooge rằng: nếu cứ sống ích kỷ, keo kiệt như thế, khi chết đi ông sẽ trở thành một hồn ma lang thang, sẽ trải qua nỗi khổ đau, sự tàn nhẫn và cả sự bần cùng, thậm chí bị xiềng xích và bị thiêu đốt trong lò lửa địa ngục.

Hồn ma Marley khuyên Scrooge nên chia sẻ sự giàu có của mình, biến nó thành niềm hạnh phúc cho người nghèo và cho chính mình. Marley cũng báo trước là Scrooge còn được diện kiến với 3 hồn ma khác, họ đến với mong muốn mang điều tốt đẹp đến cho trái tim băng giá của ông. Đầu tiên là Giáng sinh Quá Khứ nhắc Scrooge nhớ lại thời thơ bé đã từng phải sống cô đơn trong trường nội trú vào những ngày lễ Giáng sinh như thế nào; gặp lại người em gái đã đến trường đón ông về nhà, và vị hôn thê từng bị ông bỏ rơi. Tất cả những ký ức đó đều khiến Scrooge xúc động, nhưng trái tim của ông thì vẫn lạnh lùng.

Rồi Giáng sinh Hiện Tại xuất hiện với rất nhiều món ăn ngon thường có trong đêm lễ. Hồn ma này đưa Scrooge đi qua những khu phố, những ngôi nhà tràn đầy hạnh phúc của gia đình người cháu, người thư ký và những gia đình nghèo khó khác đang vui vẻ đón Giáng sinh cùng nhau. Với cây đuốc sáng rực trên tay, hồn ma đem lại niềm vui cho rất nhiều người. Từ đây, Scrooge đã thay đổi, trái tim băng giá của ông bắt đầu cảm thấy cần được sưởi ấm.

Giữa lúc ấy, Giáng sinh Tương Lai xuất hiện, chỉ cho Scrooge biết chuyện gì sẽ xảy ra khi ông chết nếu không cố gắng làm người tốt. Đến lúc này thì Scrooge đã thực sự thay đổi và lòng tốt bị lãng quên lâu ngày trong ông đã thức tỉnh. Ông không còn keo kiệt nữa và trở về dự lễ Giáng sinh đầm ấm với gia đình người cháu, tăng lương cho thư ký và giúp đỡ chữa bệnh cho con của anh ta. Một kết thúc có hậu khi Scrooge mỉm cười nhận ra điều kỳ diệu thực sự của Giáng sinh, và tìm ra được ý nghĩa mới cho cuộc sống của mình.

Bộ phim Giáng sinh được trông đợi nhất

A Christmas Carol (2009) là tác phẩm hoạt hình 3D cuối cùng của năm 2009 được khán giả thế giới háo hức chờ đón. A Christmas Carol được viết kịch bản và thực hiện bởi đạo diễn từng đoạt giải Oscar Robert Zemeckis. Phim có sự tham gia lồng tiếng của các diễn viên nổi tiếng như: danh hài Jim Carrey trong vai Scrooge và ba hồn ma; Gary Oldman, Colin Firth và Robin Wright Penn.

Với kinh phí làm phim lên tới 175 triệu USD sử dụng công nghệ làm phim IMAX-3D và Digital-3D, bản phim A Christmas Carol (2009) dài 96 phút được khoác một chiếc áo mới với màu sắc tuyệt đẹp, hình ảnh vô cùng sống động và hoành tráng, thật còn hơn cả phim quay thật. Quang cảnh đêm Giáng sinh với tuyết rơi, đèn và đồ trang trí đẹp như… cổ tích.

Chào mừng Giáng sinh 2009 và năm mới 2010, vở nhạc kịch Quà tặng Giáng sinh (hay A Chrismas Carol) với phần dàn dựng của đạo diễn nổi tiếng quốc tế Paul Stebbings và phần biểu diễn của các nghệ sỹ diễn viên nhà hát TNT đến từ London (Vương quốc Anh) đã đi lưu diễn nhiều nước trên thế giới, cũng được trình diễn bằng tiếng Anh (có phụ đề tiếng Việt) tại 5 thành phố lớn ở Việt Nam như: Nhà hát Lớn TP Hà Nội, Trung tâm văn hóa TP Huế, Nhà hát Trưng Vương TP Đà Nẵng, Trung tâm văn hóa TP Quy Nhơn và Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh từ ngày 21/11/2009 đến 6/12/2009.

Tạo hình của thương gia Scrooge trong phim được khắc họa vô cùng phù hợp với bản chất: đó là một ông già có phong thái bí hiểm, khó gần với hơi lạnh toát ra từ bên trong làm đông cứng gương mặt già nua, đôi mắt đỏ ngầu và đôi môi tím tái luôn mím lại. Cộng với giọng nói trầm khàn, hụt hơi của Jim Carrey (lồng tiếng), người xem có cảm giác Scrooge là người thật chứ không phải nhân vật hoạt hình.

Đặc biệt, nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar là Kate Winslet (nổi tiếng với vai Rose trong phim Titanic) đã thể hiện ca khúc nhạc phim có tên What if (Nếu như) thật xuất sắc và tuyệt vời. Ca khúc có những ca từ (tạm dịch) như: “Một chút tiếc nuối, một chút buồn... giống như cảm giác bạn sắp phải rẽ sang một con đường khác... cần chút dũng khí để từ bỏ con đường cũ xưa…”. Giọng hát cao vút nhưng vẫn rất dịu dàng của Kate Winslet với những điệp khúc thổn thức như một nỗi đau, như sự hối tiếc được đẩy tới cao trào, góp phần làm nổi bật thông điệp giản dị mà giàu ý nghĩa nhân văn của bộ phim.

Ra mắt ở Anh vào ngày 3/11 và ở Mỹ vào ngày 6/11/2009, A Christmas Carol đã góp phần mang đến cho khán giả một mùa Giáng sinh 2009 ý nghĩa. Trong dịp này, các diễn viên chính và nhà làm phim Zemeckis đã tham dự sự kiện Bật đèn Giáng sinh (Christmas Lights Switch On) nhằm ủng hộ dự án bệnh viện cho trẻ em đường phố Great Ormond. Ở Việt Nam, A Christmas Carol được khởi chiếu từ ngày 27/11/2009 trên hệ thống rạp toàn quốc. Phim thích hợp cho đại gia đình cùng xem, để cùng lắng lòng và suy ngẫm về niềm vui, niềm hạnh phúc khi lòng tốt được sẻ chia cho tất cả mọi người…

ĐINH HƯƠNG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]