Ăn nhiều rau quả hạn chế bệnh lột da

DA LIỄU.- Người bệnh nên tránh tiếp xúc nhiều với nước, hóa chất, chất tẩy rửa

0
Lột da tay, da chân là chứng bệnh rất thường gặp trong đời sống cộng đồng. Vì không có những biến chứng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nên mọi người thường không chú ý nhiều đến bệnh này. Tuy nhiên, nếu không được quan tâm đúng mức, bệnh không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt hàng ngày.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Ánh, Bệnh viện Da liễu TPHCM, bệnh lột da tay, da chân được gọi là bệnh dày sừng lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc bệnh chàm khô, chàm nứt nẻ, chàm tăng sừng. Những bệnh dễ mắc phải của dạng bệnh này là vẩy nến, chàm, lichen, nấm da, chai, ghẻ, nhiễm độc arsenic (arsenic là một kim loại nặng thường có trong những vị thuốc đông y dùng để chữa các bệnh hen suyễn, vẩy nến...). Ngoài ra còn có những bệnh bẩm sinh như da vẩy cá, bệnh vẩy đỏ nang lông, bệnh loạn sừng. Triệu chứng của những bệnh này là da lòng bàn tay, bàn chân khô, dày, nứt nẻ hoặc bong từng lớp, khô và tróc thành từng mảng nhỏ, khi sờ vào có cảm giác dày, nhám.

Về cách chữa trị, bệnh nhân có thể tự thoa thuốc bong sừng, làm mềm da. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần phải tránh dùng xà phòng vì xà phòng dễ làm da khô hơn hoặc kích thích gây ngứa cũng như không được chà bàn chải, xát muối, tự lột da tay, da chân làm bong vết thương. Khi đó, da càng mỏng hơn nhưng vẫn khô gây đau nhiều hơn, đôi khi gây lở, nhiễm trùng. Mắc bệnh lột da tay, da chân, người bệnh cần hạn chế làm những việc tiếp xúc nhiều với nước, hóa chất, chất tẩy rửa hay những việc cần sử dụng đầu ngón tay như đàn, sử dụng máy vi tính, may đan khi vết nứt sâu.

Bên cạnh việc chữa trị bằng cách thoa thuốc nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng da khô thêm, người bệnh cần ăn nhiều rau quả, trái cây và thức ăn giàu vitamin A. Bệnh thường kéo dài và dễ tái phát, vì vậy cần kiên trì thoa thuốc thường xuyên.

Phương - Thùy
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]