Apple dính scandal bóc lột lao động

Trên các tờ báo, website tin tức lẫn các cộng đồng mạng đang sôi sục vì những sản phẩm hoàn hảo iPhone, iPad được làm trên mồ hôi, nước mắt và thậm chí mạng người công nhân.

15.5972

Từ hồi đầu năm 2012, một loạt các bài điều tra của nhiều tờ báo đã phơi bày điều kiện lao động khắc khổ của công nhân ở các nhà máy sản xuất iPhone, iPad cho Apple ở Trung Quốc.

Theo báo Mỹ New York Times, trong một thập kỷ qua, Apple đã trở thành một trong những công ty giàu nhất, thành công nhất và hùng mạnh nhất trên thế giới một phần nhờ làm chủ việc sản xuất toàn cầu. Hãng và những đối tác công nghệ cao của mình cũng như hàng tá ngành công nghiệp khác của Mỹ đã đạt được tốc độ đổi mới gần như không nơi nào sánh kịp trong lịch sử hiện đại.

Song các công nhân đang lắp ráp iPhone, iPad và các thiết bị khác của Apple thường phải làm việc trong điều kiện hà khắc như môi trường làm việc phiền hà và vấn đề an toàn lao động bị vi phạm nghiêm trọng, đôi khi dẫn đến chết người.

Các công nhân lao động quá giờ, trong một số trường hợp là 7 ngày mỗi tuần và sống trong các khu nhà chật chội đông đúc. Một số công nhân nói họ phải đứng quá lâu đến nỗi chân họ sưng phồng khó có thể nhấc nổi bước. Các công nhân dưới tuổi pháp luật quy định đã giúp làm nên các sản phẩm của Apple và các nhà cung cấp của hãng thì thải bừa bãi chất thải độc hại ra môi trường.

Tệ hơn, theo các nhóm hoạt động và giám sát độc lập, một số nhà cung cấp cho Apple coi thường sức khỏe của công nhân. Hai năm trước, 137 công nhân ở một nhà máy sản xuất cho Apple ở Đông Trung Quốc đã bị thương sau khi họ bị buộc phải sử dụng hóa chất độc hại để rửa màn hình iPhone. Trong vòng 7 tháng năm ngoái, hai vụ nổ ở các nhà máy sản xuất iPad gồm một nhà máy ở Chengdu (Thành Đô - thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên), làm bốn công nhân bị thiệt mạng, 77 người khác bị thương. Trước khi các vụ nổ này xảy ra, Apple đã được cảnh báo về điều kiện nguy hiểm bên trong nhà máy ở Chengdu.

"Nếu Apple đã được cảnh báo và đã không hành động, đó là điều đáng khiển trách", ông Nicholas Ashford, một cựu chủ tịch của Ủy ban Cố vấn Quốc gia về An toàn lao động và Y tế, một nhóm cố vấn cho Bộ Lao động Hoa Kỳ nói. Tuy nhiên, những gì về mặt đạo đức kinh doanh bị coi là đáng sợ ở quốc gia này lại có thể được chấp nhận ở quốc gia khác và các công ty, trong trường hợp này là Apple, tận dụng triệt để điều đó.

Các giám đốc hiện tại và trước đó của Apple cho biết hãng đã thực hiện những biện pháp đáng kể để cải thiện các nhà máy sản xuất sản phẩm cho họ trong những năm gần đây. Apple có quy tắc cung cấp trong đó có các tiêu chuẩn về lao động, an toàn lao động và các chủ đề khác. Hãng cho biết khi lạm dụng lao động bị phát hiện, hãng ngay lập tức yêu cầu chấn chỉnh.

Và trong nhiều trường hợp, báo cáo thường niên về trách nhiệm nhà cung cấp của Apple thông báo những vụ lạm dụng lao động đầu tiên. Tháng này, lần đầu tiên Apple công bố một danh sách các nhà cung cấp của mình.

Nhưng những tồn tại trong các nhà máy sản xuất cho Apple vẫn còn đó. Hơn một nửa các nhà cung cấp do Apple kiểm tra đã vi phạm ít nhất một điều khoản trong quy tắc của Apple hàng năm kể từ năm 2007. Nhiều vi phạm liên quan đến điều kiện lao động.

"Apple chưa bao giờ quan tâm đến bất kỳ điều gì khác ngoài tăng chất lượng sản phẩm và giảm chi phí sản xuất", Li Mingqi, người làm quản lý cho Foxconn Technology cho đến tận tháng 4/2011 nói. Ông Li giúp quản lý nhà máy Chengdu nơi vụ nổ xảy ra năm ngoái. Hiện ông Li đang kiện Foxconn vì sa thải ông.

"Họ chẳng mảy may quan tâm đến phúc lợi của công nhân", ông Li nói.

Hải Ninh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]