An toàn vệ sinh thực phẩm chuyển biến còn chậm chạp

VTV.vn - Thời gian qua, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đã được báo chí nói đến rất nhiều. Tuy nhiên, hiện tốc độ thay đổi tích cực vẫn còn rất chậm chạp.

15.6004

Hiện mối lo về mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp đã quá rõ và đang tác động rất xấu đến sức khỏe của người dân và cả trong xuất khẩu. Xuất phát từ thực tế đó, năm nay, Bộ NN&PTNT đã lấy là Năm An toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp.

Ngày 19/10, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhận định được đưa ra trong hội nghị là: Tốc độ thay đổi tích cực trong vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn còn chậm chạp. Từ đầu năm đến nay có 48/63 tỉnh đã triển khai kiểm tra, xếp loại các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản. Cơ sở xếp loại C chiếm hơn 20%. Tuy nhiên, sau khi tái kiểm tra thì có đến 88% cơ sở loại C không có biến chuyển tích cực. Trong khi đó những vi phạm mới liên quan đến an toàn thực phẩm có dấu hiệu gia tăng.

Theo nhận định của cơ quan liên quan, hiện đang tồn tại 3 vấn đề nổi cộm liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là: Chất cấm trong chăn nuôi, cụ thể là chất Salbutamol và chất Vàng 0 trong chăn nuôi vẫn đang được lạm dụng rất rộng rãi; tồn dư thuốc BVTV trong rau, quả; tồn dư kháng sinh trong thịt lợn, gà, thủy sản và ô nhiễm vi sinh vẫn còn ở mức cao.

Vậy, tại sao nước ta đã có đầy đủ văn bản pháp luật, nhưng tình trạng an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp vẫn tồn tại bức xúc như vậy?

Liên quan tới vấn đề này, trong cuộc trao đổi với phóng viên VTV, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho rằng: "Vấn đề an toàn thực phẩm tại các nước trên thế giới hiện là một vấn đề nan giải và với Việt Nam vấn đề này còn khó khăn phức tạp hơn. Nguyên nhân là do Việt Nam quản lý an toàn thực phẩm trong nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ; liên kết giữ các hộ nông dân nhỏ lẻ và liên kết giữa nhà sản xuất và phân phối đang rất lỏng lẻo; trình độ canh tác của người nông dân cũng như công nghệ chế biến sau thu hoạch của Việt Nam đang lạc hậu”.

“Việt Nam đã có hệ thống văn bản pháp luật, tuy nhiên vấn đề thực thi pháp luật lại chưa được đầy đủ và chặt chẽ” - ông Tiệp nhấn mạnh.

Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, theo ông Tiệp nguyên nhân chủ quan khiến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp thay đổi chậm chạp còn là do sự vào cuộc của các cấp địa phương chưa quyết liệt và chưa đáp ứng được yêu cầu.

Xung quanh những vấn đề trên, mời quý vị theo dõi trọn vẹn cuộc trao đổi của phóng viên VTV với ông Nguyễn Như Tiệp qua VIDEO!

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]