Theo tài liệu của Viện Dinh dưỡng quốc gia, gạo lứt là loại gạo chỉ xát vỏ trấu ngoài, còn nguyên lớp vỏ cám bên trong. Nhờ vậy, hạt gạo rất giàu chất xơ và có nhiều dưỡng chất quan trọng: các loại vitamin (B1, B2, B3, B6…), canxi, sắt, kẽm. Lượng đạm được giữ lại cũng khá cao (7,6% đạm/100g gạo). 
Phương pháp ăn gạo lứt, muối vừng trị bệnh được coi là công trình nghiên cứu của một giáo sư người Nhật. Sau khi được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, phong trào ăn loại thực phẩm này nhanh chóng lan ra nhiều nước. Trước đây, nhắc đến gạo thực dưỡng, loại gạo có tác dụng trong việc ngăn ngừa và hỗ trợ trong quá trình trị bệnh người ta chỉ nghĩ đến gạo lứt. 
Hiện nay, trên thị trường xuất hiện khá nhiều loại gạo thuộc nhóm thực dưỡng như gạo đen, gạo mầm, gạo Ấn Độ, gạo tím than…

TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, so với gạo trắng, gạo lứt chứa nhiều dinh dưỡng nhưng lại khó ăn hơn. Với thành phần đã nói ở trên, gạo lứt nói chung có tác dụng tốt cho sức khỏe nên không riêng gì người bệnh mà người khỏe mạnh cũng nên ăn để phòng ngừa bệnh tật. Riêng với những người mắc các bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu, béo phì… thì gạo lứt thật sự là thực phẩm lý tưởng để cải thiện sức khỏe.

Do cũng là ngũ cốc như gạo trắng nên cơm gạo lứt có thể ăn với các đồ ăn kèm khác mà không kiêng kỵ gì. Cũng theo chỉ dẫn của TS Lâm, trước khi nấu nếu ngâm gạo trong nước ấm một lúc, sẽ đánh thức được thêm một số chất dinh dưỡng khác. 
Tuy nhiên cần lưu ý, vì gạo lứt có quá nhiều chất dinh dưỡng nên ăn sẽ lâu tiêu hơn cơm bình thường. Tốt nhất chỉ những người đã trưởng thành hãy nên ăn. Còn trẻ em thì không nên, vì quá trình tiêu hoá chậm hơn người lớn.

Còn gạo huyết rồng trồng ở vùng nước ngập sâu, hạt lúa mẩy, màu đỏ nâu, bẻ đôi hạt gạo vẫn còn màu đỏ bên trong, cơm gạo huyết rồng càng nhai càng có vị ngọt và béo bùi. Gạo lứt và gạo huyết rồng khác nhau. Nếu như gạo lứt có tác dụng tốt cho người mắc bệnh tiểu đường thì gạo huyết rồng lại ngược lại. Lý do là do gạo huyết rồng có chỉ số đường huyết thuộc nhóm cao, không phù hợp cho bệnh nhân tiểu đường. Loại gạo này có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho trẻ em vì hàm lượng dinh dưỡng cao.

“Dù đây là những loại gạo có tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng người tiêu dùng không nên lạm dụng. Ăn uống điều độ, hợp lý và khoa học chứ không nên ăn quá nhiều và nghe theo lời quảng cáo. Với mỗi người, đặc biệt là người có bệnh trước khi sử dụng các loại gạo này cần có sự tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ”, TS Lâm khuyên.

Lệ Hà ghi/TGTT