Ai dẫn “Ô - sin” vào bẫy xứ người?

ĐIỀU TRA.- Nghèo khổ, ít học, thiếu hiểu biết đã đưa đẩy không ít người lao động Việt Nam sang Đài Loan mưu sinh bằng nghề giúp việc nhà. Và cũng may nhờ rủi chịu, gặp phải gia chủ tầm thường, vô đạo đức, nhiều người đã bị xúc phạm nhân phẩm, thiệt thòi cả quyền lợi vật chất và quyền lợi pháp lý

0

Tính đến nay, cả nước có hơn 45.000 lao động đi làm việcĐài Loan, trong đó khoảng 61% là lao động giúp việc nhà. Mối bận tâm hàng đầu ở thị trường này là tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ngày càng cao, chiếm khoảng 6%, chủ yếu giúp việc nhà và thuyền viên tàu cá. Cùng với bỏ trốn, số lao động vì nhiều lý do khác nhau bị trả về nước trước thời hạn cũng gia tăng.

Việc mất – tội mang

Ngày 1-1-2003, chị Lê Thị Mai Phượng (30 tuổi, trú tại thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) được Công ty TNHH Đỉnh Vàng (chi nhánh tại 40A Hồ Học Lãm, An Lạc, Bình Chánh - TPHCM) đưa đi giúp việc nhà ở Đài Loan. Theo lời chị kể, mọi chuyện rắc rối đến với chị ngay trong ngày đầu làm việc. Cháu của chủ nhà là một thanh niên trạc 20 tuổi, có ý định cưỡng hiếp. Thấy nguy, chị báo đến công ty môi giới, nhưng không được giải quyết.

Khoảng 2 tháng sau, cậu chủ này tiếp tục có hành vi sàm sỡ. Chịu không xiết, chị xin đổi chủ. Công ty môi giới khuyên: Cố gắng làm việc... Tưởng đã yên, nào ngờ đến tháng thứ ba, chị bị cậu chủ nhà đón lõng ở cầu thang, ép quan hệ tình dục. Hoảng, chị la lên, may có bà nội cậu chủ xuất hiện... Sang tháng làm việc thứ năm, trong khi chị Phượng đang dọn phòng, cậu chủ xông vào, tay cầm kéo dọa đâm để ép quan hệ. Chị chống trả quyết liệt, tay vớ lấy cây lao định chống trả, miệng kêu thất thanh cầu cứu...

Không chỉ nhiều lần bị cậu chủ này quấy rối, ông chủ nhà còn “khuyến khích” chị làm việc ấy và ép chị đêm đến vào phòng đấm bóp đến 0 giờ mới cho nghỉ. Kết cục cho hằng tháng trời bị ngược đãi đó, một lần chị bị chủ nhà chửi mắng, lấy ca uống nước đập vào người chị. Trong lúc... né đòn, chị huơ tay lỡ trúng vào mặt chủ. Thế là cái tội tớ dám đánh chủ được phản ánh ngay lên công ty môi giới... Đến lúc này, chị mới cảm nhận hết nỗi ê chề cho thân phận làm thuê ở xứ người. Không còn lối thoát, ngày 1-9, chị trốn ra ngoài và liên lạc với công ty môi giới báo sự việc. Thay vì cứu xét, chủ công ty môi giới chở thẳng chị Phượng đến trụ sở cảnh sát địa phương. Sau hơn một tuần bị tạm giam, ngày 9 – 9, chị bị trục xuất về nước.

Đi khó... về dễ

Cách đây 10 ngày, một nhóm gần 10 lao động do Trung tâm XKLĐ thuộc Công ty Tracimexco và Công ty Dịch vụ – XKLĐ Lasec đưa đi giúp việc nhà ở Đài Loan trở về trước thời hạn, còn tá túc tại Trung tâm Đào tạo Hoa ngữ Việt Hoa (số 20/D27 đường 3 Tháng 2, phường 12, quận 10 - TPHCM). Trong số ấy, tình cảnh của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (21 tuổi, quê ở Trà Vinh) mang đậm chất... bi hài kịch. Ngày 1 – 7 – 2002, chị được Công ty Lasec đưa sang Đài Loan. Công việc của chị là phụ làm công xưởng và giúp việc nhà cho một chủ nhà. Chị cho biết chỉ cố gắng làm để hoàn thành hợp đồng, ngày về có nhiều tiền phụ giúp gia đình. Nhưng rủi thay, chị vào làm cho một ông chủ... mang họ Sở, ép chị quan hệ tình dục. Chị báo về công ty môi giới xin đổi chủ, nhưng liền sau đó  bị ép ra sân bay về nước. Vì gánh nặng nợ vay mượn trước khi đi, chị xin được đi lại lần hai. Sau 45 ngày, vay nợ nộp thêm 500 USD, chị được đưa đi.

Lần này, chị làm được 4 tháng 20 ngày. Nhưng kết cục không khá hơn trước: Bị ép về nước mà không đưa ra bất kỳ lý do gì. Do quá uất ức, chị lấy lưỡi dao lam cắt mạch máu tay tự tử, để lại vết sẹo dài 4 cm. Một tháng ở lại Đài Loan dưỡng thương, chị được vợ chồng chủ công ty môi giới rỉ tai bảo nếu chị lấy chồng Đài Loan, ông bà sẽ lo cho, sẽ có cuộc sống sung túc hơn... Tin lời, chị xiêu lòng. Thế là từ phản ứng quyết liệt đòi làm việc, chị tự nguyện trở về lần thứ ba để... chờ ngày xuất giá. Nhưng 3 tháng qua, vị hôn phu bặt vô âm tín... Đến lúc này chị chỉ còn biết ngậm đắng nuốt cay.

Cùng cảnh... đi khó về dễ, còn có nhiều lao động khác. Nguyễn Thị Bích Phượng (21 tuổi, trú ở tỉnh Đồng Nai) ký hợp đồng với Tracimexco, đi từ tháng 6 – 2003. Công việc của Phượng là chăm sóc người già ở trại dưỡng lão. Sau 1 tháng 15 ngày, do có 2 lao động khác bỏ trốn, Phượng bị trả về nước để... bổ sung lại thủ tục: thế chấp tài sản. 20 ngày từ khi về nước đến nay, cô gái trẻ này đang rất hoang mang, vì nếu đi tiếp thì báo khổ gia đình, còn ở lại luôn thì khoản nợ vay trước khi đi không biết bao giờ trả.

Ở tận Hải Dương, nghe râm ran đi giúp việc nhà có nhiều tiền, chị Phạm Thị Mài 37 tuổi, bàn với chồng liều một phen, vun vén vay mượn tiền làm chi phí.  Ngày 10 – 11 chị được Lasec đưa sang Đài Loan giúp việc gia đình và phụ quán cơm. Do kinh doanh thua lỗ, chủ nhà thông báo không nhận người làm nữa sau khi chị Mài làm được 3 tháng 10 ngày.  Ngày 3 – 4 – 2003, thay vì chuyển chỗ làm khác, công ty môi giới ép chị Mài về nước mà trong tay không có đồng lương nào. “Từ đó đến nay, tôi chờ đợi đđược đưa đi lần hai, 5 lần gởi đơn cứu xét vì hoàn cảnh tôi quá nghèo, chồng bệnh, con thất học, nợ vay 17 triệu đồng chưa trả được... nhưng vẫn không được giải quyết” – chị Mài than thở.

Một lần “xuất ngoại”, mắc nợ cả đời

Hầu hết những người đi qua Tracimexco và Lasec phải nộp trước 500 USD, còn lại trừ dần vào lương. Thỏa thuận khi ký hợp đồng, mức lương đưa ra là 500 USD/tháng. Nhưng không biết trừ vào các khoản nào, lương thực tế mỗi người chỉ còn 100 USD, có tháng không lãnh được đồng nào. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết tính cả hai lần đi, làm việc hơn 6 tháng, chị chỉ nhận được 150 USD. “Hiện  khoản vay nóng 10 triệu đồng đã lên 20 triệu đồng. Từ lúc về đến nay tôi không dám liên lạc về nhà, vì sợ chủ nợ đến xiết”... Gần 1 năm sau khi khăn gói ra nước ngoài để rồi chị Phạm Thị Mài nói trong nước mắt: “Tôi chỉ nghĩ mình đi làm kiếm tiền để nuôi 2 đứa con thất học, chữa trị bệnh viêm gan cho chồng... Bây giờ biết tính sao đây, tiền vay chưa trả được đồng nào...”.

Chị Lê Thị Mai Phượng cho rằng mình bỏ trốn là do bất khả kháng, chứ không cố tình. Nhưng theo lý, Giám đốc Công ty Đỉnh Vàng Nguyễn Kim Thúy gởi thông báo về gia đình, nói rõ chị Phượng bỏ trốn khỏi nơi làm việc, bị cảnh sát bắt trục xuất về nước, yêu cầu thanh lý hợp đồng, nếu không sẽ khởi kiện để thu hồi nợ. Ông Nguyễn Huy Quang, giám đốc Công ty Lasec cũng trưng ra những bản cam kết, giấy tờ chứng minh người lao động vi phạm hợp đồng.

Mặc dù khẳng định lỗi thuộc về người lao động, nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi người lao động làm tốt nhưng do bà chủ nhà ghen cho nghỉ làm, hoặc vì cưỡng bức, ngược đãi dồn vào thế đường cùng phải bỏ trốn thì lỗi có thuộc về họ hay không, ông Quang lại thừa nhận: Có thể người lao động không có lỗi, nhưng rất khó được bảo vệ, vì chủ nhà không ai lại tự thừa nhận mình sai...

Hãy xem đó là một nghịch lý khó tránh khỏi đối với bất kỳ ai chọn nghề với không ít rủi ro, bất trắc này để mưu sinh và hy vọng đổi đời.

Nguyễn Duy
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]