Ai dám kiện?

TP - 90% trong hơn 1.000 người dân được hỏi ý kiến nói, họ không hề biết đến bất kỳ cơ quan, hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nào. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện cách đây gần một tháng.

0

Và ngay cả khi biết, nhiều người cũng ngại kiện cáo với tâm lý “vô phúc đáo tụng đình”, “chờ được vạ thì má đã sưng”. Tuy nhiên, trong một xã hội, muốn phát triển, không chỉ người tiêu dùng mà tất cả công dân, ở bất cứ lĩnh vực nào, góc độ nào, cũng cần biết rõ các quyền và nghĩa vụ của mình. Nói riêng trong chuyện tiêu dùng, khi người dân không biết hoặc ngại thực hiện các hành động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình tức là đang tạo dư địa cho thói làm ăn gian dối, chụp giật.

Chính vì thế, câu chuyện kiện cơ sở bánh mì vì cho rằng sản phẩm của cơ sở này gây ngộ độc thực phẩm diễn ra ở tỉnh Bến Tre và những diễn biến của phiên tòa là những điều rất đáng suy ngẫm. Biết bao nhiêu người đã đi ăn hàng để rồi phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, nhưng mấy ai nghĩ đến chuyện kiện cáo, cùng lắm lần sau không ghé quán đó ăn nữa là xong. 

Chưa nói ai đúng ai sai, nguyên nhân ngộ độc có phải do bánh mì hay do cái gì nhưng với hơn 20 người cùng sử dụng sản phẩm của một cơ sở và cùng có triệu chứng như nhau thì hoàn toàn có khả năng đã xảy ra ngộ độc. Số tiền yêu cầu bồi thường cũng không cao, tuy nhiên, quan trọng hơn chính là ý thức bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng đã xuất hiện ở một số người dân và điều đáng ghi nhận là ý thức sử dụng luật pháp để bảo vệ quyền ấy.

Nhưng cũng trong phiên tòa, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, bên nguyên đơn phải thực hiện yêu cầu của tòa án là trưng ra… hóa đơn mua bánh mì. Với thực tế mua bán như hiện nay, có thể xem yêu cầu này là đánh đố. Trong phiên xử lại, tòa án một lần nữa bác yêu cầu đòi bồi thường với lý do bên nguyên đơn “không có phiếu xét nghiệm bệnh phẩm”, đòi hỏi bị một lãnh đạo ngành y tế tỉnh Bến Tre cho là “kỳ cục” và “không hiểu gì về chuyên môn của ngành y tế”.

Vậy mới thấy, ngay cả khi người dân có ý thức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đã sẵn sàng bỏ công sức ra đảm bảo điều đó được thực thi thì vẫn còn đó bao khó khăn. Rất có thể sau vài phiên tòa không đi đến đâu, những người đi kiện tiệm bánh mì kia cũng chán nản, buông xuôi, “về nhà đi cày cho lành”.

Cho nên, ngoài việc kêu gọi người tiêu dùng nâng cao ý thức về quyền lợi của mình, các cơ chế, định chế và hệ thống pháp luật cũng cần được đảm bảo luôn sát cánh với người dân, thực chất và hiệu quả. Quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng phải luôn là mục tiêu và động lực của một nền kinh tế phát triển lành mạnh.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]