Ẩn họa từ thuốc nhuộm tóc

Tác hại của nhuộm tóc ai cũng từng nghe nói đến, nhưng hậu quả thực sự của nó thì hầu hết mọi người đều nhắm mắt làm lơ.

15.5808

Cấp cứu vì... nhuộm tóc

Bây giờ, ra đường người nhuộm tóc nhan nhản, nên anh Nguyễn Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) đâu có ngờ, một ngày mình phải vào bệnh viện cấp cứu chỉ vì thuốc nhuộm. Anh Thanh được người nhà đưa vào Bệnh viện Da liễu Hà Nội trong tình trạng vùng mang tai bị tổn thương nặng, mặt và khắp người đầy mụn nước, thở yếu, có triệu chứng suy gan, thận… Người nhà cho biết, cách đó 1 tuần, anh đi nhuộm tóc ngoài hiệu, sau đó có dấu hiệu mẩn ngứa, khó chịu vùng da đầu nhưng chủ quan cho rằng không sao nên cố chịu.
 
Các bác sĩ hỏi thêm mới biết, sau đó bệnh nhân có tắm. Điều này gây ra tác hại còn lớn hơn, do dội nước gội đầu và tắm nên thuốc nhuộm tóc chảy xuống khắp cơ thể, khiến tất cả những vùng cơ thể bị dính thuốc nhuộm đều mẩn ngứa rồi phát triển thành các bọng nước. Gia đình đoán già, đoán non lí do không ngờ là do thuốc nhuộm, đến khi đưa vào viện, bệnh đã diễn biến rất nặng.
 
Ảnh minh họa.
 
Tuy nhiên, đây không phải chuyện hiếm. Trao đổi với chúng tôi, Th.S Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, hàng ngày bệnh viện đều gặp vài trường hợp là nạn nhân của thuốc nhuộm tóc. Nhẹ thì bị dị ứng, rụng tóc, viêm da, nấm... nặng thì tai biến và có thể tiến triển gây ung thư da.
 
Hiện nay, chị em rất ưa chuộng tóc nhuộm, nhất là những màu thời trang không quá khác biệt so với làn da Á Đông như màu nâu, nâu hạt dẻ, màu đồng, vàng sậm… Ít ai biết rằng, cùng với sự “lên ngôi” của những màu tóc thời trang qua mùa này tới mùa khác, thì số bệnh nhân vì thuốc nhuộm tóc tại các bệnh viện cũng ngày một gia tăng.

Nguy cơ ung thư

Th.S Thảo phân tích, bản thân tóc là một protein hóa sừng, rất khó có chất nhuộm màu nào có thể thay đổi màu tóc mà không gây độc hại. Hiện có hai kiểu nhuộm hay được sử dụng là nhuộm tạm thời và vĩnh viễn. Với thuốc nhuộm tạm thời (bán sẵn), lúc nhuộm lên tóc thuốc sẽ cho màu như ý muốn, khi gội màu sẽ hết. Công thức của chất nhuộm tạm này gồm chất tẩy và đặc biệt là chất màu azoic với axit citric, tartric, hàn the, glycol, cồn, amin... Theo FDA (cơ quan kiểm soát Thực - Dược phẩm Mỹ), các chất này thường gây nhức đầu, ù tai, dị ứng da đầu và làm rụng tóc.

Thuốc nhuộm màu vĩnh viễn hiện nay hầu hết chứa hoạt chất paraphenylenediamin. Thuốc nhuộm chứa paraphenylenediamin được trộn lẫn với H2O2 rồi chải lên tóc, chờ vài phút gội sạch là đã có một mái tóc màu mới. Tùy theo phụ gia thêm vào mà thuốc nhuộm loại này cho thêm các màu: đen Đông phương, nâu đen, nâu đỏ, tóc hung... Tuy nhiên, thực nghiệm cho thấy, nếu dính vào da mặt, da đầu trong khi nhuộm tóc, thuốc này có thể gây kích ứng da, dị ứng và thậm chí ung thư da.

Tại Mỹ, các nhà khoa học cũng đã chứng minh, paraphenylenediamin gây dị ứng, chàm, hen, loét dạ dày, làm da mẩn đỏ, nhạy cảm với nắng và có thể gây tử vong nếu ngộ độc nặng. DS Phan Đức Bình, Hội Dược học Việt Nam cho biết, các chất phụ gia như propylenglycol và isopropyl alcohol cũng gây tác hại không nhỏ. Propylenglycol ảnh hưởng tới gan, thận, não, còn isopropyl alcohol thì có thể gây trầm cảm, nhức đầu.

Ngày nay, nhuộm tóc đã trở thành một phương thức làm đẹp rất phổ biến ở nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Với trường hợp bắt buộc phải nhuộm tóc, các chuyên gia khuyên rằng, quá trình nhuộm phải được thực hiện tỉ mỉ, chải tóc sao cho thuốc dính lên sợi tóc cách da đầu 1 - 2 mm và tránh chạm vào da đầu. Cần nhớ rằng, sau khi nhuộm mà thấy da đầu bị viêm, nổi mụn, ngứa lở lâu lành thì phải đi chữa trị sớm, không tùy tiện dùng thêm các thuốc dưỡng tóc và thuốc khác mà không có chỉ định của bác sĩ.
 
Theo Phụ nữ Việt Nam
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]