ACFTA - Kinh nghiệm thành công của DN đi trước

0
Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) được ký kết đã mở ra cơ hội hội nhập nền kinh tế quốc tế và thâm nhập vào các thị trường khu vực nhưng cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược sản xuất-kinh doanh phù hợp với từng thị trường cụ thể mới phát huy được thế mạnh và khai thác hiệu quả các thị trường xuất khẩu.

Tại hội thảo “Thâm nhập thị trường Trung Quốc-ACFTA từ kinh nghiệm thành công của các doanh nghiệp đi trước”, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 3/5, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng các lợi ích từ những Hiệp định thương mại, để thâm nhập vào thị trường Trung Quốc bằng đường chính ngạch mới đạt được hiệu quả cao.

Theo Hiệp định ACFTA, hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc với mức thuế suất 17% nhưng sau đó sẽ được hoàn thuế nên thực tế doanh nghiệp được hưởng thuế suất bằng 0%, đồng thời, chủ động được thời gian, nguồn cung hàng hóa, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường…

Ngược lại, nếu xuất khẩu theo tiểu ngạch, với việc cam kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và các đối tác Trung Quốc, ngày càng có nhiều rủi ro như không thực hiện đúng các điều khoản ban đầu, ép giá, không lấy hàng…

Đặc biệt, doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt với chính sách “cấm biên” của Trung Quốc áp dụng tại các cửa khẩu, thời gian kéo dài từ hai tuần đến một tháng. Khi chính sách “cấm biên” được thực hiện thì hàng hóa của doanh nghiệp không xuất sang Trung Quốc được, dẫn đến nguồn cung thiếu hụt, tạo cơ hội cho hàng giả chiếm lĩnh thị phần.

Ông Nguyễn Công Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cân Nhơn Hòa cho biết tại thị trường Trung Quốc, hầu hết các mặt hàng được ưa chuộng và có sức tiêu thụ mạnh, đều bị hàng giả cạnh tranh ngay lập tức.

Với hơn chục năm kinh doanh tại thị trường Trung Quốc, bên cạnh việc thiết lập hệ thống kho vận, phân phối, đại lý uy tín, tăng cường huấn luyện kỹ năng bán hàng cho nhân viên, thì điều cốt lõi giúp cân Nhơn Hòa giữ được thị trường đó là đảm bảo chất lượng và nguồn cung hàng.

Đặc điểm của thị trường Trung Quốc là có tiềm năng lớn, nhưng lại không đồng nhất, khó kiểm soát hàng giả nên gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu, tuy nhiên nếu đảm đảo được chất lượng sản phẩm và xây dựng uy tín thương hiệu thì doanh nghiệp Việt vẫn có thể thâm nhập thành công vào thị trường đầy tiềm năng này.

Theo đại diện của Công ty Vinamit, để có thể thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, việc đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam cần làm là bảo vệ quyền sở hữu thương hiệu, vì việc đối phó với vấn đề hàng giả tại thị trường này rất khó khăn.

Hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mà còn tác động trực tiếp đến niềm tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, hàng hóa khi đã đưa vào kinh doanh tại các hệ thống phân phối hiện đại của Trung Quốc vốn đã vướng phải nhiều rào cản, muốn thay đổi về giá phải thông báo trước ba tháng, nếu không khéo đàm phán thì hàng hóa sẽ bị dỡ bỏ khỏi kệ nên doanh nghiệp cần có chiến lược điều chỉnh giá hợp lý.

Hiện nay, đối với nhiều thị trường xuất khẩu, Việt Nam đã tận dụng được các ưu đãi từ những Hiệp định thương mại, đạt được hiệu quả cao trong hoạt động xuất khẩu, tuy nhiên tại thị trường Trung Quốc, hàng hóa Việt Nam chưa đạt được nhiều kết quả tích cực và phát huy được thế mạnh của các mặt hàng xuất khẩu.

Qua những phân tích, đánh giá của các chuyên gia và kinh nghiệm từ hoạt động kinh doanh thực tế của các doanh nghiệp đang thâm nhập thành công thị trường Trung Quốc cho thấy, hàng hoá Việt Nam đang từng bước xây dựng được thương hiệu và chinh phục thị trường rộng lớn này./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]