Nhìn nhận đúng đắn về Low Carb

Bắt nguồn từ phương pháp giảm cân Atkins Diet, Low Carb là phương pháp giảm cân được nhiều người mẫu, ngôi sao trên thế giới ưa chuộng vì nó có thể khiến bạn giảm cân, tiêu đốt mỡ thừa trong một thời gian nhanh chóng mà không phải nhịn ăn.

Low Carb là từ viết tắt của quá trình lowcarbonhydrate tức là làm giảm hoặc triệt tiêu lượng carbonhydrate trong cơ thể. Bình thường, cơ thể của chúng ta hoạt động được là nhờ nguồn năng lượng tích tụ từ hai thành phần là mỡ và carbonhydrate. Nếu cắt bỏ một trong hai nguồn năng lượng này đi thì cơ thể sẽ tiêu đốt rất mạnh thành phần còn lại. Vì vậy, phương pháp ăn kiêng Low Carb hoạt động trên nguyên tắc hạn chế tối đa lượng carb nạp vào để cơ thể có điều kiện sử dụng toàn bộ lượng mỡ cho quá trình vận động.

Những loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột như cơm, gạo, bánh mì, ngô, sắn… được xem là nguồn carb dồi dào và là thủ phạm chính khiến chúng ta có cảm giác thèm ăn đồ ngọt, tạo ra mỡ trong cơ thể. Ăn kiêng theo kiểu Low Carb là bạn sẽ hoàn toàn cắt bỏ lượng đường và tinh bột, đồng thời nạp thêm thật nhiều thực phẩm chứa hàm lượng cao protein, chất béo để việc đốt mỡ diễn ra trơn tru. Đây cũng là lý do khiến Low Carb giúp chúng ta có một thân hình săn chắc và gần như “xóa sổ” được một lượng lớn mỡ thừa tích tụ.

Những điều gây tranh cãi

Khi mới nghe thì có vẻ như Low Carb là một phương pháp giảm cân lý tưởng vì người ăn kiêng sẽ không phải khổ sở nhịn ăn mà trái lại có thể ăn được rất nhiều món mình yêu thích miễn là tránh xa tinh bột và đường. Thế nhưng, cho đến nay, phương pháp ăn kiêng Low Carb vẫn còn là đề tài gây nhiều tranh cãi đối với các chuyên gia thể hình. Nhiều ý kiến cho rằng Low Carb chỉ thích hợp đối với những người có một chế độ tập luyện hoặc muốn ép cân trong một thời gian ngắn và tạm thời chứ không có tác dụng giữ gìn vóc dáng về lâu dài.

Theo TSBS Lâm Vĩnh Niên, Khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM: “Chế độ ăn Low Carb là chế độ ăn hạn chế chất bột đường (carbohydrate, như ngũ cốc, tinh bột, trái cây), đồng thời tăng cường chất đạm và chất béo. Có nhiều loại chế độ ăn Low Carb, mỗi loại khác nhau về mức độ giới hạn chất bột đường. 
Trong dài hạn, chế độ ăn hạn chế chất bột đường có thể gây thiếu vitamin và khoáng chất, mất xương, rối loạn tiêu hóa và tăng nguy cơ nhiều bệnh mạn tính khác. Hạn chế nghiêm trọng lượng chất bột đường đến dưới 20 g/ngày có thể gây nhiễm ceto với biểu hiện buồn nôn, nhức đầu, mệt mỏi về thể chất và tinh thần, hơi thở hôi. Bên cạnh đó, việc ăn lượng lớn chất béo và protein từ nguồn động vật có thể làm tăng nguy cơ bệnh tim và một số loại ung thư.”
Trao đổi với phóng viên Một thế giới, anh Chí Thiện (Nhân viên văn phòng, 25 tuổi) chia sẻ hiện tại vì áp dụng quá đà chế độ ăn Low Carb và sau khi thực hiện các xét nghiệm kết quả anh bị bệnh Gout nặng, chỉ số lúc bấy giờ (axit uric) đã là hơn 720 (µmol/l). Trao đổi với BS Niên: “Hiện nay, vẫn còn chưa thống nhất trong giới khoa học về ảnh hưởng của chế độ ăn giảm cân lên biểu hiện của bệnh Gout. 
Tuy nhiên, người ta nhận thấy bệnh Gout có liên quan đến tình trạng béo phì — vốn thường gặp ở những người muốn giảm cân. Giảm cân nhanh cũng dẫn đến dẫn đến tăng nguy cơ của Gout. Đó là do cơ thể tăng chuyển hóa mô của chính mình dẫn đến tạo nhiều purin, tiền chất của acid uric gây bệnh Gout. Một số thực phẩm giàu đạm cũng giàu purin. Bên cạnh đó, tải đạm cũng gây stress cho thận, khiến thận nhạy cảm với thay đổi của nồng độ acid uric.”
Bản thân Low Carb không phải là một phương pháp tiêu cực. Nếu bạn có một chế độ sinh hoạt lành mạnh, chăm chỉ tập luyện thể thao và chăm sóc da hợp lý thì việc áp dụng phương pháp Low Carb để thu gọn vóc dáng là điều nên làm. Ngược lại, việc lạm dụng hoặc phó mặc cơ thể cho một hình thức ăn kiêng duy nhất mà quên đi những yếu tố khác sẽ chỉ đạt được kết quả nhất thời.  
Nguyên Vy