Ăn mặn bao nhiêu thì tốt?

Nếu nghĩ giảm lượng muối dùng hằng ngày bằng cách không nêm muối khi nấu nướng thì sai lầm, vì trong thực phẩm đã có một lượng muối khá lớn ẩn mình.

15.5976

Muối được dùng để nêm vào thức ăn cho khỏi nhạt thì ai cũng biết. Cơ thể chúng ta còn cần có muối để nâng cao chức năng giải độc vì muối là thành phần quan trọng của thể dịch, đóng vai trò đẩy mạnh chức năng trao đổi chất và lọc máu; hỗ trợ tiêu hóa, hấp thu, kích thích tế bào khiến thể chất, tinh thần phấn chấn, cơ thể có sức dẻo dai, bền bỉ.

Tốt nhưng lắm nguy cơ

Ảnh minh họa.

Cơ thể thiếu muối sẽ sinh ra mệt mỏi, chán ăn, hoạt động của tim và chuyển hóa nước bị rối loạn, khả năng lao động giảm, sức đề kháng suy yếu.

Tuy thế, lượng muối vào trong cơ thể mỗi ngày phải hợp lý. Bởi nếu chúng ta lạm dụng muối hay nói một cách khác là nếu chúng ta ăn mặn, sẽ dẫn đến các nguy cơ sau đây:

- Cơ thể sẽ hấp thu nhiều sodium và bài tiết một lượng lớn calcium, đe dọa tỉ trọng và sức khỏe của xương và nhiều bộ phận khác dẫn đến nguy cơ bệnh loãng xương, nhất là phụ nữ.

- Lượng sodium trong máu cao sẽ làm tăng huyết áp, rất nguy hiểm cho người bị cao huyết áp vì sẽ dẫn đến đột quỵ.

- Nguy cơ bị sỏi thận hoặc ung thư dạ dày nhiều hơn.

- Cơ thể tích trữ muối nhiều dẫn tới phá vỡ cấu trúc chuỗi ADN, khiến các cơ chế phục hồi tế bào hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động.

Đặc biệt, khi đang điều trị một số bệnh thuộc hệ tuần hoàn và hệ sinh dục, tiết niệu, người bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn kiêng mặn để đề phòng tai biến. Tốt nhất là nên tham khảo thầy thuốc về dinh dưỡng để có thực đơn hợp lý.

Lưu ý giới hạn an toàn

Chính vì lượng muối đưa vào cơ thể bao nhiêu là rất quan trọng đối với việc phòng ngừa bệnh tật nên ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 1990 cũng đã khuyến cáo giới hạn an toàn khi sử dụng muối là 6 g/người/ngày. Còn theo các khảo sát hiện có, mức tiêu thụ muối trung bình của người dân nước ta đang là 8,1 g/ngày, rất cao so với khuyến cáo của WHO.

Thêm một điều cần lưu ý nữa là sẽ rất sai lầm nếu quan niệm giảm lượng muối dùng hằng ngày của mình bằng cách không nêm muối khi nấu nướng, vì dù không muốn thì chúng ta cũng vô tình phải nuốt một lượng muối khá lớn ẩn mình trong các loại thực phẩm, nhất là thực phẩm chế biến sẵn. Đó chính là hàm lượng natrium có sẵn trong các loại thực phẩm với một tỉ lệ nhất định.

Cụ thể: Ngũ cốc, khoai, đậu hạt, rau trái (20 mg/100 g); cải bắp, xà lách xoong, sữa bò, thịt súc vật, cá đồng, cá biển (20 - 100 mg/100 g); trứng, cá hộp, ốc, sò, bánh mì, xúc xích (100 - 1.000 mg/100 g); thịt hộp, mắm cá, ruốc, dăm bông, thịt, cá chà bông, nước chấm, tương, nước mắm (1.000 - 9.600 mg/100 g). Lượng natrium có trong các loại thực phẩm nói trên, khi cần quy đổi ra muối ăn thì nhân cho 2,5.

Người quan tâm đến chế độ ăn uống để bảo vệ sức khỏe, nếu biết được hàm lượng natrium có sẵn trong các loại thực phẩm như thế nào thì hẳn sẽ điều chỉnh được chế độ ăn uống cho hợp lý.
 
Theo NLĐ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]