AEC vẫn là mảnh đất màu mỡ của ngành thép?

ASEAN đang là thị trường XK chủ lực của ngành thép Việt Nam, vì thế, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành đem lại cho nền kinh tế nói chung và ngành thép Việt Nam nói riêng những cơ hội to lớn để phát triển.

15.5814
Có nhiều khó khăn, thách thức song AEC vẫn là thị trường màu mỡ, đầy tiềm năng của ngành thép.

85% thép XK vào AEC

Thời gian qua ngành thép Việt Nam đã có bước tiến mạnh mẽ, từ một nước NK thép, đến nay Việt Nam đã trở thành nước XK. Nếu như năm 2010, Việt Nam NK 1,2 triệu tấn thép các loại từ các nước ASEAN thì đến nay, sau 5 năm, con số này giảm xuống còn khoảng 300 nghìn tấn, chủ yếu là nguyên liệu sản xuất. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, năm 2010 Việt Nam mới chỉ XK khoảng 700 ngàn tấn, nhưng đến 2015 Việt Nam đã XK trên 2 triệu tấn thép sang các nước thuộc AEC. Như vậy, ASEAN hiện là thị trường XK chính của ngành thép khi lượng thép XK vào đây chiếm tới hơn 2/3 sản lượng thép XK. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, năm 2015 Việt Nam XK tổng cộng hơn 2,8 triệu tấn thép các loại, tăng nhẹ gần 3% và thị trường truyền thống chủ yếu vẫn là các nước trong khối ASEAN.

Được biết, hiện nay Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Malaysia... là những nước tiêu thụ nhiều nhất các sản phẩm của thép Việt, trong đó Campuchia dẫn đầu với mức NK đạt 750 ngàn tấn trong năm 2015. Trong số các sản phẩm XK sang thị trường AEC, tôn mạ  vẫn là mặt hàng chủ lực. Cụ thể, nếu hồi năm 2010, Việt Nam mới chỉ XK hơn 200 ngàn tấn tôn mạ sang thị trường ASEAN thì 5 năm sau, con số này đã tăng gấp 4 lần. Thép xây dựng và thép ống cũng là những dòng sản phẩm XK có sản lượng lớn sang thị trường này.

Theo các chuyên gia trong ngành thép, AEC hình thành mở ra cơ hội XK cho ngành thép với một khu vực thị trường rộng lớn, trong đó 100% hàng hóa được tự do lưu chuyển. Bên cạnh đó, AEC cũng đem lại cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, khả năng tiếp cận nguồn lực mới về vốn, nhân lực, công nghệ từ nước ngoài mạnh mẽ hơn cho ngành thép. Quan trọng hơn, về trước mắt cũng như lâu dài, Cộng đồng AEC còn tạo ra sức ép cạnh tranh cho các DN cả về trình độ quản lý, công nghệ, nhân lực, buộc các DN ngành thép phải tự cải tổ, nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tiếp tục phát triển.

Được biết, tham gia Hiệp định khu vực mậu dịch tư do ASEAN (AGITA), từ năm 2015 Việt Nam đã tiến hành giảm 93%  dòng thuế về 0%, chỉ giữ lại 7% số dòng thuế đến năm 2018, trong đó có mặt hàng sắt thép. Đơn cử, phôi thép có thuế suất 5%, các loại tôn mạ có thuế suất từ 3-5%, thép thanh thép cuộn có thuế suất 5% đến năm 2017. Đến năm 2018, tất cả các sản phẩm sắt thép được NK vào Việt Nam có xuất xứ từ Asean đều được hưởng thuế suất NK 0%.

Bên cạnh những thuận lợi, sẽ có nhiều khó khăn, thách thức khi AEC hình thành song ông Nguyễn Văn Sưa khẳng định AEC vẫn là thị trường màu mỡ, đầy tiềm năng của ngành thép. “AEC đang là thị trường XK chính của ngành thép khi 85% lượng thép XK của Việt Nam là sang các nước thuộc AEC. Trong thời gian tới, cần duy trì và phát triển tỷ lệ này. Tất nhiên, khi chúng ta mở rộng sang các thị trường khác thì tỷ lệ có thể giảm đi, nhưng con số tuyệt đối cần phải phát triển lên”.

Rào cản phòng vệ thương mại

Theo đánh giá, một trong những thách thức lớn nhất của ngành thép trong AEC chính là  sức ép cạnh tranh từ hàng hóa các nước Asean. Hiện nay, với cơ cấu sản phẩm tương đối giống nhau, việc mở cửa toàn bộ thị trường ngành thép vào năm 2018 sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn đối với các DN trong ngành, đặc biệt là với DN có quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, quy tắc xuất xứ cũng chính là rào cản có thể thít chặt và vô hiệu hóa các ưu đãi về thuế quan. Liên quan đến vấn đề này, nếu các DN sử dụng tỷ lệ nguyên liệu NK từ các nước ngoại khối quá nhiều thì khả năng sẽ không đảm bảo được quy tắc về xuất xứ, buộc các DN phải cân nhắc, tính toán kỹ trong sử dụng nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Những hàng rào về hành chính, kỹ thuật trong AEC cũng sẽ là những trở ngại lớn đối với sản phẩm thép trong XK, buộc các DN phải vượt qua được rào cản hành chính của các nước và phải nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc tế, quốc gia.

Một trong những thách thức và lo ngại lớn mà ngành thép sẽ phải tiếp tục đối mặt khi tham gia vào AEC chính là các biện pháp phòng vệ thương mại. Những biện pháp này sẽ là cản trở không nhỏ đối với thép XK của Việt Nam vào thị trường này. Trên thực tế, trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2015, các sản phẩm tôn, thép của Việt Nam liên tục phải chống chọi với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại đến từ các quốc gia trong khối Asean như Malaysia, Thái Lan... Thực tế, trong năm 2015, ngay tại thị trường truyền thống này, lượng thép XK của Việt Nam cũng đang bị giảm khoảng 4% về lượng và giá trị XK giảm khoảng 16,7%.

Bình luận về thị trường AEC, dẫn các vụ kiện phòng vệ thương mại mà các nước thuộc khối Asean như Malaysia, Thái Lan... đã khởi xướng với Việt Nam, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho rằng tuy đã hình thành Cộng đồng AEC nhưng đây gần như là một cộng đồng kinh tế lỏng lẻo và mờ, không hình thành được các cơ chế, các hiệp định khung, đặc biệt là vấn đề hình thành các cam kết để tránh dùng các biện pháp phòng vệ thương mại với nhau.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, tranh tụng phòng vệ thương mại trong quan hệ kinh tế quốc tế là việc bình thường, do đó các DN ngành thép cần nâng cao hiểu biết của mình để đối phó với những việc tương tự và biện phát tốt nhất là phải hợp tác với các cơ quan điều tra để giảm thiểu thiệt hại cho DN.

Nói về chiến lược của các DN ngành thép để tiếp cận các cơ hội trong thị trường AEC, ông Sưa cho biết xuất phát từ tầm quan trọng của thị trường này, việc nhận diện các thách thức cũng như cơ hội đối với thị trường AEC là công việc quan trọng của hiệp hội và các DN. Hiện nay, một trong những sản phẩm XK nhiều nhất sang AEC là tôn mạ và đó cũng là sản phẩm bị kiện nhiều nhất. Trong những năm gần đây, những DN tôn mạ đang tiếp tục đầu tư nâng cao quy mô, trình độ công nghệ để đảm bảo sản phẩm ngày càng tốt hơn, giá cả ngày càng hợp lý hơn. 

Theo Báo Hải quan

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]