ANTESCO và giấc mơ con thuyền rau quả hội nhập

Trước cơ hội mở ra từ sân chơi hội nhập, Antesco đang kỳ vọng đưa nông dân, doanh nghiệp trong ngành lên cùng một con thuyền đi ra biển lớn.

15.5999

Ngày 6/10 vừa qua, sau 5 năm ròng rã quá trình đàm phán Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức hoàn tất. Đây là thời cơ mà ông Huỳnh Quang Đấu – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Rau quả Thực phẩm An Giang (Antesco) đã chờ đợi rất lâu. Bởi, rất nhiều quốc gia tham gia TPP là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Antesco.

Đón sóng TPP

Để khai thác cơ hội này, Antesco đã lên kế hoạch liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành rau quả và nông dân để nâng cao năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, nhà máy thứ 3 của Antesco tại KCN Bình Khánh (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) với công suất 25.000 tấn thành phẩm trái cây/năm – gấp đôi hai nhà máy hiện tại của Antesco, dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay. Ông Đấu cho biết, nhà máy này được ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất của châu Âu, nhằm đáp đứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường về chất lượng. Tập trung vào định hướng xuất khẩu các sản phẩm rau quả đông lạnh và đóng hộp, hiện Antesco đang có khoảng 70 sản phẩm các loại, trong đó bắp non đóng hộp và đậu nành rau là hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Antesco đã có thị phần khá vững trên thị trường thế giới.

Hiện nay, sản phẩm của Antesco đã có mặt tại 30 thị trường trên thế giới, thuộc nhiều châu lục khác nhau như: châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc… Trong các thị trường xuất khẩu này, châu Âu đang chiếm tỷ trọng lớn nhất với khoảng 70% sản lượng. Việc tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu thông qua các hội chợ lớn như Anuga (Đức), từ đó tìm hiểu và nắm rõ nhu cầu thị trường, khẩu vị cũng như những tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường này đã giúp Antesco chắc chân tại thị trường này. Một loạt hệ thống quản lý chất lượng như ISO, HACCP, BRC Foods, ISF, Codex, Global GAP được Antesco tuân thủ để đưa sản phẩm xâm nhập được vào những thị trường khắt khe nhất.

Đại diện của Antesco cho biết, công ty đang tiếp cận thị trường Trung Đông, châu Phi và tỏ ra khá lạc quan về dung lượng của các thị trường này. Việc đi vào nhiều thị trường, đồng thời tích cực tìm kiếm thêm các thị trường mới được cho là bước đi khôn ngoan của Antesco nhằm hạn chế rủi ro khi phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Đó cũng là lý do mà trong những năm qua, trong bối cảnh các quốc gia châu Âu bị khủng hoảng, sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này bị giảm, Antesco vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng đều đặn trong khoảng 15 – 20%/năm.

Tiền thân là Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang – doanh nghiệp nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp được thành lập từ năm 1986. Năm 1993, khi lợi nhuận của hàng điện máy nông nghiệp không còn nhiều, đồng thời nhìn thấy thế mạnh về rau quả sẵn có của tỉnh An Giang, Antesco quyết định chuyển hẳn sang lĩnh vực đầu tư, xuất khẩu nông sản. Quyết định táo bạo của ông Huỳnh Quang Đấu khi đang ngồi “ghế nóng” của công ty đã mở ra một cánh cửa mới cho sự phát triển của Antesco. Đến nay thì nguồn rau quả cung ứng cho Antesco không chỉ còn thu hẹp ở An Giang nữa mà là cả vựa rau quả ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi năm Antesco đã tiêu thụ được khoảng 150.000 – 170.000 tấn rau quả và thu mua sản phẩm cho gần 2 triệu nông dân tại khu vực này.

Trăn trở ngành rau quả Việt

Kinh doanh trong lĩnh vực chế biến rau quả, có thể nói, yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của Antesco chính là sự gắn kết với nông dân, trong đó chìa khóa vẫn là gắn kết về giá trị và lợi ích. Tại thời điểm Antesco chính thức cổ phần hóa, trong số 6 thành viên Hội đồng quản trị, có một nông dân là đại diện cho cổ phần của nông dân.

Chia sẻ về quan điểm khi làm việc với người nông dân, ông Đấu cho biết: “Làm ăn với nông dân cần phải có lý, có tình. Cần phải đảm bảo lợi ích hài hòa, phải giúp cho nông dân làm giàu thì họ mới gắn bó lâu dài với doanh nghiệp”. Với hai mặt hàng chủ lực là bắp non và đậu nành rau, Antesco liên kết và ký hợp đồng đầu tư bán chịu giống cho nông dân và mua lại sản phẩm với giá được thỏa thuận trước, với điều kiện là chất lượng phải đảm bảo và kiếm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường.

Một trong những ví dụ điển hình cho việc gắn kết với người nông dân của Antesco là chương trình “Trồng bắp nuôi bò” mà họ đã triển khai rất thành công. Với chương trình này, người nông dân được Antesco hỗ trợ cho vay vốn với lãi suất bằng lãi suất ngân hàng (6,5%/năm) để nuôi bò, với mục đích tận dụng nguồn thức ăn từ thân cây bắp và đậu nành rau. Ông Đấu khẳng định, với những hộ nuôi bò tốt, công ty sẵn sàng không lấy lãi. Với cách làm đó, Antesco đã thuyết phục được người nông dân làm ăn lâu dài với mình và có được vùng nguyên liệu ổn định. Chủ động xây vùng nguyên liệu, gây dựng niềm tin với nông dân, nhưng Antesco lại phải đối mặt với một vấn đề nhức nhối khác: tình trạng tranh mua tại vùng nguyên liệu. Ông Đấu cho biết, có nhiều doanh nghiệp đến thu mua ở vùng nguyên liệu do Antesco đầu tư, doanh nghiệp đó chỉ cần thu mua giá cao hơn công ty chúng tôi 200 – 500 đồng/kg thì nông dân bán ngay cho doanh nghiệp. Antesco mất cả nguồn nguyên liệu lẫn tiền giống đầu tư ban đầu. “Cá biệt có những hộ nông dân ký hợp đồng nhân giống trồng 5.000m2 đậu nành rau, doanh nghiệp khác đến mua giá cao hơn thì người dân thu hoạch 4.500m2 bán cho doanh nghiệp khác”, ông Đấu nói.

Việc thiếu tính liên kết giữa các doanh nghiệp chính là yếu tố kìm hãm sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam. Đây cũng là một trong những lý do khiến ngành nông nghiệp nước ta dù được đánh giá là có rất nhiều lợi thế phát triển, song vẫn chưa thể gây dựng được thương hiệu nông sản thực sự trên trường quốc tế.

Trước thời cơ lớn mở ra từ TPP cũng như các hiệp định tự do thương mại đang đàm phán, ông Đấu còn rất nhiều điều khác phải trăn trở. Tất cả đều là những căn bệnh trầm kha của nền nông nghiệp Việt Nam. Đầu tiên, đó là tập quán canh tác không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của người nông dân. Theo ông Đấu, hiện có khoảng 20% nông dân vẫn cố tình xịt thuốc tăng trưởng hoặc thuốc bảo vệ thực vật bị cấm cho trái cây. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua tiêu chí an toàn và chất lượng của sản phẩm. Điều này đã làm tổn hại đến hình ảnh chung của thương hiệu nông sản Việt Nam. Hệ quả đã thể hiện trên thực tế, khi mà trước đây, một số nước châu Âu đã cấm nhập khẩu một số rau quả của Việt Nam. Hơn nữa, việc thiếu vùng quy hoạch cây trồng khiến nông sản Việt thường xuyên rơi vào trình trạng được mùa rớt giá. Bản đồ vùng trông rau quả manh mún còn khiến việc áp dụng quy trình sản xuất Glogal Gap gặp trở ngại.

Để tháo những nút thắt này, Antesco đang đưa ra nhiều giải pháp để đầu tư xây dựng chuỗi liên kết sản xuất rau màu, giúp nông dân am hiểu hơn về quy trình sản phẩm sạch và tạo ra sản phẩm an toàn. Doanh nghiệp này cũng luôn kêu gọi tinh thần liên kết và hợp tác của các doanh nghiệp trong ngành để nâng cao khả năng cạnh tranh của rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, quyết tâm của mình Antesco là chưa đủ. Đoàn kết thì mạnh, không đoàn kết thì yếu, câu chuyện bó đũa hoàn toàn đúng với trường hợp của ngành rau quả Việt Nam trong hội nhập.

Nói về định hướng phát triển, ông Huỳnh Quang Đấu ví von một cách đầy hình ảnh: “Antesco luôn tâm niệm là mong được cùng bà con nông dân và doanh nghiệp đi chung một con thuyền chở rau quả Việt Nam ra biển lớn, tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên khắp thế giới”.

Nguồn DDDN
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]