Aesthetix Rhea - phono pre tối ưu cho mâm đĩa than

Trong vòng 20 năm gần đây, hiếm thấy một phono pre được chế tạo công phu và nhiều "tiện nghi" như Aesthetix Rhea. Quan sát từ ngoài vào trong, người khó tính, dân chuyên nghiệp đều phải trầm trồ...

0

Phono pre Aesthetix Rhea

Aesthetix là một hãng nhỏ làm máy theo truyền thống thủ công của Mỹ. Jim White là chủ và là kỹ sư trưởng đã bắt đầu theo đuổi việc thiết kế pre-power đèn từ trên 17 năm. Sản phẩm đầu tiên của ông trình làng năm 1994 là IO phono pre và Aesthetix Callisto line pre sử dụng 32 đèn (!) với 3 chassis nặng 113,4 kg đã trở thành máy chuẩn của ngành công nghiệp hi-end lúc bấy giờ và cho đến hiện nay cũng hiếm máy nào hơn được chúng. Chúng nhận Giải “Đôi tai vàng” và “Editor's Choice” cuả Tạp chí The Absolute Sound các năm 1994 – 1995. 

Phono pre Aesthetix Rhea [giá tham khảo 4.500 USD (~94,5 triệu đồng)] là tinh hoa của phono pre tham chiếu IO 3 chassis gom vào 1 chassis để phục vụ số đông người chơi mâm đĩa than. Và Rhea cũng đang được đánh giá là 1 trong 10 pre phono hay nhất hiện nay.

Máy phono pre Rhea được thiết kế monoblock, đối xứng thuần đèn nhưng phần cấp điện, điều hoà điện thế cho mạch điều khiển và cho đèn là bán dẫn (nếu muốn chơi cấp điện đèn bạn có thể chọn Aesthetix I-O không volume, không remote, 2 chassis nặng 60kg, giá 7000USD).

Rhea thuộc dạng nặng ký, gần như một ampli (17,5kg) với kích thước lớn đẹp (48 x 45 x 11 cm) Thiết kế mỹ thuật với vỏ thép và nhôm mạ dày 0,7mm rất kiên cố và bề ngoài khác biệt là không có núm nào lồi lên, nhìn rất hiện đại và sang trọng với logos Aesthetix và các phím bấm bằng thép hình chữ A nổi trên mặt máy.

Nắp máy Rhea làm rất hay vì ta có thể dùng tay lấy nắp trên ra để quan sát hay thay đèn. Jim White sử dụng một loại keo đặc biệt có tính chống vang để dính nắp vào khung máy và ông rất hãnh diện về các phát kiến nhỏ nhưng chưa ai từng làm, như nắp máy không dùng ốc vít và màn hình của tất cả máy Aesthetix.

Màn hình chữ nhật ở giữa máy không chỉ dùng hiển thị mà còn là nơi ta có thể chỉnh mọi chức năng của máy bằng cách chọn ở phím và tăng giảm trị số ở 2 bên màn hình. Phía trước mặt Rhea có những phím bấm chức năng để cài đặt:

*Phím Standby để bật/tắt máy (nút tắt nguồn điện ở phía sau máy, sát chỗ cắm dây nguồn). Khi để Standby, một lượng điện rất nhỏ sẽ cấp cho phần điều khiển và chỉ khi ta kích hoạt phím Stanby, chừng đó mạch đèn điện tử mới hoạt động sau 45 giây. Do đó ta nên để máy Rhea ở chế độ stanby (như TV) trừ phi bạn đi du lịch xa vài tuần.

* Phím Display có thể làm mờ hay tắt hẳn màn hình và các chấm đèn để audiophile tập trung vào âm nhạc, nhiều ý kiến còn cho rằng tắt display giúp máy giảm nhiễu, hát hay hơn…

* Các phím 1, 2, 3 để chọn ngõ vào cho cần (hoặc mâm đĩa) chơi cùng lúc trên Rhea. Độc đáo là nó nhớ mọi chỉ số cho từng ngõ vào sau khi ta đã chọn chỉ số cho từng cần - kim. Tiện ích này chưa hãng nào nghĩ ra trước Aesthetix. Remote hơi nghèo so với máy quá sang, bằng nhựa xám, nhưng bù lại rất dễ căn chỉnh âm thanh của pre, đầu kim, gain… khi ngồi từ xa.

* Phím Mute (câm) là một phím rất lợi ích: sau khi đặt đĩa hạ kim, chúng ta mới tắt phím Mute để nghe. Khi cần thao tác nào đó như nhấc kim lên chẳng hạn, chúng ta bấm Mute để bộ dàn câm không phát ra bất cứ tiếng động gì - một chức năng bảo vệ ampli và đôi loa thật tuyệt vời.

* Phím Demag (khử từ) cũng là một ưu điểm hiếm thấy ở các pre phono hiện hành. Nó là một mạch khử từ trị giá 200USD, để xả dư lượng từ cho kim MC sau khi dùng trên 150 giờ.

* Phím Gain (âm lượng), Load (chọn chế độ kim) dùng để setup phono pream cho phù hợp với kim và mong muốn nghe của người chơi.

Mặt sau của máy chia đôi theo thiết kế monoblock đối xứng: các đầu cắm vào, ra trái/phải tách riêng ở hai bên. Mỗi bên trái/phải có 3 cọc vào RCA. Máy Rhea có 2 cặp RCA out và 2 cặp Balance out nên Rhea kỳ thực có thể phục vụ 4 ampli + 4 cặp loa! Tóm lại, “trái tim” này hơi bị to, nó có thể phục vụ 3 đầu quay, 4 ampli… Đây là loại máy mà người dùng lần đầu nên được hướng dẫn sử dụng trực tiếp và cẩn thận, chi tiết từ kỹ thuật viên.

Đặc tính kỹ thuật:
• 3 ngõ vào, cho phép sử dụng 3 mâm hay mâm có 3 cần kim, mỗi ngõ vào mà bạn sử dụng được Aesthetix Rhea ghi nhớ gain - loading cuả đầu kim đó
• 7 gain từ 75, 68, 62, 56, 50, 44, 40 lựa chọn cho phù hợp với gain của pre line và power amp
• 9 loading: 47k, 10k, 5k, 2.5k, 1k, 500, 250, 125, 75 ohm, tương thích với mọi đầu kim MM - MC hiện hành
• Có mạch khử từ Demag cho đầu kim MC
• Ngõ ra mỗi kênh: 2 Balance XLR và 2 RCA
• Mạch balance Mono Block đối xứng thật sự (hiếm máy nào có)
• Dùng 10 đèn - 5 cái mỗi kênh: 2 bóng - 12AX7LP – 2 bóng - 12AX7 và 1 bóng 6922
• Tiêu thụ điện: ở chế độ standby 20W, khi hoạt động dưới 100W
• Kích thước (rộng x sâu x cao) 48 x 45 x 11cm
• Nặng 17,5kg
• Thiết kế lắp ráp tại Hoa Kỳ, khi mua cần đặt hàng trước 5 tuần.

Cài đặt

Phono pre Aesthetix Rhea có nhiều lựa chọn nên có thể nói, quá trình chọn đúng chế độ cho một mâm đĩa than (căn cứ vào kim) cũng như là “cài đặt” vậy. Kim chúng tôi sử dụng trong chuyến trải nghiệm này là loại kim MM. Chúng tôi sử dụng luân phiên, đối chiếu hai mâm quay đĩa than là Pioneer XL-1551 dùng kim MM của Audio Technica (phương án chọn) và Clearaudio Concept Wood (special version) gắn sẵn kim MM của hãng (special version đế gỗ chống đạn cao cấp hơn Concept thường). Pioneer XL-1551 thật dễ thương còn Concept Wood thì đủ sắc sảo.

Chúng tôi mắc dây tín hiệu của Pioneer XL-1551 và Clearaudio Concept Wood vào phono pre Aesthetix Rhea. Từ Aesthetix Rhea, chúng tôi đã dùng lần lượt 3 loại dây tín hiệu của Synergistic Research là Synergistic Research Basik, Synergistic Research Basik Activ và Synergistic Research Basik Activ SE (đón xem bài trên www.pcworld.com.vn) để nối vào các ampli đèn. Chúng tôi “nghe” Aesthetix Rhea, Pioneer XL-1551 và Clearaudio Concept Wood bằng 2 cặp loa + 2 ampli đèn tích hợp là JBL Control Monitor 4312A + Rogue Audio Cronus Magnum và Kenwood KL 5080 + Separo SE300I.

Nghe thử

Những đĩa chúng tôi nghe thử là đĩa quen, đều đã từng sử dụng để trải nghiệm nhiều bộ dàn trước đây như Ilana Vered – Tchaikovsky Piano Concerto No1 và Racmaninov Piano Concerto No2; Mstislav Rostropovich – Vladimir Vlasov Cello Concerto No1 và Henri Sauguet Melodie Concertante; Jovan Jovicic – Konzert za gitaru… Có thể nói, phono prea Aesthetix Rhea xử lý rất chính xác, đầy đủ, vừa chi tiết vừa bao quát, vừa sắc nét, vừa hoà quyện.

Tiếng các bộ nhạc cụ trong dàn nhạc như dây, đồng, gỗ, gõ… đều nổi bật! Tiếng piano dứt khoát, dõng dạc, như chuông. Tiếng cello uyển chuyển, sâu sắc. Tất cả đều gợi cảm, như thật ở bên ngoài. Tiếng guitar cũng được thể hiện hết mọi khía cạnh, kể cả một chút méo âm do nghệ sĩ bấm phím chắc tay và vì chất giọng không bình chuẩn của guitar. Âm nhạc trên loa + ampli JBL + Magnum đầy đặn, mạnh mẽ; trên Kenwood + Separo uyển chuyển, tình tứ. Phono pream xử lý đều toàn dải, trầm sâu, chặt; trung đẹp; cao tơi, mịn, lung linh, dịu dàng… Không có gì phải chê!

Đặc biệt, khi chuyển sang nghe thử đĩa Paul Hart Concerto for Guitar & Jazz Orchestra (John Williams, Guitar & National Youth Jazz Orchestra + Paul Hart, Conductor (CBS Inc.)), chúng tôi không thể nói gì hơn ngoài “xin ngả mũ kính chào” phono pream Aesthetix Rhea! Không gian của dàn nhạc jazz sâu thẳm, rộng lớn, “leng keng” và lộng lẫy với những tiếng guitar thùng dây nylon nỉ non, kèn đồng rúc, tiếng trống, chiêng, bass điện thúc…

Một thứ âm nhạc cấp tập mà vẫn đủ khoan thai chiếm hết tâm trí từ đầu đến cuối. Người nghe mặc dù đã nghe đĩa này nhiều lần vẫn bị dẫn dắt đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên đầy thú vị khác. Màn trình diễn này dung nạp hàng loạt các mâu thuẫn. Ngoài các mâu thuẫn tiểu xảo như tiếng dây nylon ngọt ngào trộn vào tiếng kèn trumpet gầm rú, tiếng trống giục giã còn có cả các mâu thuẫn đại cục: Đây đúng là một bữa tiệc đầy ắp hương vị hiện đại mà vẫn dân dã, phóng túng mà vẫn chặt chẽ. Nổi bật nhất trong dàn jazz này là bộ gõ với đủ đồ chơi rất sắc sảo.

Nâng niu từng tiếng nhạc đèn

Chúng tôi quyết định tham khảo một bộ sưu tập quý hiếm chưa từng nghe trước đó của Nhà xuất bản Time-Life Records (Mỹ): Concerts Of Great Music From The Renaissance (Tuyển tập âm nhạc thời kỳ Phục Hưng). Phần lớn mặt 1 (đĩa đầu tiên, gồm mặt 1 và mặt 10) là 2 tác phẩm nhạc hợp xướng dài (của tác giả Tallis), giữa chúng là tiết mục độc tấu đàn Orgue phô diễn bè trầm tuyệt diệu của nhạc cụ này: to tròn, dày nặng và căng mọng…

Ưu điểm: Tối ưu cho việc nghe nhạc từ đĩa than.

Nhược điểm: Chưa dễ tiếp cận vì giá còn khá cao.

Nghe các tiết mục acapella với giọng người dày quyện đặc quánh trong mặt 1 đĩa này mới thấy hết giá trị mềm mại của “giọng đèn”. Sự dịch chuyển âm lượng ‘to nhỏ, trái phải’ qua lại trên sân khấu thoảng như những làn gió, rất điêu luyện và điệu nghệ. Cộng với tình trạng đĩa mới, hầu như không tiếng sạn, thứ nhạc thánh thiện này càng sâu lắng hơn và như được nâng niu từng nốt.

Có một điều không thể không nhắc tới điểm mạnh trong thiết kế của Jim White: ông dùng nhiều power supply, và tạo ra âm thanh sống thực, khác âm thanh đèn xưa nghe chậm rãi, bị tô màu thiếu động lực thật sự của nhạc sống. Với các máy đèn của Aesthetix, ta có cảm giác là tốc độ xử lý của máy bán dẫn pha với chất ngọt rõ truyền cảm duy nhất của đèn.

Thật vậy Aesthetix Rhea là một cỗ máy 10 bóng, “hơi nhiều đèn” nhưng người nghe không hề cảm nhận về sự trì trệ của tốc độ (ví dụ, đĩa John Williams chơi cùng dàn nhạc jazz cực kỳ sôi động). Và cho dù ghép Rhea với ampli đèn kéo đẩy như Cronus Magnum hay Single End như Separo SE300i, người nghe cũng hoàn toàn không có cảm giác bất mãn nào về tốc độ cả. Về phương diện tốc độ, chúng tôi luôn tự tin như khi nghe CD vậy.

Chúng tôi liền nghe nốt 4 đĩa than còn lại trong bộ sưu tập Time-Life và hoàn toàn mãn nguyện. Aesthetix Rhea quả là một phono pre đáng mơ ước của người mê âm thanh analogue.

Tham gia khảo sát:

Phần cứng: Turntable Pioneer XL-1551, Clearaudio Concept Wood; Phono pre Aesthetix Rhea; Ampli đèn tích hợp Single End Separo SE300I, ampli đèn tích hợp kéo đẩy Rogue Audio Cronus Magnum; Loa Kenwood KL-5080 (với Separo), JBL Control Monitor 4312A (với Magnum). Dây tín hiệu Synergistic Research: Basik, Basik Activ, Basik Activ SE; dây loa Analysis Plus Oval 12/2; dây nguồn và lọc điện Furutech (cấp cho Aesthetix Rhea và Magnum); dây nguồn Monster, lọc điện APC, biến áp cách ly ACME (cấp cho Separo SE300I, Pioneer XL-1551).

Phần mềm: Ilana Vered – Tchaikovsky Piano Concerto No1 và Racmaninov Piano Concerto No2 (Decca Records 1981); Mstislav Rostropovich – Vladimir Vlasov Cello Concerto No1 & Henri Sauguet Melodie Concertante (USSR Melodie); Jovan Jovicic – Konzert za gitaru…; Paul Hart Concerto for Guitar & Jazz Orchestra (John Williams, Guitar & National Youth Jazz Orchestra + Paul Hart, Conductor (CBS Inc.)); LP Box: Concerts Of Great Music From The Renaissance (Time-Life Records)…

Cung cấp thiết bị: Audio Choice.


 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]