Nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của các chương trình khám sức khỏe định kỳ, đó là để tầm soát và sau đó chữa căn bệnh được phát hiện trước khi quá muộn.

Song song với mức sống đang được cải thiện từng ngày, việc khám sức khỏe định kỳ cho công nhân viên ở nước ta tuy rõ ràng đã được chú trọng hơn xưa nhưng rất tiếc vẫn còn vướng mắc nhiều điểm không hợp lý, thậm chí nghịch lý.

Nhiều chương trình khám sức khỏe được bác sĩ tiến hành qua loa khiến người được khám tiền mất tật mang.

Khám qua loa, thiếu linh hoạt với từng đối tượng

- Chưa tầm soát được bệnh: Dịch vụ khám sức khỏe thường không chú trọng vào nhược điểm đã biết của từng đối tượng. Bằng chứng là ở nhiều nơi, mô hình khám sức khỏe cho người còn khả năng lao động thường được thực hiện trên tinh thần trả bài cho xong theo quy định của Nhà nước. Tệ hơn nữa là công việc của thầy thuốc hầu như chỉ để xác minh tính chất còn khỏe mạnh của đối tượng đã tham gia chương trình vì bó buộc nhiều hơn là tự giác. Hậu quả là biện pháp tuy mang tên là khám sức khỏe nhưng trên thực tế lại xa rời mong muốn tầm soát bệnh của người được khám bệnh.

- Chưa có mô hình khám linh động: Một mô hình khám sức khỏe đúng nghĩa, cho dù người đến khám bệnh có sẵn sàng chi trả thả giàn đi nữa, vẫn khó bao gồm trọn gói một lần với tất cả biện pháp tầm soát. Thầy thuốc vì thế cần thiết kế một mô hình linh động theo khả năng của mỗi doanh nghiệp và yêu cầu thiết thực của từng người cần khám bệnh.

- Nhiều mục tiêu khám không thiết thực: Chương trình khám sức khỏe định kỳ hiện nay thường chia năm xẻ bảy mục tiêu chẩn đoán trong khi kinh phí eo hẹp. Hậu quả là người khám bệnh ra về với vài con số xét nghiệm chỉ để làm màu. Cụ thể hơn, không nhất thiết phải chụp ảnh cắt lát do đề nghị của nơi khám bệnh mới mua máy và cần gỡ vốn cho nhanh. Nhưng cũng không thể chỉ cho xét nghiệm một trong ba loại men gan vì cần để dành tiền cho xét nghiệm khác. Gom nhiều kết quả tưởng là xôm tụ nhưng chẳng ích gì nếu thầy thuốc qua đó không thể chẩn đoán gì hết.

Những mục tiêu khám sức khỏe có chất lượng

Chương trình khám sức khỏe định kỳ theo kiểu nào tùy ý người đặt hàng nhưng chỉ hữu ích khi không xa rời các mục tiêu cơ bản dưới đây:

- Phát hiện nhược điểm sức khỏe của mỗi đối tượng cá biệt để thầy thuốc từ đó tiến hành biện pháp chẩn đoán chuyên sâu nếu cần thiết, đồng thời tư vấn về phương án phòng bệnh. Người khám sức khỏe nếu ra về mà không nhận được ít điểm cần lưu ý cho sức khỏe của riêng mình thì việc khám sức khỏe chỉ là ném tiền qua cửa sổ.

- So sánh kết quả lưu trữ của lần khám trước để đánh giá diễn tiến bệnh lý trên mỗi đối tượng cá biệt và từ đó đề nghị biện pháp xử lý tương xứng. Thầy thuốc không thể đánh giá sức khỏe của người tham dự chương trình khám nếu không hình dung được sức khỏe của đối tượng trước đó ra sao.

- Ưu tiên phát hiện các bệnh bội nhiễm như lao phổi, viêm gan, bệnh ngoài da, bệnh phong tình… cho đối tượng làm việc trong môi trường dễ lây lan.

- Tầm soát các căn bệnh thời đại có liên quan đến sức đề kháng như tiểu đường, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, viêm loét dạ dày, thiếu máu… cho người có nguy cơ cao hay tiền căn mắc bệnh.

- Theo dõi diễn biến của các loại bệnh thoái hóa ác tính tùy theo tuổi của đối tượng, chẳng hạn ung thư ruột ở nam giới từ tuổi 55, hội chứng mãn kinh, ung thư vú ở phụ nữ từ tuổi 50…

Muốn theo đuổi chiến lược lâu dài, doanh nghiệp cần nắm rõ sức khỏe của đội ngũ nhân sự. Nếu công ty tổ chức khám sức khỏe để rồi không biết ai mạnh, ai yếu thì chương trình khám sức khỏe cho dù có được tô son điểm phấn bằng thương hiệu của phòng khám nào đó vẫn chỉ là bán hàng giả mà thâu tiền thật. Khám sức khỏe như thế thì người cuối cùng khỏe re chỉ có thể là… bác sĩ.

Nên khám kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Đối với những người làm việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại, lớn tuổi… thì nên khám kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất sáu tháng một lần để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất làm việc và cải thiện chất lượng cuộc sống con người.

***

Nên đánh giá sức khỏe theo nhóm

Việc phân loại và đánh giá sức khỏe của mỗi đối tượng nên được xếp theo nhóm, chẳng hạn theo tiêu chí từ nặng đến nhẹ như sau:

- Đối tượng cần được khẩn trương điều trị với bác sĩ chuyên khoa.

- Đối tượng cần được tiếp tục chẩn đoán chuyên sâu và điều trị nếu cần thiết.

- Đối tượng cần được theo dõi bệnh lý cụ thể nào đó.

- Đối tượng hiện không có vấn đề với sức khỏe.

BS LƯƠNG LỄ HOÀNG, Trung tâm Oxy cao áp, TP.HCM


Video đang được xem nhiều