'Autopsy of Days' - nhìn một cách chân thực nhất

Nhóm nghệ thuật đương đại mang đến nhiều cảm xúc gần gũi qua triển lãm "Autopsy of Days - Nhìn".

31.2144

“Ô giống mình quá”, “đẹp thật”, những cái nhíu mày nín thở... là những phản ứng đầu tiên có thể nhìn thấy ngay trong buổi khai mạc triển lãm ảnh "Autopsy of Days - Nhìn" của nhóm nghệ thuật nhiếp ảnh đương đại Hà Nội, diễn ra từ 26/6-21/7 tại Viện Goethe (56-58 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Tác phẩm trong tập ảnh có chủ đề Truyền hình dài tập của tác giả Nguyễn Thủy Tiên.

Từ “autopsy” có nguồn gốc từ “autoysia” trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “nhìn vào chính mình”.

Không trừu tượng hay mông lung như nhiều triển lãm đương đại gần đây, “Nhìn” là những hình ảnh rõ nét, chân thực nhất, không tô vẽ hay cắt cúp nuột nà. Người xem có thể tìm thấy một chút của mình trong những tư thế nằm ngủ mà nhiếp ảnh gia Nguyễn Hồng Ngọc chộp được ở nhiều góc độ, nhiều nơi đâu đó trong cuộc sống hàng ngày; có thể thấy nhớ nhà, nhói lòng vì thương mẹ khi xem hết chùm ảnh Nhà của Nguyễn Lan Anh; lại phải rùng mình nếu nghĩ đến một mai phải sống một mình như nhân vật “cô”, “cô ấy” trong chùm Truyền hình dài tập của Nguyễn Thủy Tiên...

15 nghệ sĩ nhiếp ảnh trẻ đương đại, mỗi người mỗi vẻ, mang đến triển lãm những những góc nhìn, sắc thái biểu cảm sinh động nhất của cuộc sống đời thường. Điểm chung giữa họ là tất cả dám để ống kính máy ảnh của mình chĩa vào những khoảnh khắc nhạy cảm nhất, những góc khuất quặn thắt mà mỗi con người trong cuộc sống hôm nay luôn tìm cách giấu diếm. “Nhìn” để thấy ta một thời - lúc tuổi thơ ta ước trở thành thiếu nữ, xỏ đôi giày da đen bóng của mẹ và tự nhủ ta cũng đi vừa. “Nhìn” để hình dung nếu một mai già, không thể đi xa, chuyến đi xa nhất là di chuyển từ giường ra bàn để lấy một cốc nước...

Ảnh trong bộ Phả và Hạnh của Nguyễn Hoàng Nam.

Thống nhất thành một cái "ta" giữa 15 cái "tôi" là điều không đơn giản. Nhưng qua cách nhìn, cách làm việc và cách chia sẻ của giám tuyển Jamie Maxtone-Graham, người xem có cảm giác sự thống nhất này rất tự nhiên. “Tôi không dạy, cũng không có gì để dạy họ cả. Tôi chỉ đơn giản là cùng ngồi với họ và trò chuyện", giám tuyển nói.

Nhiếp ảnh gia trẻ tuổi Nông Mạnh Cường, một trong 15 thành viên của workshop với chùm ảnh mang chủ đề "Facebook", kể: “Jamie Maxtone-Graham không cho chúng tôi cảm giác học và dạy như thầy giáo với học trò. Anh ấy quan sát, lắng nghe và cổ vũ chúng tôi một cách thầm lặng, nhiệt tình nhất. Nếu bạn đã hoàn thành được đến 70% ý tưởng và phần còn lại bạn không biết, không đủ tin tưởng để làm cho hoàn hảo, anh ấy sẽ khiến bạn tin vào bản thân mình, tin mình có thể làm được”.

*

Hiền Đỗ




 

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]