Adolf Hitler (1889 - 1945)

Adolf Hitler (1889 - 1945) nhà độc tài Ðức Quốc Xã. Dưới đây là toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Hitler mà chúng tôi đã tổng hợp được

0
  • 1

     Nước Đức sau Thế Chiến Thứ Nhất.

    Từ ngày 26 tháng 9 năm 1918, các nước Đồng Minh đã phản công lần thứ hai chống lại nước Đức. 220 sư đoàn đã đồng loạt tấn công dọc theo trận tuyến từ bờ biển nước Bỉ kéo dài tới thị trấn St. Mihiel, bắt đầu bằng lực lượng Pháp – Hoa Kỳ đánh vào vùng hai con sông Meuse – Argonne. Ngày hôm sau, 40 sư đoàn quân Anh phối hợp với 2 sư đoàn quân Hoa Kỳ tấn công vào phòng tuyến Hindenburg rồi vào ngày kế tiếp, 28 sư đoàn của Vua Albert, gồm các đạo quân Bỉ, Pháp, Anh và Hoa Kỳ đánh vào miền Flanders. Tất cả những đợt tấn công này đã bắt buộc quân đội Đức phải rút lui về phía sau sông Scheld tại phía bắc và thành phố Sedan tại phía nam.

    Nhìn thấy cảnh thất trận tới gần, Tướng Ludendorff đã thông báo cho Hội Đồng Chiến Tranh Hoàng Gia Đức (the Imperial Council of War) vào ngày 29 – 2 – 1918 rằng nước Đức phải tìm kiếm một cuộc đình chiến đặt trên căn bản 14 điểm của Tổng Thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson. Ngày 03 – 10 – 1918, Hoàng Đế Đức (Kaiser) đã chỉ định ông Hoàng Max von Baden làm Chưởng Ấn (Chancellor = Thủ Tướng) với hy vọng tạo được một chính phủ ổn định theo Hiến Pháp, nhưng tình trạng trong nước Đức đã trở nên quá rối ren. Đã có các cuộc nổi loạn tại khắp nơi, các hội đồng công nhân và quân nhân xuất hiện tại mỗi thành phố, lính thủy làm loạn tại Kiel, miền Bavaria tuyên bố thành lập một nước cộng hòa xã hội vào ngày 07 – 11 – 1918. Sau đó 2 ngày, ông Hoàng Max von Baden công bố sự thoái vị của Vua Wilhelm II và việc thành lập chính phủ lâm thời bởi ông Friedrich Ebert, một nhà dân chủ xã hội. Vào ngày 10 tháng 11, Hoàng Đế Wilhelm II lên một toa xe lửa, rời nước Đức đi tị nạn tại Hoà Lan.

    Sáng ngày 11 – 11 – 1918, các đại diện của nước Đức và các nước Đồng Minh đã ký một bản đình chiến trên một toa tầu nằm trong rừng Compiègne, phía bắc của thành phố Paris, nước Pháp. Từ đây, nước Đức đồng ý từ bỏ tất cả các miền đất đã chiếm được, chấp nhận lui quân đội về phía tây giòng sông Rhine, tháo gỡ các công sự chiến đấu trong miền Rhineland và miền này bị chiếm đóng trong 15 năm, đầu hàng toàn thể bộ máy chiến tranh và hạm đội, và quân đội Đức bị giới hạn ở quân số 100 ngàn người. 

    Đúng 11 giờ sáng ngày 11 tháng 11 năm 1918, Thế Chiến Thứ Nhất đã chấm dứt. Trên toàn thế giới và châu Âu, mọi người đã reo mừng. Tuy nhiên, vết thương chiến tranh còn in hằn trên lục địa châu Âu trong nhiều thập niên.

    Vào năm 1919, đất nước Đức nằm trong hoàn cảnh tang thương của thời kỳ hậu chiến. Sự thất trận làm tổn thương tinh thần của người dân Đức, nền kinh tế bị kiệt quệ vì thiếu thốn đủ thứ, hàng triệu người lính Đức trở về nhà, về đời sống dân sự mà không thể kiếm ra được công ăn việc làm. Tại nhiều thành phố đã xẩy ra các cuộc xáo trộn xách động bởi các người Cộng Sản. Nhiều quân nhân cũ do thất nghiệp, không thể hội nhập vào đời sống dân sự nên đã tham gia vào đoàn quân Freikorps (đoàn quân tự do), là một loại băng đảng bán quân sự, thường chống lại các người Cộng Sản, thường đi ăn cướp hay phá hoại. 

    Sau Thế Chiến Thứ Nhất, chính phủ của nước Đức được bầu lên vào ngày 19 – 1 – 1919 và dẫn đầu bởi 3 đảng phái thiên cộng hòa. Chính phủ này đã họp lần đầu tiên tại thành phố Weimar để tránh sự xáo trộn của thành phố Berlin. Weimar là nơi tượng trưng cho hòa bình và triết lý của nước Đức thời bấy giờ. Hiến Pháp Weimar cũng cởi mở, có mục đích thay thế cách độc đoán của Vua Wilhelm II với các nghị viên chỉ biết vâng lời. Đất nước Đức vào thời gian này đang cần tới sự đại diện dân chủ. Trong cuộc bầu cử lần thứ nhất, 3 đảng phái ôn hòa đã nhận được ba phần tư phiếu bầu. Thời đó phe Cộng Sản đã tẩy chay cuộc bầu cử và đảng Quốc Xã chưa thành hình. Nhưng các điều kiện nghiêm khắc của Hòa Ước Versailles áp đặt lên nước Đức thất trận đã khiến cho Chưởng Ấn Phillip Scheideman từ chức vào tháng 6 năm 1919 vì không chịu chấp nhận các điều kiện đó. Trước sự đe dọa của phe Đồng Minh là sẽ xâm lăng hay phong tỏa các miền kỹ nghệ trù phú, chính phủ mới của nước Đức hậu chiến bị khuất phục và phải ký Hòa Ước Versailles vào ngày 28 – 6 – 1919.

    Tình trạng chính trị của nước Đức lại rối tung thêm khi Tướng Erich von Ludendorff tuyên bố rằng quân đội Đức chưa thua trận và Bộ Tham Mưu Đức bị đâm sau lưng. Vị trí của chính phủ dân sự vì thế càng trở nên yếu kém hơn. Các nhà lãnh đạo mới của Cộng Hòa Weimar non nớt đã không quen cách dùng quyền lực. Họ đã không biết đoàn kết để bảo vệ chính nghĩa, họ thường tranh cãi nhau trong suốt các năm từ 1918 tới 1933 và đã vụng về trao nền trật tự công cộng cho nhóm Freikorps tàn bạo, cho quân đội còn lại hay cho nhóm Nazi bán quân sự. Các nhà chính trị dân chủ này đã thương thảo với các kẻ cực đoan, với hy vọng là có thể thuần hóa được chúng trong đường lối đấu tranh dân chủ khi cho chúng tham gia vào chính quyền.

    Hiến Pháp mới của nước Đức vào các năm sau Thế Chiến Thứ Nhất đã không thể huấn luyện tinh thần và tập quán dân chủ cho một dân tộc hiếu chiến, qua một thế kỷ đã biết rất ít về thể chế dân chủ! Mặt khác, các vị khoa bảng, các giáo sư danh tiếng vào thời kỳ đó vẫn còn tuyên truyền cho chủ nghĩa quyền lực và sự vượt trội của Dân Tộc Đức và những nhà lãnh đạo đương thời thì bị coi là ôn hòa, bảo thủ, thường thiên vị các kẻ cánh hữu thích âm mưu khủng bố, hơn là các kẻ chống đối cánh tả. Trong khi đó người dân Đức lại đem lòng nhớ tiếc các kỷ niệm huy hoàng của thời chiến tranh, chán nản trước các xáo trộn kinh tế hiện đang diễn ra và các cuộc cãi cọ chính trị thường xẩy ra giữa các đảng phái. Dĩ nhiên là dân chúng Đức mong mỏi tình trạng kỷ luật, trông đợi sự đoàn kết và những điều này đã khiến cho Đảng Quốc Xã sau này nắm quyền và đưa đất nước Đức vào nơi thảm khốc.

  • 2

     Thiếu thời của Hitler.

    Adolf Hitler sinh ngày 20 tháng 4 năm 1889 tại Braunau, một tỉnh nhỏ trên bờ sông Inn, biên giới Đức – Áo, về phía nước Áo. Adolf là người con thứ tư của lần lập gia đình thứ ba của ông Alois Hitler, một nhân viên quan thuế. Khi Adolf chào đời, ông Alois đã 51 tuổi và mẹ của Adolf là Klara Poelzl, thời đó 28 tuổi, con gái một nông dân. Mẹ của ông Alois Hitler là Anna Maria Schicklgruber, đã ăn ở không giá thú với một người thợ xay lúa sống lang thang tên là Johan Georg Hiedler khi Alois lên 5 tuổi và ông Johan này đã không nhìn nhận Alois làm con cho đến khi ông ta qua đời vào năm 1856. Một người em của ông Johan đã xếp đặt để cho Alois được ghi danh là con chính thức của ông Johan Georg Hiedler rồi vị tu sĩ khi ghi tên đã viết sai chữ Hiedler thành “Hitler”. Cũng vì thế khi Adolf Hitler lên nắm chính quyền, các đối thủ đã nhục mạ và gọi nhà độc tài này bằng tên Schicklgruber. Trong số 8 người con của ông Alois, chỉ có 4 người sống sót tới tuổi trưởng thành. Adolf có một người chị tên là Paula, 2 người anh em cùng cha khác mẹ là Alois và Angela. 

    Sau khi Adolf được 6 tuổi, ông Alois về hưu và dời cư về gần Linz, nước Áo. Tại bậc tiểu học, Adolf học giỏi nhưng lên bậc trung học lại học kém, nên đã làm phật lòng người cha nóng tính và bất thường. Ông Alois muốn con trai trở thành một công chức nhưng Adolf lại muốn là một nghệ sĩ. Ông Alois Hitler chết vào năm 1903 và hai năm rưỡi sau đó, Adolf bỏ học khi 16 tuổi. Bà mẹ của Adolf lúc này sống nhờ tiền trợ cấp và một số tài sản còn lại, vì thế Adolf đã không đi kiếm việc mà cả ngày ngồi vẽ, đọc sách hay mơ mộng. 

    Vào năm 1907, Adolf Hitler tới thành phố Vienna là thủ đô của nước Áo – Hung. Adolf muốn theo học trường Mỹ Thuật nhưng đã thi rớt 2 lần trong kỳ thi nhập học. Cũng vào năm 1907, mẹ của Adolf qua đời, để lại cho chàng một số tài sản. Adolf sống nhờ tiền trợ cấp mồ côi. Trong thời gian này, chàng Adolf sống thoải mái như một nghệ sĩ, đôi khi cũng bán được vài tấm tranh. Ngoài nghệ thuật Hội Họa, Adolf Hitler cũng đọc sách và quan tâm tới các sinh hoạt chính trị, thán phục cách tổ chức và đường lối lãnh đạo hữu hiệu của đảng Dân Chủ Xã Hội (the Social Democratic Party) của thành phố Vienna. Tại thành phố này vào thời bấy giờ thường có các cuộc chống đối người Do Thái, một dân tộc bị làm dê tế thần của châu Âu qua nhiều thế kỷ. Cũng vì thế trong tâm hồn Adolf Hitler đã sinh ra sự căm thù hai giống dân Do Thái và Slav. Giống như các người Áo nói tiếng Đức, Adolf Hitler có đầu óc quốc gia cực đoan và đã có lần nói “Tôi ghê tởm tập hợp nhiều giống dân đang sống tại thành phố Vienna, ghê tởm sự pha trộn các người Tiệp, Hung, Ba Lan, Ruthenian, Serbs và Croats... “. Hitler tin tưởng rằng người Do Thái và các giống dân thấp hèn khác đã tìm cách phá hủy nước Đức và Hitler rất ghét chủ nghĩa Bôn-Xê-Vích (bolshevism), e ngại về chính thể Dân Chủ. Hitler có tham vọng về giấc mơ của Hoàng Đế Đức, tức là nền thống trị của người Đức trên toàn lục địa châu Âu, nhưng các kiến thức chính trị và kinh tế của Hitler còn mơ hồ và nông cạn.

    Vào năm 1913, Hitler dọn về Munich thuộc nước Đức và đã tình nguyện đầu quân nhưng quân đội đã không chấp nhận vì không đủ sức khỏe. Tháng 8 năm 1918, Thế Chiến Thứ Nhất bùng nổ. Adolf Hitler lại xin phục vụ quân đội và lần này được chấp nhận trong một trung đoàn bộ binh, đóng tại miền Bavaria. Hitler đã làm chân giao liên (dispatch runner) tại mặt trận phía tây, đã bị thương, được huy chương hai lần vì cam đảm và được thăng cấp hạ sĩ.

    Khi nước Đức đầu hàng sau Thế Chiến Thứ Nhất, Hitler đang nằm trong bệnh viện vì bị thương do hơi mù tạc (mustard gas). Hitler còn phục vụ quân đội tới tháng 4 năm 1920, đầu tiên làm lính gác tù binh, rồi làm huấn luyện viên cho binh sĩ giải ngũ và cuối cùng lãnh chân “chính trị viên” (political agent) của Bộ Chỉ Huy Khu Munich. Sau Thế Chiến Thứ Nhất, Munich là thành phố rất xáo trộn bởi các người Cộng Sản và bọn Freikorps, nhờ vậy mà Adolf Hitler có được cơ hội hiểu rõ các ưu khuyết điểm của hai nhóm người này. Hitler bị xuống tinh thần rất nhiều do tin thất trận và cho rằng chủ quyền của nước Đức đang bị đe dọa, cần phải chính mình cứu lấy nước Đức.

  • 3

    Sự đi lên của Đảng Quốc Xã.

    Khi còn phục vụ quân đội, Hitler đã tham gia đảng Công Nhân Đức (the German Workers’ Party). Đây là một đảng nhỏ của một nhóm người quốc gia (a nationalist group) có đường lối chối bỏ chính quyền Berlin, vì vậy đã thu hút được nhiều cựu quân nhân. Hitler là đảng viên thứ 55 và là nhân vật thứ 7 trong ủy ban điều hành. Hitler là một nhà hùng biện có tài nên vào giữa thập niên 1920, đã trở nên người phát ngôn chính cho Đảng và cũng là nhà ý thức hệ. Sau đó đảng Công Nhân đổi tên là Đảng Công Nhân Quốc Gia Xã Hội Đức (the National Socialist German Workers’ Party), gọi tắt là Đảng Nazi hay Đảng Quốc Xã. Đảng này chủ trương đặc tính thuần quốc gia Đức (pan-German nationalism), lập chương trình đoàn kết vào một quốc gia toàn thể người Đức bao gồm cả các người Áo và các nhóm dân thiểu số Đức sống trên những miền đất khác như Tiệp Khắc, Hungary. Đảng này có các tư tưởng cấp tiến về kinh tế, kêu gọi phải tước bỏ quốc tịch Đức khỏi các sắc dân Do Thái hay không phải là Đức, và Đảng cũng kêu gọi sự hủy bỏ Hiệp Ước Versailles. Dần dần về sau, đảng Quốc Xã đã mang cá tính và lòng hận thù của Hitler. Quyền hành của đảng được chỉ thị từ trên xuống còn trách nhiệm lại phải đi từ dưới lên trên, với lòng tin tưởng tuyệt đối là vị lãnh tụ không bao giờ nhầm lẫn cả, luôn luôn anh minh và sáng suốt.

    Adolf Hitler là một nhà chính trị khéo léo và một người tổ chức có tài. Ông ta đã trở nên nhân vật lãnh đạo Đảng và xây dựng Đảng với một số lớn đảng viên trong một thời gian ngắn, một phần nhờ tài hùng biện, biết xách động quần chúng bằng những bài diễn văn giật gân, nẩy lửa. Hitler đã công kích chính phủ và công bố rằng chỉ có Đảng Quốc Xã là có thể phục hồi nền kinh tế, mang lại công việc làm ăn cho mọi người và lại đưa nước Đức tới cảnh hùng vĩ.

    Hitler cũng tổ chức một đội quân tinh nhuệ riêng có tên là “đội quân Vũ Bão S.A.” (Sturmabteilung). Các đảng viên Quốc Xã mặc đồng phục gồm áo sơ mi màu nâu, mang huy hiệu chữ “Vạn” (swastika emblem). Vào năm 1922, đảng Quốc Xã đã có 10,000 đảng viên rồi tới tháng 10 – 1923, quân số của đội S.A. lên tới 15 ngàn người, được trang bị súng trường và súng máy.

    Mùa đông năm 1923, quân đội Pháp và Bỉ đã tiến vào miền kỹ nghệ Rhur để bắt buộc nước Đức phải bồi thường chiến tranh. Khi đó chính phủ Weimar chỉ biết kháng cự thụ động còn các công nhân chống đối bằng các cuộc đình công và phá hoại. Sự tê liệt sản xuất về than và thép tại miền Rhur đã làm cho nạn lạm phát gia tăng. Giá trị đồng Mark giảm xuống từ 400 xuống 1 vào giữa năm 1922, rồi sau đó từ 7,000 xuống 1 vào cuối năm 1923. Các cuộc nổi loạn Cộng Sản và quốc gia đã xẩy ra trên toàn nước Đức. Nước Cộng Hòa Đức đang trên bờ tan rã. Tiểu bang Bavaria khi đó là nơi công khai chống lại chính quyền trung ương tại Berlin. Hitler đã nhìn thấy một cơ hội để lật đổ chính quyền địa phương lẫn chính phủ trung ương. Vào ngày 8 – 11 – 1923, tại một buổi tụ họp trong Phòng Uống Bia ở Munich, Hitler đã cố gắng cướp chính quyền địa phương Bavaria. Thời đó Hitler đã có được sự ủng hộ của Tướng Erich von Ludendorff, đã dẫn đầu đội quân S.A. 2,000 người trong một cuộc biểu dương lực lượng chống lại quân đội của chính phủ sở tại. Nhưng cảnh sát tiểu bang đã nổ súng, giết chết 16 người tuần hành và làm ngừng cuộc diễn hành. Âm mưu đảo chánh thất bại. Hitler bị bắt, bị kết tội phản bội và bị kết án 5 năm tù.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]