Ăn chặn sữa bị khiển trách, bài học vàng về “ăn bẩn”

Giám đốc và Phó Giám đốc ăn chặn sữa độc hại của công nhân và kê khống phân bón đã có hồi kết bằng 2 quyết định khiển trách và cảnh cáo. Tweet

15.5519

Những công nhân phải làm việc với rác thải độc hại mỗi ngày nhưng vẫn bị cấp trên ăn chặn tiền sữa.

Câu chuyện các lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nha Trang ăn chặn sữa của công nhân với tổng số tiền 457 triệu đồng, quyết toán khống 408 triệu đồng tiền phân bón thảm cỏ, tự chi lương lãnh đạo vượt 1,6 tỷ đồng so với quỹ lương được phê duyệt gây xôn xao dư luận vào cuối năm 2014 đã có kết quả xử lý.

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lương Khánh Thuận, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Nha Trang. Ngoài ra còn có một quyết định kỷ luật với hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đăng Khoa, nguyên thành viên HĐTV, Phó Giám đốc công ty trên.

Đọc xong mẩu tin này, ai không thấy bất bình chắc chỉ có thể là người đến từ sao Hỏa. Hai ông Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty trong quá trình làm lãnh đạo đã tự trả lương cho mình cao chất ngất, lương của công nhân thì nợ đọng. Đến cái khoản 10.000 đồng tiền sữa độc hại/ngày/người của công nhân, các ông này cũng hớt ngọn ăn luôn. Rồi còn kê khống phân bón cho thảm cỏ để lấy tiền ăn tiếp.

Ấy thế nhưng, kết luận xử lý vụ việc của UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ là khiển trách và cảnh cáo. Như đùa. Như bỡn cợt với sự bức xúc của dư luận suốt bấy lâu nay. Thật là một trò đùa cay đắng cho những người lao động thấp cổ bé miệng ở cái công ty ấy.

Tôi thì chỉ băn khoăn một điều thế này, cái kiểu ăn uống của ông Thuận, ông Khoa có thể gọi đích xác là “ăn bẩn”, “ăn trên lưng”, “ăn trên mồ hôi người lao động". Thế mà với 2 quyết định khiển trách và cảnh cáo nhẹ như phủi bụi thế này, phải chăng người ta đang giễu cợt những bài học dạy trẻ con phải ăn uống vệ sinh, sạch sẽ trong sách giáo khoa?

Thế đấy. Cứ dạy trẻ con ăn uống phải giữ vệ sinh, sống phải trung thực, ngay thẳng, không được gian tham, ăn chặn của người thấp cổ bé miệng. Vậy mà đến lúc làm thì thế nào? Phải chăng quyết định kỷ luật chỉ là khiển trách và cảnh cáo bởi vì so với những vụ “ăn uống” khác, gần 1 tỷ đồng tiền sữa, tiền phân và 1,6 tỷ tiền lương chi sai chỉ là bọt bèo, không đáng kể?

Càng ngẫm càng thấy buồn. Ai cũng phê phán ý thức tuân thủ pháp luật của người Việt Nam yếu kém, còn một khoảng cách xa so với các nước văn minh. Thế nhưng cái trách nhiệm làm gương của một bộ phận những người có quyền thì đã bị bỏ quên. Những vụ kỷ luật mà như không thế này càng làm cho tình trạng ấy trầm trọng hơn, khiến người dân mất niềm tin vào sự công minh của luật pháp.

Tôi chỉ mong sao càng ít những đứa bé đang tuổi cắp sách đến trường biết về vụ kỷ luật do “ăn bẩn” này càng tốt. Bởi một khi chúng đã có những ví dụ bằng vàng về việc người lớn nói một đằng làm một nẻo thế này, chúng sẽ biết tin ai? Tin vào những bài học đạo đức ở trường hay tin vào chuyện “làm sai nhưng lại có thưởng” thế này?

Điều có hại cho xã hội và cộng đồng không phải là viêc những người nghèo đang nghèo thêm, người giàu bất chính đang giàu lên mà chính là chúng ta không còn tin là có công lý trên đời, không tin rằng làm việc xấu sẽ bị trừng phạt, làm điều tốt thì được trân trọng, tôn vinh.

Theo Báo Đất Việt

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]