Bà bầu ăn thực phẩm giàu sắt nào mới tốt?

Thực phẩm giàu chất sắt có nhiều loại, nhưng loại nào tốt nhất cho bà bầu, để tránh thiếu máu cho mẹ và con.

15.5934
Ảnh minh họa.

Nhu cầu dinh dưỡng của phụ nữ mang thai bao gồm năng lượng, protein, muối khoáng (canxi, sắt, iốt, kẽm), các loại vitamin (A, D, B1, B2, C...). Trong đó, sắt đóng vai trò quan trọng cho quá trình tạo máu tham gia vào vòng tuần hoàn trong cơ thể mẹ, quá trình phát triển của bào thai, nhau thai và phòng nhiễm khuẩn cho cơ thể.

Trong thời kỳ mang thai, thể tích máu của người mẹ tăng 50% để tăng lượng máu nuôi dưỡng thai nhi. Trong suốt quá trình mang thai, người phụ nữ cần 1.000mg sắt để làm tăng khối lượng máu mẹ, cung cấp máu cho thai nhi và bù lại lượng máu mất lúc sinh.

Sắt là nguồn nguyên liệu để tổng hợp nên hemoglobin, làm cho hồng cầu có màu đỏ, giúp vận chuyển oxy trong máu đến với các mô trong cơ thể người mẹ và thai nhi.

Sắt cũng là thành phần của myoglobin, có trong các mô cơ, có tác dụng dự trữ oxy cho hoạt động mô cơ, bằng cách kết hợp với các chất dinh dưỡng khác để giải phóng năng lượng cho sự co cơ. Đặc biệt, đối với những người phụ nữ mang thai, sắt giúp tạo nên một thai kỳ khoẻ mạnh và an toàn.

Trong thời gian hình thành và phát triển, thai nhi hấp thụ chất dinh dưỡng chuyển từ mẹ theo đường máu từ 3 nguồn: Trực tiếp từ khẩu phần ăn của người mẹ, từ kho dự trữ các chất dinh dưỡng của mẹ như gan, xương, khối mỡ và từ quá trình tổng hợp các chất dinh dưỡng ở nhau thai. Vì vậy, khi mang thai, thiếu máu thiếu sắt dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho cả bà mẹ lẫn con.

Cách tốt nhất để dự phòng thiếu sắt cũng như thiếu các vi chất dinh dưỡng khác là duy trì chế độ ăn đa dạng thực phẩm. Nên chọn các thực phẩm giàu sắt trong bữa ăn hằng ngày. Thức ăn động vật chứa nhiều sắt bao gồm: Gan các loại động vật (lợn, gà, vịt, bò, trâu...) và các phủ tạng khác như tim, bầu dục, đặc biệt tiết có hàm lượng sắt rất cao.

Các loại thịt bò, lợn cũng chứa nhiều sắt, lòng đỏ trứng và các loại thủy hải sản cũng chứa nhiều sắt. Sắt trong các thức ănnguồn gốc từ động vật có giá trị sinh học cao và khả năng hấp thu tốt hơn so với sắt có nguồn gốc thực vật.

Trong các thức ăn nguồn gốc thực vật thì sắt có nhiều trong đậu đỗ, vừng lạc, các loại rau màu xanh thẫm như rau muống, rau ngót, mồng tơi, rau đay... Ngoài ra, hiện nay có nhiều loại thực phẩm được bổ sung vi chất sắt như nước mắm, xì dầu, hạt nêm có bổ sung sắt, bánh qui, bột dinh dưỡng cho trẻ em.

Muốn sắt hấp thu tốt cần ăn đầy đủ và thường xuyên các thực phẩm có chứa nhiều sắt, nhất là các thực phẩm có nguồn gốc động vật, ăn nhiều quả chín (cam, quýt, chanh, bưởi, táo, đu đủ, chuối, dưa hấu...) để tăng cường lượng vitamin C trong khẩu phần ăn, một yếu tố quan trọng góp phần tăng cường hấp thu sắt.

Không nên uống nước chè sau bữa ăn vì trong chè có tanin. Ngoài ra, phytat (có trong đậu đỗ, gạo và các loại ngũ cốc) cũng là chất ức chế hấp thu sắt.

AloBacsi.vn
Theo Bs Trần Thúy Nga - Viện dinh dưỡng quốc gia
Kiến thức
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]