Bà bầu nên chọn tư thế "ở trên"

Ngay cả khi mang bầu thì bạn vẫn có thể làm chuyện chăn gối trở nên hấp dẫn hơn.

0

Có rất nhiều lý do khiến bạn phải suy nghĩ về sex trong thời gian mang thai, đó là:

Mất cảm hứng với chuyện ấy

Nhiều người nói rằng họ cảm thấy gợi cảm hơn khi mang bầu, nhưng một số thì thấy buồn phiền vì thân hình mũm mĩm, mệt mỏi và xấu xí. Không ít trường hợp 2 tháng đầu bị mất hoàn toàn cảm giác với sex.

Đừng quá lo lắng, đây là điều rất bình thường. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, cơ thể phải "làm việc" nhiều nên bạn thường cảm thấy kiệt sức, quá tải, buồn nôn. Chính vì thế, bạn không còn tâm trạng cho chuyện ấy cũng không có gì là lạ. Khi bước sang giai đoạn 2 của thai kỳ (3 - 6 tháng), cảm giác buồn nôn không còn, estrogen - hormon do cơ quan sinh dục tiết ra - tăng mạnh sẽ làm cho đời sống tình dục của bạn sôi động trở lại.

Bác sĩ khuyên rằng ngay cả khi bạn không muốn "giao ban", bạn cũng nên duy trì sự gần gũi với chồng qua các hành động như hôn, âu yếm hay vuốt ve.

"Chuyện ấy" có ảnh hưởng đến thai nhi?

Phần lớn đàn ông lo ngại về điều này mà không dám đụng đến vợ, nhưng may mắn cho cả hai, câu trả lời ở đây là không. Cho dù kích thước "cậu nhỏ" của chồng bạn có lớn đến đâu cũng không thể làm tổn thương đến thai nhi hay vỡ ối.

Nếu thấy có máu sau khi giao hợp, hãy nói chuyện với bác sĩ. Lượng máu trong cổ tử cung tăng mạnh trong thời gian mang thai có thể là nguyên nhân. Hoặc nó cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như sảy thai. Hãy đến bệnh viện khám và trao đổi với bác sĩ để biết chính xác điều gì đang xảy ra và có những biện pháp phòng tránh tốt nhất.

Nên tránh quan hệ trong trường hợp nào?

Nếu thai nhi phát triển bình thường, bạn không có vấn đề về sức khỏe, bạn có thể làm "chuyện ấy" với chồng cho đến tận ngày trước khi sinh. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp mà bạn nên tránh giao hợp. Chẳng hạn, nếu bạn có nguy cơ hay tiền sử bị sảy thai, bạn nên để cho xương chậu của mình được nghỉ ngơi. Điều đó có nghĩa là không làm việc nặng, không sex và không cả cực khoái.

Ngay cả khi bạn và bé hoàn toàn khỏe mạnh, bạn cũng có thể không có hứng. Nếu như cái bụng to và nặng nề khiến bạn cảm thấy không thoải mái, hãy thử một vài tư thế hoặc kiểu kích thích mới. Cho dù như thế mà bạn vẫn không khả quan hơn, hãy nói cho chồng biết rằng bạn không sẵn sàng. Có thể anh ấy sẽ hiểu và thông cảm.

Chúng tôi có thể quan hệ bằng miệng?

Sẽ không có chuyện gì nếu bạn và thai nhi khỏe mạnh. Trên thực tế, nhiều phụ nữ cảm thấy kiểu kích thích này phù hợp nhất khi cơ thể đang phát phì và không mấy dễ chịu. Tuy nhiên, bạn nên tránh kiểu quan hệ này nếu chồng bị bệnh herpes môi (tình trạng: lở/giộp miệng). Virus herpes có thể truyền qua bạn và ảnh hưởng đến thai nhi. Khả năng này là rất thấp, tuy nhiên, để an toàn, bạn nên tránh và nói chuyện với bác sĩ để có lời khuyên cụ thể.

Sex trong tuần cuối của thai kỳ giúp em bé nhanh ra hơn?

Nếu còn vài tuần nữa mới đến ngày dự sinh thì việc quan hệ không tác động gì đến chuyện sinh nở của bạn. Tuy nhiên, nếu như bạn đã quá ngày dự sinh thì sex sẽ giúp cơ thể bạn sẵn sàng hơn cho sự kiện trọng đại này. Prostaglandin (các acid béo không bão hòa ở các mô) trong tinh dịch có tác dụng làm mềm cổ tử cung.

Tư thế nào phù hợp nhất khi tôi mang bầu?

Ở vào giai đoạn thứ 3 của thai kỳ (6 - 9 tháng), tư thế thích hợp nhất cho 2 người là bạn ở phía trên, chồng ở dưới. Cách này giúp bạn chủ động được "sự xâm nhập" của "cậu nhỏ".

Nếu không thích tư thế "truyền thống" này, bạn có thể đổi kiểu. Vẫn là bạn ở trên, chồng ở dưới, nhưng thay vì mặt đối mặt, bạn có thể quay ngược, nhìn về phía chân anh ấy. Tư thế này cho phép người ấy tự do hơn, có thể ngồi dậy, đỡ để giúp bạn giảm tải với cái bụng.

Sau khi giao hợp, em bé có vẻ quá im ắng?

Đừng lo lắng! Việc cơ thể di chuyển nhịp nhàng trong lúc yêu đã "ru" bé ngủ. Đây là lúc để cả 3 người được nghỉ ngơi.

3 điều nên biết về sex sau khi sinh

- Kiêng khem trong 6 tuần đầu tiên

Điều này làm giảm nguy cơ lây nhiễm và đảm bảo cơ thể bạn đã phục hồi hoàn toàn. Nếu bạn sinh thường, thời gian này là đủ để máu không còn chảy, "cô bé" không còn sưng và âm hộ bị rạch cũng đã liền. Nếu bạn sinh mổ, các cơ ở khoang bụng cũng cần thời gian để trở lại hoạt động bình thường.

- Sẵn sàng cho sự thay đổi

6 tuần đầu tiên đã qua và bạn đang bước vào thai kỳ thứ 4 - giai đoạn thực sự là thách thức với bạn và chồng. Có thể vào lúc này, bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và không hứng thú với chuyện ấy. Đây chính là lúc cần tới tài sắp xếp của bạn. Hãy đảm bảo là bạn vừa có thể chăm sóc bé mà vừa có thời gian cho bản thân. Nếu thấy quá tải, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của người thân như bố mẹ, anh chị em hoặc thuê giúp việc. Thời gian còn lại, hãy lên kế hoạch để hâm nóng lại cảm xúc với chồng và chuyện ấy.

- Có không gian "yêu"

Đừng để bé xen vào chuyện yêu của bạn và chồng. Cách tốt nhất là dọn cho bé một chỗ riêng (cũi, nôi) ở bên cạnh giường của hai vợ chồng. Cách này giúp 2 bạn vừa có không gian riêng, vừa có thể chăm sóc bé kịp thời khi bé thức giấc, đòi bú, hay có bất kỳ nhu cầu nào khác.
AloBacsi.vn
Theo Khám phá
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]