Bác sĩ gia đình - mô hình hiệu quả

Trước tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên hiện nay thì phát triển y tế tuyến cơ sở là một giải pháp được đánh giá cao để có thể giải quyết những vấn đề này, nhất là mô hình bác sĩ gia đình, một dịch vụ thực hành thí điểm bắt đầu từ năm 2013 tại 8 tỉnh thành trên toàn quốc như TP Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội, Hải Phòng…

15.5985

Mô hình thích hợp

Mặc dù là mô hình nhỏ chỉ với quy mô phòng khám và chỉ thực hiện nhiệm vụ sơ cứu, cấp cứu, khám chữa bệnh đối với các bệnh thường gặp… nhưng bác sĩ gia đình lại có hiệu quả rất cao trong việc giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan. Đồng thời tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân, gia đình bệnh nhân, mang lại hiệu quả kinh tế cho xã hội và giảm đi những búc xúc từ những sự việc trên nếu  không được giải quyết một cách ổn thỏa.

Do bác sĩ gia đình có vai trò, tính chất khác hẳn với các bác sĩ chuyên khoa tại các bệnh viện ở chỗ họ là người gần và gắn bó với dân nhất, có thể có mối quan hệ lâu dài bền vững với người bệnh và cả gia đình bệnh nhân để trên cơ sở đó xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong cộng đồng và lối sống của họ trong cộng đồng. Nghĩa là đối với các vấn đề sức khỏe ban đầu, bác sĩ gia đình là người có thể chăm sóc, theo dõi, điều trị toàn diện và liên tục cho người bệnh.

Lãnh đạo Bộ Y tế và Sở Y tế Hà Nội kiểm tra Phòng khám Đa khoa Yên Hòa hoạt động theo mô hình phòng khám bác sĩ gia đình

Trong hoàn cảnh y tế của nước ta hiện nay thì thực hiện mô hình bác sĩ gia đình là giải pháp hiệu quả bởi bệnh tật đang diễn ra theo mô hình kép - các bệnh lây nhiễm, suy dinh dưỡng ở mức khá cao trong khi các nhóm bệnh không lây nhiễm và tai nạn thương tích tăng nhanh dẫn đến nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Cùng với đó lại là tình trạng quá tải diễn ra như một tồn tại vẫn chưa giải quyết được. Cho nên áp dụng mô hình bác sĩ là phù hợp.

Theo TS Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình có thể hiểu là phòng khám tư nhân, độc lập do cá nhân bác sĩ gia đình thành lập và đăng ký hoạt động, có thể thuộc phòng khám đa khoa tư nhân hoặc thuộc bệnh viện đa khoa. Trạm y tế xã cũng có thể lồng ghép, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình nếu bảo đảm đầy đủ điều kiện. Và điều đặc biệt là phòng khám bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh theo cả chế độ bảo hiểm y tế cho những bệnh nhân thuộc đối tượng này.

Đối chiếu với “định nghĩa” như vậy về phòng khám bác sĩ gia đình thì những phòng khám tư nhân, những phòng chẩn trị y học cổ truyền, nhân viên y tế thôn bản… đã hoạt động bấy lâu nay thực ra cũng có thể coi là mô hình của phòng khám bác sĩ gia đình nhưng chỉ sơ khai, nghĩa là chưa chăm sóc, quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và cộng đồng dân cư nơi họ sinh sống và cũng không chữa trị theo chế độ bảo hiểm… Trong khi bác sĩ gia đình theo đúng mô hình chuẩn, ngoài sự chăm sóc, khám chữa bệnh liên tục như đã nói còn có tính cộng đồng cao, tham gia hướng dẫn phòng bệnh, phát hiện sớm bệnh cũng như kiểm soát các bệnh mãn tính nếu có… trong cộng đồng người dân. 

Cần nhân rộng

Có nhiều người lầm tưởng bác sĩ gia đình là sẽ đến tận nhà người dân chữa trị, quản lý, chăm sóc sức khỏe. Nhưng không hẳn vậy, tùy theo thể trạng của bệnh nhân, bác sĩ gia đình quyết định có đến nhà chữa trị hay không. Còn họ vẫn làm việc chính tại phòng khám. Thực ra, chữ “bác sĩ gia đình”  đã nói lên đầy đủ ý nghĩa, nhiệm vụ, giới hạn công việc của họ.

Hiện nay đã có 6/8 địa phương được tổ chức thí điểm đã thực hiện mô hình bác sĩ gia đình và phòng khám gia đình là Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Huế… với nhiều hình thức khác nhau như trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình…

Theo bước đầu đánh giá của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, các phòng khám bác sĩ gia đình này đã đạt được kết quả tốt đẹp, thậm chí ngoài mong đợi. Từ năm 2013 đến tháng 6-2014, các phòng khám đã thực hiện được hơn 350 nghìn lượt khám, chữa bệnh; gần 3 nghìn lượt khám, chữa bệnh cấp cứu, 72 thủ thuật và chuyển tuyến hơn 11.500 ca; khám bệnh tại nhà được 3 nghìn ca và tư vấn gần 10 nghìn cuộc; phục hồi chức năng 87 ca. Trong đó, đặc biệt phải kể đến Phòng khám Bác sĩ gia đình của Bệnh viện quận 2, TP Hồ Chí Minh, ngày đầu thành lập vào năm 2013, chỉ có từ 20-30 bệnh nhân mỗi ngày nhưng giờ đã lên đến 150 bệnh nhân/ngày, tổng lượt khám trung bình khoảng gần 2 nghìn lượt/tháng. Tại Phòng khám Bác sĩ gia đình của Bệnh viện Tân Phú, mặc dù mới thành lập năm 2013, nhưng riêng năm 2014, dù với nhân lực mỏng chỉ có 4 bác sĩ, 4 điều dưỡng viên nhưng đã khám cho hơn 15 nghìn lượt, tư vấn sức khỏe cho hơn 760 lượt và khám, tư vấn tiêm chủng gần 7 nghìn lượt. Đặc biệt, phòng khám bác sĩ gia đình ở Bệnh viện Tân Phú còn có phần mềm bệnh án ngoại trú điện tử cho phép theo dõi sức khỏe và chăm sóc trẻ từ khi còn trong bụng mẹ cho đến lúc trưởng thành.  Ở Hà Nội phòng khám tư nhân Thành Công cũng được đánh gia cao, đạt hiệu quả trong công tác chăm sóc, quản lý sức khỏe ban đầu của cộng đồng.

Một vài kiến nghị

Tuy nhiên, sau khi thực hiện thí điểm mô hình phòng khám bác sĩ gia đình cũng xuất hiện những khó khăn nhất định khi nguồn nhân lực mỏng, hầu như không có mấy nhân viên y tế muốn làm việc tại phòng khám bác sĩ gia đình, đặc biệt là bác sĩ trẻ. Tiếp nữa là chương trình đào tạo dài hạn tại các trường đại học y dược về y học gia đình chưa sâu, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động cho bác sĩ gia đình… Chính vì vậy, uy tín, trình độ của một số bác sĩ ở đây cũng chưa tạo được niềm tin tuyệt đối đối với người bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Quang Thịnh, phụ trách chuyên môn của phòng khám bác sĩ gia đình duy nhất tại Hải Phòng phân tích với báo giới: “Sở dĩ phòng khám bác sĩ gia đình khó thu hút nhân lực trẻ là do chỉ tập trung vào khám, hướng dẫn điều trị các bệnh thông thường do đó ít có cơ hội được tiếp xúc với nhiều mặt bệnh phức tạp để có thể nâng cao tay nghề. Thêm vào đó, thời gian làm việc không cố định, làm cho các bác sĩ trẻ khó sắp xếp thời gian học tiếp lên bậc cao hơn. Đã vậy, vì chỉ khám bệnh thông thường nên giá dịch vụ khám không cao dẫn đến thu nhập của bác sĩ rất thấp, chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng không đủ chi trả cuộc sống. Tất cả những điều này đối với các bác sĩ trẻ khi làm việc tại các cơ sở y tế công lập hoặc những cơ sở y tế tư nhân có chính sách thu hút bác sĩ trẻ thì lại được giải quyết một cách dễ dàng hơn…”.

Về đào tạo chuyên khoa, bác sĩ Thịnh cũng cho hay cả Trường ĐH Y dược Hải Phòng và Trường CĐ Y tế Hải Phòng chưa hình thành chuyên khoa y học gia đình, mới chỉ dừng lại là một bộ môn đào tạo 2 đơn vị học trình trong quá trình đào tạo bác sĩ đa khoa. Do đó, y học gia đình chưa chuyên sâu, chưa thuyết phục được tuyệt đối người bệnh.

Trước vấn đề trên, TS Trần Quý Tường khẳng định những khó khăn ấy, Bộ Y tế cũng hình dung ra và sắp tới đây bộ sẽ xem xét việc ban hành chương trình đào tạo để thu hút sinh viên cũng như những chính sách để có thể thu hút người trẻ trở thành bác sĩ gia đình.

Với hiệu quả ban đầu đạt được cũng như trên cơ sở đã được phân tích của các nhà khoa học nếu triển khai tốt, thực hiện triệt để, mô hình phòng khám bác sĩ thực sự sẽ là một mô hình nhỏ nhưng hiệu quả lớn.

Theo các nghiên cứu khoa học, cứ 1.000 người dân có vấn đề sức khỏe trong tháng sẽ có 750 người dân than phiền về sức khỏe, đồng thời sẽ có 250 người dân đi khám bệnh, 9 người cần nhập viện trị và chỉ có 1 người cần điều trị chuyên khoa sâu. Như vậy, trong số 250 người dân đi khám bệnh chỉ có 9 người cần nằm viện điều trị. Còn lại 241 người là các bệnh nhẹ không cần đến bệnh viện và bác sĩ gia đình sẽ là người khám và điều trị cho 241 người dân có các vấn đề sức khỏe hằng tháng này.

Nguồn:
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]