Bà bầu bị ngứa phải làm sao để nhanh khỏi nhất?

Bà bầu bị ngứa với biểu hiện như lòng bàn tay, lòng bàn chân bị ửng đỏ và ngứa ngáy. Một số thai phụ khác lại bị chứng ngứa đi kèm với dấu hiệu phát ban toàn thân...

0

Những nguyên nhân khiến bà bầu bị ngứa

Đôi khi tình trạng ngứa da khi có bầu chỉ đơn giản vì tăng cân nhiều, nhưng cũng nhiều người khổ sở do những nguyên nhân khó đoán khác.

Chị Đinh Hương (phố Biên Hòa, Tp.Phủ Lý, Hà Nam), đang có bầu ở tháng thứ 8, da đã căng rạn quá mức gây mẩn ngứa và nổi mề đay khiến chị rất khó chịu. Chị cố gắng kiềm chế những cơn ngứa như “gãi ghẻ” ở ngực, bụng, cánh tay, mông, đùi… bằng cách bôi thuốc mỡ, nhưng cũng không khá lên.

Thạc sỹ Lê Duy Toàn (Khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) cho biết: Nguyên nhân của tình trạng này là căng da và sự đè ép của thai lên tĩnh mạch chủ dưới, gây ứ trệ tuần hoàn chi dưới, sinh phù chân.

Ngoài ra, việc tăng chuyển hóa trong cơ thể gây ra việc tăng tiết mồ hôi và da trở nên nhạy cảm hơn với những kích thích từ môi trường bên ngoài (thời tiết nóng bức, sự cọ xát của quần áo thô ráp, bệnh ngoài da sẵn có...).

Tuy nhiều bà bầu bị ngứa da do rạn và căng quá mức thì còn do những nguyên nhân khó đoán khác rất đáng lưu ý:

- Thay đổi độ pH vùng âm hộ - âm đạo: Vùng này có độ kiềm cao khi mang thai, dễ dẫn đến viêm nhiễm.

- Viêm nang lông trong thai kỳ (không do vi trùng): Xuất hiện từ tháng thứ 4 - 9 và gây ngứa ở những vùng có lông như đầu, mặt, nách, bộ phận sinh dục.

- Tắc mật trong gan: Đây là một bệnh gan hiếm gặp xảy ra trong 3 tháng cuối thai kỳ. Thai phụ ngày càng ngứa trầm trọng, kèm theo buồn nôn, nôn, chán ăn, mệt mỏi toàn thân (các triệu chứng sẽ hết sau khi sinh). Bệnh có thể gây sinh non.


Bà bầu bị ngứa nên làm gì để nhanh khỏi?

- Để hạn chế ngứa ngáy trong thời kỳ bầu bì, các mẹ nên giữ cơ thể sạch sẽ, mặc trang phục thoáng mát bằng chất liệu cotton và tránh xa các loại quần áo bằng chất liệu tổng hợp vì chúng có xu hướng kìm hãm sự ẩm ướt. Đồng thời không nên ở những nơi quá nóng bức.

- Tắm nước nóng lâu dưới vòi hoa sen hoặc ngâm mình lâu trong bồn tắm sẽ khiến da bạn bị khô và ngứa hơn. Do đó chị em cũng nên hạn chế điều này. Sử dụng xà phòng nhẹ, không mùi để tắm cũng là lời khuyên mà các bác sĩ dành cho mẹ bầu.

- Sau khi tắm xong hãy thoa một lượng kem dưỡng ẩm lên vùng da bị ngứa ngay khi da còn ẩm. Điều này giúp da hấp thụ độ ẩm nhiều hơn. Các sản phẩm dưỡng ẩm chất lượng như kem dưỡng bơ, ca cao, chiết xuất nha đam… rất tốt và phù hợp cho làn da bị ngứa.

Nên đọc

- Chăm sóc vùng kín: Bạn cần đi khám phụ khoa để loại trừ viêm âm đạo do nấm để điều trị ngứa âm đạo trong thai kỳ, bạn cần mặc quần lót bằng chất liệu cotton và luôn chăm sóc, vệ sinh vùng kín sạch sẽ và khô ráo. Không tắm vòi hoa sen và lau âm đạo từ phía trước ra phía sau để tránh xa vi khuẩn.

- Uống đủ nước: Để giữ độ ẩm cho cơ thể, bạn hãy uống đủ nước mỗi ngày, ít nhất khoảng 2 lít. Cùng với đó, bạn cũng cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng hợp lý để luôn có lợi cho da.

- Lưu ý tránh cào, gãi vì da sẽ càng bị kích thích, không chỉ khiến bạn ngứa hơn mà có thể để lại di chứng về sau. Hãy dùng một chiếc khăn mát hoặc một chiếc khăn ấm để chườm vào vùng da bị ngứa để cảm thấy dễ chịu hơn.

- Ghi danh các loại thức ăn giàu vitamin A (có trong cá, trứng, các loại rau, củ)… vào thực đơn cho mẹ bầu và uống nước đủ 2 lít hàng ngày. Nên tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng.

- Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc và các loại kem bôi da nếu không có chỉ định của bác sĩ. Trước khi dùng sản phẩm gì, bạn cần đến bác sĩ để được tư vấn cẩn thận.

6 trường hợp nên đến bác sĩ

- Ngứa và phát ban vẫn không giảm sau khi đã áp dụng các biện pháp trên.

- Ngứa toàn thân kèm với vàng da.

- Ngứa phát ban kèm với sốt có thể bị bệnh nhiễm trùng .

- Ngứa hay phát ban (không kèm sốt) và có tổn thương da.

- Ngứa kèm với cảm giác bỏng rát quanh âm hộ - âm đạo.

- Ngứa quanh hậu môn (có thể do bệnh trĩ).

Thùy Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]