Ba lần khởi nghiệp

Bao nhựa đen tái sinh là sản phẩm mà một nhóm người Hoa ở Chợ Lớn gần như độc quyền sản xuất cung cấp cho cả thị trường từ Bắc vào Nam trong những năm đầu thập niên 1980. Thế nhưng có một người không sinh ra từ cái "lò nhựa" ấy nhưng đã học được đức tính tốt trong kinh doanh của những người Hoa và phất lên từ chính nghề này.

15.6047

Gia đình cũng là một phần cái tâm của doanh gia.

Người đó không ai khác hơn là Tổng giám đốc Phạm Trung Cang của Ngân hàng Á châu (ACB), một trong những ngân hàng thương mại cổ phần thuộc loại lớn nhất Việt Nam đồng thời là chủ công ty bao bì nhựa Tân Đại Hưng. Nhưng những người quen biết lâu nay nói rằng, dù ông Cang đã thành công trong việc điều hành ngân hàng ACB hơn hai năm nay với chức tổng giám đốc, nhưng đó là nghề phụ. Nghề làm bao nhựa mới là nghề ruột của ông.

Nhẫn!

20 năm trước, Phạm Trung Cang làm thư ký cho phó chủ tịch Q.3 với tấm bằng cao đẳng kinh tế. 8 giờ hành chính làm công chức nhà nước, lương không đủ sống, Cang cải thiện thu nhập bằng cách nhận gia công hấp vỏ xe. Chỉ thực hiện một quy trình nhỏ của cả quá trình nhưng càng ngày Cang càng bị thu hút vào công việc mới mẻ này. Bỏ ra một đồng vốn, kiếm được hai đồng lời như một thứ ma lực hấp dẫn anh. Phải làm giàu, Cang quyết định bỏ chốn văn phòng để thử vận may trên thương trường bằng cách theo học nghề làm vỏ xe của một ông già người Hoa, và mở cơ sở sản xuất vỏ xe đạp của riêng mình.

Lần đầu khởi nghiệp Cang khá suôn sẻ, hàng làm ra không đủ bán. Nguyên liệu chủ yếu là mủ cao su thiên nhiên. Nhưng rồi có một lần có người đến chào hàng những khối cao su nguyên liệu trắng ngà - được trục vớt lên từ một chiếc tàu chìm, với giá chỉ bằng nửa so với giá mủ chén và mủ đất đang sử dụng. Nguyên liệu có vẻ rẻ, Cang dốc vốn mua một lượng lớn, ai dè chỉ trong một tháng tất cả những chiếc vỏ xe để trong kho sản xuất nguyên liệu này đã chảy nhão ra. Gia sản với khoảng trên 100 lượng vàng đã tiêu tan.

Giữa cơn nguy cấp, Cang được một người bạn giới thiệu đến một người Hoa hợp tác sản xuất nhựa tái sinh. "Tôi gắn với nghề làm bao bì nhựa từ đó", Cang kể lại câu chuyện khởi nghiệp lần thứ hai của ông.

Tổ hợp bao bì Bình Minh ra đời. Mới chân ướt chân ráo vào nghề này, biết mình không thể vào hệ thống chân rết phân phối cho hàng đầu mối ở các chợ như các cơ sở sản xuất người Hoa, Cang tìm ra một hướng riêng, bán hàng giao tận cửa cho các công ty sản xuất hóa chất. Hai năm sau anh tích lũy được vốn không kém số tiền có được trước đây. Một lần nữa anh đem số tiền đó đầu tư tiếp vào sản xuất. Nhưng có lẽ ông trời không muốn cho anh thành công dễ dàng, năm 1984, cơn hỏa hoạn từ HTX làm bao bố ở bên cạnh đã lây sang và thiêu rụi luôn cơ ngơi của anh.

Sập tiệm! Toàn bộ nhà xưởng cháy rụi anh bạn làm ăn người Hoa chia tay, nhà nước thu lại mặt bằng sản xuất. Ở tuổi 30, lần thứ hai trong cuộc đời Cang trở về con số 0. "Lúc đó tôi cố tự an ủi là thất bại tại thiên và cố cho mình một cơ hội cuối cùng", ông kể.

Từ vị trí làm ông chủ, Cang trở thành người đi bỏ mối. Anh vào chợ Lớn nhờ người quen cũ để lấy hàng mà không phải trả tiền liền, sau đó đem bán lại cho khách hàng trước đây của tổ hợp. "Theo người Hoa làm ăn, tôi học được rằng, muốn tồn tại và thành công trên thương trường là phải nhẫn, kiên trì không buông xuôi, bỏ cuộc", ông Cang nói và ông đã làm theo điều đó.

Đảm

Sau 1 năm rưỡi bươn chải chạy chợ từ Bắc vào Nam, năm 1986, ông Cang đã khôi phục lại được nhà xưởng với 20 chiếc máy dệt tấm nhựa tái sinh.

Những năm đó, tâm trạng chung của người sản xuất là nơm nớp lo sợ, không dám đăng ký tên tuổi công khai vì sợ người ta để ý. Họ chỉ tập trung thiết lập mạng phân phối ở các chợ, Cang thì lại khác. Anh quyết định tái lập tổ hợp Bình Minh, để có đủ tư cách pháp nhân. và đây được xem là lần khởi nghiệp thứ ba của anh. 2 năm sau, đổi tên thành Công ty Đại Hưng với dây chuyền 200 máy dệt công suất

Đầu những năm 1990, khi Việt Nam mở cửa, một số công ty Đài Loan bắt đầu giới thiệu máy dệt bao tròn vào thị trường Việt Nam. Trong lúc người Hoa còn làm bao nhựa, nhiều nhà sản xuất trong nước còn e dè, thì ông Cang đã bạo gan làm thử. Ông mua ba máy dệt bao tròn cũ trị giá 10.000 USD để làm thử. Bao sản xuất theo kỹ thuật dệt tròn không có đường nối hai bên nên chắc hơn. Khách hàng bắt đầu để ý đến sản phẩm mới.

Nhưng cái bạo của ông Cang ngày đó có lý do. Thời gian đó, các công ty xuất khẩu gạo của Việt Nam bắt đầu kiếm được hợp đồng bán gạo ra nước ngoài, trong nước bao bì nhựa đen xì nên nhà sản xuất này buộc phải mua bao PP dệt tròn từ Thái Lan hay Malaysia. Nhìn thấy cơ hội đang đến, ông tiếp tục đem thế chấp nhà cửa vay vốn ngân hàng mua mua một máy kéo, 12 máy dệt tròn hiện đại và sản phẩm của ông đã tìm ngay được thị trường.

10 tháng sau, ông trả hết số tiền vay ngân hàng và được vay tiếp để đầu tư mới. Năm 1998, công ty đổi tên thành Tân Đại Hưng.

Tâm

Hai mươi mấy năm bôn ba, ở tuổi 47 như ông bây giờ có thể tạm gọi là thành công. Mấy năm trước, ông giao cho người em trai quản lý để đảm nhận chức vụ tổng giám đốc ngân hàng ACB. Nhưng trong thời khóa biểu của ông vẫn dành thời gian cho nghề bao nhựa vào sau 5h mỗi buổi chiều.

"Ông bà mình nói phi thương bất phú là rất đúng nhưng để phú được lâu dài thì phải có cái tâm", ông Cang tâm sự. "Tôi muốn làm giàu nhưng phải làm giàu một cách chính đáng, mình làm giàu sao cho để người khác tôn trọng".

Làm ở hiện tại nhưng vẫn lo nghĩ cho tương lai, Phạm Trung Cang cho biết, hướng phát triển của Tân Đại Hưng là chuyên sản xuất bao bì nhựa đòi hỏi kỹ thuật cao để xuất sang Mỹ. Còn riêng ông, ông đang chuẩn bị để lùi xa bớt chuyện thương trường, dành nhiều thời gian cho gia đình. "Gia đình là tối quan trọng. Tôi nghĩ gia đình cũng là một phần cái tâm của doanh gia", ông Cang kết luận.

TBKTSG

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]